Thứ tư 06/11/2024 14:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Thanh Trì (Hà Nội): Khai mạc Lễ hội truyền thống đình làng Việt Yên năm 2023

14:09 | 25/02/2023

(Xây dựng) – Ngày 25/02 (tức ngày 6/2 Âm lịch), Ban tổ chức đình làng Việt Yên (thôn Việt Yên, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cùng với nhân dân trong xã đã long trọng tổ chức Lễ khai mạc lễ hội truyền thống đình làng Việt Yên năm 2023. Đây là hoạt động được tổ chức 3 năm một lần, với nhiều nghi thức đặc sắc như tế lễ, rước kiệu nhằm thành kính tri ân công đức của các bậc tiền nhân, có công với đất nước.

Thanh Trì (Hà Nội): Khai mạc Lễ hội truyền thống đình làng Việt Yên năm 2023
Bí thư Đảng uỷ xã Ngũ Hiệp Trần Văn Nam và Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp thắp hương tại đình làng Việt Yên.

Đình làng Việt Yên còn có tên là Đình Kẻ Vẹt (theo tên Nôm từ thời cổ của thôn Việt Yên), được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật từ năm 1990. Ngôi đền này thờ tướng Nguyễn Siêu làm Thành Hoàng, ông là một vị thủ lĩnh tài ba, lãnh đạo sứ quân nổi dậy trong thời loạn 12 sứ quân.

Theo thần tích lưu giữ tại đình làng, tướng Nguyễn Siêu là bậc anh tuấn phi thường, được Ngô Vương Quyền phong làm Thống lĩnh tướng quân, lập đại bản doanh ở Việt Yên, chiếm giữ vùng Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội ngày nay). Sau khi Ngô Vương Quyền mất, các thổ hào chúa đất nổi lên tranh giành cát cứ, dẫn tới thời loạn 12 sứ quân. Để bảo vệ lãnh thổ, Nguyễn Siêu đã cho quân sỹ ngày đêm tập luyện võ thuật, xây dựng thành lũy kiên cố.

Thanh Trì (Hà Nội): Khai mạc Lễ hội truyền thống đình làng Việt Yên năm 2023
Toàn cảnh lễ hội đình làng Việt Yên, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội.

Đến nay, những vết tích còn để lại cho thấy, tuyến lũy của Nguyễn Siêu có chiều dài khoảng 10 km, kéo dài từ làng Việt Yên qua Ngọc Hồi. Lũy được cấu tạo bằng cọc rặng tre gai trồng thành nhiều lớp, bao quanh các thôn xóm. Đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, những rặng tre và lũy đất này vẫn là những công trình kiến trúc quân sự rất có giá trị.

Tương truyền về lý do lập ngôi đền thờ Việt Yên, thần tích ghi: “Ngày 15/7, bỗng nhiên lũ lớn, gió gầm thét, thuyền rồng đắm, khí giới quân nhu đều mất cả. Sau đó vài tháng, trôi tới Bái Xuyên một người một ngựa, trôi tới giữa dòng ba tháng vẫn còn nguyên vẹn, da dẻ hồng hào... nhân dân cho là linh thiêng lập đền thờ cúng”.

Ngoài ra, đình làng Việt Yên còn lưu giữ tới 23 đạo sắc phong từ Triều Lê đến Triều Nguyễn, các Hoành Phi, Câu đối, Ngai, Nhang Án, 3 Chúc sứ Đời Thanh, Cỗ Long Ngai bài vị thờ Ngài (với Ngai lớn cao trên 1,2m). Đặc biệt, kiệu cổ từ thế kỷ XVIII.

Lễ hội đình làng Việt Yên năm nay được tổ chức trong 3 ngày, từ mùng 6-8/2 (Âm lịch) với nhiều hoạt động đặc sắc như: Tế lễ, rước kiệu từ đình Sắc sang đình Chính, giao lưu văn nghệ…

Thanh Trì (Hà Nội): Khai mạc Lễ hội truyền thống đình làng Việt Yên năm 2023
Rước kiệu luôn để lại sự háo hức cho người dân địa phương và du khách.

Lãnh đạo thôn Việt Yên, xã Ngũ Hiệp cho biết, lễ hội được tổ chức để thành kính tri ân công đức của các bậc tiền nhân, bày tỏ lòng biết ơn đến những người có công với nước, với dân và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Do đó, ngay từ sáng sớm, người dân và du khách thập phương đã tập trung rất đông ở đình làng. Chờ sau khi làm lễ tế xong, mọi người bắt đầu vào lễ và cầu xin Đức Thành Hoàng phù hộ độ trì cho gia đình mình, khuôn mặt ai cũng tràn ngập niềm vui, phấn khởi.

Thanh Trì (Hà Nội): Khai mạc Lễ hội truyền thống đình làng Việt Yên năm 2023
Du khách thập phương vào tế lễ.

Ông Phạm Văn Hạ chia sẻ, sau nhiều năm ảnh hưởng của dịch bệnh, năm nay hội làng mới được tổ chức nên người dân rất vui mừng, bởi đây là dịp đặc biệt để mỗi người dân hiểu hơn về mảnh đất và con người làng Việt Yên. Đặc biệt là những người con quê hương, đi làm ăn xa trở về hướng tới cội nguồn.

Mạnh Hùng – Tuấn Hưng

Theo

Cùng chuyên mục
  • Sóc Trăng: Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo sẽ diễn ra từ ngày 9-15/11

    (Xây dựng) – Nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt là các hoạt động văn hóa lễ hội; đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024.

  • Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024

    (Xây dựng) - UBND Thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch tổ chức Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 (The HaNoi Culinary Culture Festival 2024). Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 diễn ra trong 3 ngày (29-30/11 và 1/12) tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng).

  • Phát huy những giá trị di sản văn hoá Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, công tác bảo tồn phải luôn tuân thủ các yêu cầu rất nghiêm ngặt, vừa phải bảo vệ tổng thể di tích bao gồm bảo vệ các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hoá vật chất đi đôi với bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần.

  • Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Cố đô Huế với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, là tỉnh duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

  • Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

  • Thái Nguyên: Khánh thành công trình di tích đền thờ Lý Nam Đế

    (Xây dựng) - UBND thành phố Phổ Yên vừa tổ chức cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục), tại phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load