(Xây dựng) – Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở vừa hoàn tất Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và chính thức trình UBND Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, thẩm định 4 dự án nâng cấp, mở rộng 4 cửa ngõ huyết mạch theo hình thức PPP, hợp đồng BOT với tổng số vốn hơn 58.000 tỷ đồng.
![]() |
Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ranh giới tỉnh Bình Dương với chiều dài gần 6km sẽ được mở rộng. |
Các dự án sẽ được nâng cấp bao gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); Dự án nâng cấp đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Sơ bộ, tổng vốn đầu tư cho 4 dự án trên hơn 58.000 tỷ đồng. Trong đó, công trình có quy mô lớn nhất là mở rộng Quốc lộ 13, ước tính cần hơn 21.724 tỷ đồng. Sau khi thẩm định, UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trình HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư 4 dự án trên tại kỳ họp tháng 2/2025.
Đầu tiên là dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An), vừa được đổi tên là đường Lê Khả Phiêu dài 9,62km có tổng mức đầu tư khoảng 16.270 tỷ đồng (bao gồm lãi vay 794 tỷ đồng trong thời gian xây dựng).
Trong đó, cơ cấu nguồn vốn ngân sách Thành phố tham gia dự án khoảng 9.611 tỷ đồng (chiếm 59%), phần vốn nhà đầu tư huy động và lãi vay khoảng 6.659 tỷ đồng (chiếm 41%). Thời gian thu phí của nhà đầu tư: 21 năm 10 tháng.
Thứ hai là dự án cải tạo Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh), nay được đổi tên là đường Lê Quang Đạo đi qua địa bàn quận 12, huyện Hóc Môn có tổng chiều dài tuyến 8,03km.
Dự án có tổng mức đầu tư bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng là 10.451 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước tham gia dự án 6.234 tỷ đồng (chiếm 59,65% tổng mức đầu tư) và phần vốn còn lại nhà đầu tư huy động khoảng 4.217 tỷ đồng (chiếm 40,35% tổng mức đầu tư). Thời gian thu phí của nhà đầu tư 23 năm 10 tháng.
Thứ ba là dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình): đoạn qua thành phố Thủ Đức dài 6,3km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 21.724 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng). Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước tham gia hơn 14.707 tỷ đồng (chiếm khoảng 68% tổng mức đầu tư). Phần vốn còn lại do nhà đầu tư huy động hơn 7.017 tỷ đồng (chiếm khoảng 32% tổng mức đầu tư). Thời gian thu phí của nhà đầu tư 21 năm 4 tháng.
Thứ tư là dự án nâng cấp đường trục Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long An) đi qua địa bàn quận 7 và huyện Nhà Bè có tổng chiều dài 8,6km.
Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ là hơn 9.894 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay). Trong đó, vốn ngân sách Thành phố khoảng 4.679,7 tỷ đồng (chiếm khoảng 47% tổng mức đầu tư). Phần vốn còn lại do nhà đầu tư huy động hơn 5.214 tỷ đồng (chiếm 53% tổng mức đầu tư). Thời gian thu phí của nhà đầu tư 22 năm 1 tháng.
Bình An
Theo