(Xây dựng) – Trước tình trạng lấn chiếm kênh rạch trên địa bàn, Thành phố Hồ Chí Minh vừa có cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch, bờ biển và chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó.
Thành phố Hồ Chí Minh có khá nhiều kênh rạch bao quanh. |
Thành phố giao Sở Xây dựng chỉ đạo lực lượng Thanh tra Xây dựng tăng cường kiểm tra và phối hợp với UBND các địa phương kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng lấn chiếm không phép, trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn.
Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các sở, ngành và các địa phương liên quan quản lý chặt chẽ việc xây dựng các bến thủy nội địa, cảng thủy nội địa. Qua đó yêu cầu các chủ bến, bãi cam kết thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn bờ sông, bờ biển, tránh gây sạt lở do việc lưu thông và neo đậu của các phương tiện vận chuyển vật liệu.
Kịp thời phát hiện và phối hợp UBND các địa phương xử lý, cưỡng chế tháo dỡ ngay đối với những trường hợp vi phạm, lấn chiếm trái phép hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, bờ biển.
Sở Tài nguyên và Môi trường được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án kè chống sạt lở trong thời gian sớm nhất để các chủ đầu tư có mặt bằng phục vụ thi công hoàn thành dứt điểm các dự án kè chống sạt lở bờ sông bảo vệ an toàn khu dân cư.
Các lực lượng như: Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Công an Thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong phối hợp với UBND các địa phương nơi xảy ra sự cố sạt lở để huy động lực lượng kịp thời ứng cứu người, trục vớt tài sản, di dời người dân đến nơi an toàn và đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực xảy ra sạt lở.
Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tiến hành kiểm tra, rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để phối hợp các đơn vị liên quan lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá, phân loại mức độ sạt lở, công bố danh mục sạt lở năm 2023 và sắp xếp thứ tự ưu tiên xử lý sạt lở theo quy định.
Đồng thời, chỉ đạo các phường, xã, thị trấn, đơn vị trực thuộc thông báo thường xuyên các vị trí bờ sông, bờ biển có nguy cơ sạt lở để người dân biết và chủ động di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi tạm cư an toàn. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cơ sở để thường xuyên chốt chặn tại các vị trí xảy ra sạt lở, khoanh vùng, rào chắn ngăn không cho người và phương tiện vào khu vực sạt lở; tổ chức vận động và hỗ trợ người dân di dời sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm, bảo vệ tài sản của hộ dân sau khi đã di dời.
Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra và tích cực vận động nhân dân, doanh nghiệp tháo dỡ công trình lấn chiếm sông, kênh, rạch, di dời vật liệu, hàng hóa trên hành lang bảo vệ bờ sông vào bên trong nhằm giảm tải tại các khu vực sạt lở.
Thành Nam
Theo