(Xây dựng) - Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Vì vậy, ngày 15/11/2022 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 72/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Buôn Ma Thuột. Đây là đơn vị cấp huyện duy nhất được Quốc hội ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Thu hút đầu tư từ cơ chế, chính sách đặc thù
Với tầm nhìn của Trung ương, xác định phát triển TP Buôn Ma Thuột thành trung tâm, là “thủ phủ” của 5 tỉnh Tây Nguyên trong kỷ nguyên mới và để thực hiện, cụ thể hóa Nghị quyết 72, ngay từ đầu năm 2024, UBND TP Buôn Ma Thuột đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả 5 cơ chế, chính sách đặc thù.
Theo đó, Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố đã lãnh đạo UBND Thành phố chủ động phối hợp và tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk đề xuất Chính phủ phê duyệt dự án vay vốn ODA cho dự án phát triển đô thị khu vực phía Đông và dọc hành lang suối Ea Nao - Ea Tam với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng.
Về cơ chế phân bổ phần kinh phí tăng thêm 45% định mức chi thường xuyên, ngân sách thành phố được bổ sung cân đối hàng năm là 336,38 tỷ đồng. Tổng kinh phí này được hòa chung nguồn cân đối của thành phố để thực hiện một số nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, chỉnh trang đô thị, chuyển đổi số, hoàn thiện và nâng cao một số tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Thành phố đã chủ động rà soát quỹ đất trên địa bàn, kết hợp với các Sở, ngành tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá điều kiện, ưu đãi của cơ chế này đến các doanh nhân, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Từ đó kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm tham gia, nhằm khai thác, huy động nguồn lực đầu tư xã hội tối đa.
Đến nay, thành phố đã xây dựng xong đề án về việc tổ chức thực hiện quy định chính sách ưu tiên; tiêu chí xác định đối tượng chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt (gọi tắt là người tài) trong các lĩnh vực cần thu hút làm việc tại các cơ quan chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành phố. Trong đó, đề án thu hút nhân tài thành phố có chính sách hỗ trợ ban đầu tối đa 500 triệu đ/người, hưởng mức lương tối đa 50 triệu đ/người/tháng, cùng nhiều đãi ngộ khác.
Mỗi công trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học, giải pháp, sáng kiến đổi mới kỹ thuật, công nghệ được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phê duyệt, công nhận thì được hưởng hỗ trợ khuyến khích bằng 1% tổng kinh phí chi trả cho đề án.
TP Buôn Ma Thuột đang khẩn trương thực hiện cơ chế phân cấp thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP Buôn Ma Thuột.
Cùng với đó, thành phố đã và đang rà soát các hoa viên, công viên để đầu tư đồng bộ; những công viên lâu năm đã xuống cấp sẽ được nâng cấp, cải tạo, góp phần chỉnh trang đô thị, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí cho người dân. Việc quy hoạch công viên được tính toán kỹ, sao cho mỗi công viên, hoa viên là một khu rừng thu nhỏ và có chủ đề riêng.
Xây dựng thành phố sinh thái, giàu bản sắc
Để thực thực hiện mục tiêu xây dựng TP Buôn Ma Thuột xứng tầm trung tâm vùng Tây Nguyên, định hướng quy hoạch trở thành đô thị xanh - sinh thái - thông minh - bản sắc, việc tăng cường trồng cây xanh trong thành phố được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm và đầu tư thực hiện.
TP Buôn Ma Thuột là một trong những đô thị có tỷ lệ cây xanh cao nhất cả nước, với diện tích đất cây xanh nội thị đạt gần 2.202 ha; giữ vững vị trí Top 10 thành phố xanh - sạch - đẹp nhất Việt Nam. Phấn đấu hết năm 2025, tỷ lệ cây xanh toàn thành phố đạt 18m²/người, riêng khu vực nội thành là 9 m²/người và tiếp tục tăng lên.
Nói đến TP Buôn Ma Thuột không thể không kể đến buôn du lịch cộng đồng Akô Dhông (phường Tân Lợi), buôn của người đồng bào Ê Đê với những ngôi nhà dài truyền thống san sát nhau, được bao bọc bởi những khu vườn xanh rợp bóng cây. Những người lớn tuổi trong buôn cho biết, người Ê Đê khi lập buôn thường chọn khu vực có cánh rừng nguyên sinh bao quanh suối đầu nguồn - đó chính là nơi mạch nguồn che chở người dân có cuộc sống ấm no.
Không chỉ buôn du lịch cộng đồng Akô Dhông, thành phố còn hàng chục buôn làng của người dân tộc Ê Đê tại chỗ sinh sống dọc theo các con suối như: Ea Tam, Ea Nuôl, Ea Nao, Ea Tul… cần được gìn giữ, bảo tồn ở cấp độ tốt nhất, từ rừng đầu nguồn, bến nước cho đến kiến trúc nhà dài truyền thống đặc sắc và nổi bật. Đây là di sản kiến trúc đặc biệt, không phải đô thị nào cũng được sở hữu, nên chính quyền địa phương cần quan tâm khai thác hợp lý để tạo bản sắc riêng cho đô thị Buôn Ma Thuột.
Ông Vũ Văn Hưng- Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết: Để phát triển đô thị Buôn Ma Thuột hợp lý, hài hòa, phù hợp với đặc điểm tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc của vùng Tây Nguyên, có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, văn hóa và kỹ thuật hiện đại; thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục chỉnh trang, đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, tăng cường hệ thống cây xanh công viên, xây dựng hiện đại và bền vững các chức năng trung tâm công cộng đối với các khu phố cũ. Đồng thời, duy trì và phát huy sự tham gia của các buôn làng truyền thống trong đô thị để kết hợp tinh hoa của kiến trúc dân tộc truyền thống Tây Nguyên với môi trường sinh thái tự nhiên, tạo thành khu đô thị hiện đại, đồng bộ, có đặc trưng.
Cũng theo ông Hưng, thành phố đang quyết liệt thực hiện Nghị quyết 72/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột.Với mục tiêu xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột xứng tầm là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, thành phố đã phối hợp với các Sở, ngành tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk lập đề xuất chủ trương đầu tư cải tạo các dự án hạ tầng kỹ thuật hành lang suối Ea Nao - Ea Tam và xây dựng đường vành đai phía Đông với chiều dài tuyến là 21,7 km. Dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài dự án vay ODA. Tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 8.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay hơn 3.638 tỷ đồng, địa phương đối ứng trên 4.397 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2026 - 2031.
Với cơ chế, chính sách đặc thù, TP Buôn Ma Thuột sẽ sớm vươn mình phát triển, xứng tầm với vị trí chiến lược của vùng Tây Nguyên.
Bên cạnh những lợi thế sẵn có, TP Buôn Ma Thuột đã áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy tăng trưởng một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm như: Du lịch, cà phê, nông nghiệp sạch, sản phẩm OCOP, điện năng lượng…. Kinh tế - xã hội của thành phố đã có những bứt phá, góp phần vào sự phát triển của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Thành phố đã giải quyết được nhiều vấn đề xã hội như: Giảm nghèo, cải thiện môi trường, bảo tồn văn hóa dân tộc, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. |
Ngọc Giang
Theo