(Xây dựng) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 1158/QĐ-TTg công nhận thành phố Vĩnh Long là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Một góc thành phố Vĩnh Long. |
Thành phố Vĩnh Long là đô thị hạt nhân Tiểu vùng trung tâm kết nối với 3 đô thị vệ tinh độc lập của tiểu vùng Phú Quới, Long Hồ và Mỹ An. Đường bộ có đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ đang xây dựng, Quốc lộ 1, Quốc lộ 80, Quốc lộ 53, Quốc lộ 57, đường tỉnh 902 nối các huyện phía Nam; đường sắt định hướng xây dựng tuyến đường sắt Đồng bằng sông Cửu Long; đường thủy có cảng Vĩnh Long và tuyến đường thủy sông Cổ Chiên, sông Tiền; đường hàng không cách sân bay quốc tế Cần Thơ 50km.
Thành phố Vĩnh Long có điều kiện thông thương dễ dàng với toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như Thành phố Hồ Chí Minh và một số nước Đông Nam Á.
Theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định thành phố Vĩnh Long là đô thị hạt nhân nằm trong Vùng trung tâm tỉnh Vĩnh Long. Đây là vùng phát triển kinh tế động lực của tỉnh với thế mạnh của vùng là phát triển đô thị, trung tâm công nghiệp, trung tâm giáo dục - đào tạo; trung tâm du lịch, giải trí chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc gia; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa, rau màu và cây ăn trái.
Vai trò, vị trí là đô thị trung tâm vùng tỉnh của thành phố Vĩnh Long chính là một động lực thu hút đầu tư, dân cư, lao động để phát triển đô thị. Có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, là nền tảng phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ liên quan, sẽ là động lực để phát triển đô thị. Có tiềm năng phát triển du lịch, là động lực thu hút đầu tư phát triển đô thị du lịch.
Trong hơn 10 năm kể từ khi được công nhận là đô thị loại III (năm 2007), tình hình quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị và đầu tư hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố phát triển mạnh mẽ với định hướng hoàn thiện hạ tầng đô thị và hạ tầng kinh tế toàn bộ 11 phường hiện nay của thành phố.
Không gian phát triển đô thị của thành phố Vĩnh Long không còn giới hạn trong phạm vi của thành phố mà đã phát triển lan tỏa sang huyện lân cận. Nhu cầu mở rộng đô thị để quản lý phát triển được đặt ra, trên cơ sở đó điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vĩnh Long đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Vĩnh Long mở rộng bao gồm toàn bộ phạm vi địa giới hành chính hiện nay của thành phố Vĩnh Long và 5 xã của huyện Long Hồ, bao gồm 11 phường nội thị và 5 xã ngoại thị mở rộng, có quy mô diện tích 11.221,05ha, dân số toàn đô thị năm 2019 là 228.058 người.
Với những thay đổi lớn như vậy, việc công nhận thành phố Vĩnh Long mở rộng là rất cần thiết, phù hợp với định hướng quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như vùng tỉnh Vĩnh Long và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Tuệ Minh (Ảnh: Kiến Hòa)
Theo