Thứ bảy 27/04/2024 04:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất các biện pháp chống dịch cũng như đảm bảo phát triển kinh tế

21:50 | 20/04/2020

(Xây dựng) – Trước tình hình dịch Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh đề xuất với Chính phủ 5 nội dung nhằm kiểm soát dịch nhưng cũng đảm bảo phát triển kinh tế.

thanh pho ho chi minh de xuat cac bien phap chong dich cung nhu dam bao phat trien kinh te
Ảnh minh họa.

Thực hiện giãn cách xã hội khi kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, thành phố đề xuất Chính phủ xem xét, mở dần một số hoạt động thiết yếu ít có nguy cơ lây nhiễm

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, hiện nay thành phố tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Qua 12 ngày không phát hiện ca nhiễm mới, so với 15 ngày trước khi thực hiện Chỉ thị 16 thì số ca nhiễm mới của thành phố giảm 88%. Điều này cho thấy việc giãn cách xã hội có hiệu quả rõ rệt, bước đầu thu được kết quả tích cực trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, được ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay diễn biến dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm vẫn còn cao. Để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho người dân, ông Phong kiến nghị Thủ tướng cho tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 30/4/2020 với tinh thần kiên định, chủ động và quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Bên cạnh đó, thành phố đề xuất 5 nội dung:

Thứ nhất, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông khi đo lường sự đi lại của người dân từ khi thực hiện Chỉ thị 16, kết quả đã giảm rõ rệt, rõ nhất vào ngày 2/4 nhưng có xu hướng tăng trở lại vào ngày 9/4. Điều này cho thấy có tâm lý chủ quan lơ là của người dân. Thành phố kiến nghị Chính phủ thực hiện giãn cách xã hội càng về sau càng nghiêm ngặt để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Thứ hai, mục đích của việc đeo khẩu trang là để phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, việc giãn cách xã hội thời gian dài cũng có thể khiến việc tuân thủ đeo khẩu trang nơi công cộng không được tuân thủ chặt chẽ. Hơn nữa, hiện nay mức phạt không đeo khẩu trang nơi công cộng còn thấp, tối đa là 300.000 đồng. Thành phố kiến nghị Chính phủ tăng số tiền xử phạt đối với hành vi vi phạm này để đủ sức răn đe.

Thứ ba, các biện pháp cách ly người bệnh, cách ly kiểm dịch, khai báo y tế, giáo dục sức khỏe là những biện pháp ít gây tổn thương kinh tế. Tuy nhiên, thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt là khi kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, thành phố đề xuất Chính phủ xem xét, mở dần một số hoạt động thiết yếu ít có nguy cơ lây nhiễm, đáp ứng bộ tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ. Bộ tiêu chí này phải được ban hành song song với việc cho phép mở cửa một số hoạt động thiếu yếu, ít nguy cơ và giao cho địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và đóng cửa nếu không đạt các tiêu chí về phòng chống dịch. Đây là chính sách kép để kích thích kinh tế trong bối cảnh chưa xác định được thời điểm kết thúc dịch bệnh. Việc này tăng cường đạo đức trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, đồng thời tạo ra văn hóa bảo vệ ngành nghề kinh doanh cho từng doanh nghiệp.

Thứ tư, đề xuất Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng mô hình dịch tễ của bệnh truyền nhiễm, mục tiêu là để biết một người trong một ngày sẽ đến trung bình bao nhiêu chỗ, gặp bao nhiêu người, tiếp xúc gần với bao nhiêu người, khi thực hiện giãn cách xã hội thì giảm được bao nhiêu lần tiếp xúc… Từ đó xác định biện pháp giãn cách xã hội tối ưu để phòng chống dịch bệnh.

Thứ năm, hiện nay nhiều quốc gia đang hứng chịu làn sóng thứ 2 lây nhiễm, để đảm bảo tốt nhất sức khỏe của người dân, thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ định 1 số sân bay để tiếp nhận người Việt Nam từ vùng dịch trở về. Đồng thời áp dụng biện pháp cách ly nghiêm hơn nữa, xét nghiệm lại sau 14 ngày cách ly.

Mạnh Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load