Thứ sáu 08/11/2024 09:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp giấy phép xây dựng

18:57 | 13/10/2023

(Xây dựng) - Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn Thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp giấy phép xây dựng
Công tác cấp giấy phép xây dựng ở Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh vừa có báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023.

Theo Sở Xây dựng, trong 9 tháng đầu năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp 18.248 giấy phép xây dựng (so với cùng kỳ năm trước, giảm 6.895 giấy phép xây dựng, tỉ lệ giảm 27%), với tổng diện tích sàn xây dựng là 4.350.004,09m2.

Trong đó, Sở Xây dựng cấp 58 giấy phép xây dựng với tổng diện tích sàn xây dựng là 720.670,90m2 (so với cùng kỳ năm trước giảm 5 giấy phép xây dựng, tỉ lệ giảm 8%).

Đáng chú ý, Sở Xây dựng cho biết, công tác cấp giấy phép xây dựng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Điều 1 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP quy định về trường hợp phải lập quy hoạch tổng mặt bằng.

Theo quy định tại Điều 91 Luật Xây dựng (có sửa đổi, bổ sung tại Điều 39 Luật Kiến trúc; khoản 31 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14), đối với khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế đô thị thì quy chế quản lý kiến trúc là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng.

Theo quy định tại Điều 32 Luật Quy hoạch đô thị, khu vực đô thị đã cơ bản ổn định thì thiết kế đô thị riêng là cơ sở cấp giấy phép xây dựng.

Ngày 28/12/2021, UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 56/2021/QĐ-UBND kèm quy chế quản lý kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, nhiều khu vực, tuyến phố tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được lập thiết kế đô thị.

Tuy nhiên, thực trạng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tồn tại nhiều dạng nhà liên kế trong khu vực, tuyến phố đã ổn định về hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành quy chế quản lý kiến trúc chung và 1 số khu vực đã có thiết kế đô thị riêng đáp ứng điều kiện cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng, kiến nghị không áp dụng lập, phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng.

Cụ thể, đối với những lô đất nhỏ hơn 500m2 nằm xen cài trong nhà liên kế thuộc khu vực, tuyến phố đã ổn định về hạ tầng kỹ thuật thì được áp dụng quy chế quản lý kiến trúc để cấp giấy phép xây dựng. Đối với khu vực đã có thiết kế đô thị riêng, đã xác định chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc cụ thể đến từng lô đất sẽ là căn cứ để cấp giấy phép xây dựng.

Về trường hợp tổ chức, doanh nghiệp sau khi nhận chuyển nhượng nhà ở riêng lẻ và có nhu cầu sửa chữa, cải tạo, xây dựng mới công trình. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Nhà ở, nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Nhưng thực tế nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng, mua bán nhà ở riêng lẻ và sau đó có nhu cầu sửa chữa cải tạo hoặc xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ kết hợp mục đích dân dụng khác.

Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ kết hợp mục đích dân dụng khác, do là doanh nghiệp nên khi đầu tư xây dựng dự án công trình có “chức năng ở” thì phải thực hiện theo hình thức phát triển nhà ở theo dự án trong khi xây dựng công trình có chức năng văn phòng thương mại dịch vụ thì cũng không phù hợp quy hoạch xây dựng đất nhóm nhà ở. Do đó, tổ chức, doanh nghiệp không triển khai sửa chữa, cải tạo hoặc xây dựng mới công trình được.

Từ thực trạng trên, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Xây dựng có nội dung hướng dẫn trường hợp nêu trên.

Viết Dũng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load