Thứ hai 29/04/2024 05:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thành phố bên Sông Đà vươn tầm đô thị loại II

20:00 | 09/02/2024

(Xây dựng) - Đảng bộ và Nhân dân TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) xác định mục tiêu nâng TP Hòa Bình trở thành đô thị loại II là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phấn đấu hoàn thành cơ bản các tiêu chí đô thị loại II trong năm 2024.

Thành phố bên Sông Đà vươn tầm đô thị loại II
TP Hòa Bình dần "thay áo mới”, mang dáng dấp một đô thị hiện đại bên dòng sông Đà thơ mộng, trữ tình.

Mục tiêu nâng cấp TP Hòa Bình lên đô thị loại II được cụ thể hóa tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 1648/QĐ-TTg ngày 20/12/2023 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 31/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hòa Bình lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hành trình “thay áo mới”

Năm 2020, huyện Kỳ Sơn sáp nhập vào TP Hòa Bình, mở ra không gian phát triển cho thành phố, với 10 phường, 9 xã, diện tích 348,65 km2, dân số trên 135.000 người. Với vị trí giáp Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ vùng Tây Bắc, thành phố có nhiều điều kiện phát triển đô thị, du lịch, thương mại… là những tiền đề quan trọng để nâng tầm đô thị loại II.

TP Hoà Bình sở hữu tuyến sông Đà từ hạ lưu đập thủy điện xuống đến Thịnh Minh, như một tấm lụa trải dài khiến cho bức tranh cảnh quan của thành phố vừa có nét trữ tình, vừa hiện đại. Trước đây, các ngành, đơn vị đã đề xuất ý tưởng quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu dọc hai bên sông Đà, trong đó xác định sông Đà là điểm nhấn phát triển đô thị, dịch vụ, cảnh quan, môi trường; dọc hai bên bờ sông được quy hoạch hệ thống đường, cơ sở dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước, giao thông đồng bộ, kết nối, tạo cảnh quan và điểm nhấn cho TP Hòa Bình - một thành phố ven sông xứng tầm là trung tâm của tỉnh, cửa ngõ của vùng Tây Bắc. Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cảnh quan, môi trường bảo đảm khai thác, phát huy các hoạt động du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế dịch vụ ven sông Đà.

Để cụ thể hóa Nghị quyết số 04-NQ/TH.U, ngày 20/4/2021 về xây dựng TP Hòa Bình theo các tiêu chí đô thị loại II, hoàn thành trước năm 2025, thành phố xác định trọng tâm đầu tiên là công tác quy hoạch, lấy TP Hòa Bình là đô thị trung tâm tỉnh, vệ tinh Thủ đô Hà Nội, cầu nối vùng Thủ đô và Tây Bắc, có bản sắc riêng. Thành phố đã tập trung xây dựng đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hòa Bình đến năm 2045 trình cấp thẩm quyền quyết định; lập đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 (đang lập 20 đồ án, diện tích khoảng 9.155 ha), Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500; lập chương trình phát triển đô thị, quy chế quản lý kiến trúc…

Đến hết năm 2023, các chỉ tiêu đề ra dự kiến đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ II. Mục tiêu xây dựng TP Hòa Bình trở thành đô thị loại II trước năm 2025 đang từng bước hoàn thành các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định. TP Hòa Bình dần "thay áo mới”, phát triển hài hòa, cân đối bên sông Đà. Hạ tầng giao thông phát triển mạnh với nhiều công trình được đầu tư, cải tạo, xây mới như: Cầu Hòa Bình 2, cầu Hòa Bình 3, tỉnh lộ 433, 435, đường Chi Lăng kéo dài nối QL6… Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội, cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) đoạn qua TP Hòa Bình, dự án mở rộng đường tránh QL6... được khởi công. Hạ tầng đô thị, công nghiệp, thương mại cũng được đẩy mạnh xã hội hóa. Nhiều khu dân cư, dự án nhà ở được xây dựng, tạo diện mạo mới. Trung tâm thành phố có quảng trường rộng thênh thang, có khu chung cư cao tầng, nhà phố, khuôn viên hiện đại. Đường đê Đà Giang mở rộng thành tuyến đường lung linh ánh điện, phố ẩm thực, dịch vụ phát triển… Người dân rất phấn khởi và tự hào.

Đồng chí Nguyễn Quang Điệp - Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cho biết: Việc xác định những công trình, dự án đầu tư trọng điểm phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ, kết hợp tạo điểm nhấn đô thị, hướng tới mục tiêu nghị quyết và xây dựng TP Hòa Bình sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, bản sắc là hết sức cần thiết. Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố tiếp tục huy động, ưu tiên mọi nguồn lực từ nguồn vốn đầu tư công của tỉnh, thành phố, xã hội hóa và các nguồn khác để sớm hoàn thành các công trình, dự án hạ tầng thiết yếu nâng tầm đô thị như: Công viên hồ Thịnh Lang, nhà tang lễ và cơ sở hỏa táng, điện chiếu sáng xã Mông Hóa…

Đối với tiêu chuẩn thiếu về mật độ dân số, thành phố xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển nhà ở, khu thiết chế công đoàn; tiến độ GPMB, thi công hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, lao động. Với tiêu chuẩn điện chiếu sáng, vận động Nhân dân và Nhà nước cùng làm nhằm tăng tỷ lệ ngõ xóm được chiếu sáng lên tối thiểu 80%. Tiếp tục chỉnh trang đô thị, thiết kế đèn thắp sáng và trang trí cảnh quan các trục đường chính.

Thành phố cũng quan tâm xây dựng chính quyền đô thị và văn hóa, văn minh đô thị. Ứng dụng công nghệ, khai thác hiệu quả phần mềm tương tác trực tuyến ORIM-X trong quản lý đô thị; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tăng tốc, về đích đúng hẹn

Năm 2023, TP Hòa Bình đã và đang triển khai thực hiện từng phần việc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí đô thị loại II: Thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc lập Đề án đề nghị công nhận TP Hòa Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hòa Bình; Đồ án quy hoạch chung đô thị tỷ lệ 1/10.000 TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2045; Chương trình phát triển đô thị TP Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án thành lập phường Mông Hóa thuộc TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Tập trung chỉ đạo, phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai lập Đồ án quy hoạch chung đô thị tỷ lệ 1/10.000 TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2045, trình Sở Xây dựng thẩm định trong tháng 01/2024. Thành phố đang phấn đấu hoàn thành công tác phê duyệt và công bố Đồ án trong quý II/2024; Tiếp tục lập và trình thẩm định các Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000; Hết năm 2024, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu các khu vực phát triển đô thị trên địa bàn thành phố đạt 100%; Tổ chức lập đề cương Chương trình phát triển đô thị TP Hòa Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 trình Sở Xây dựng thẩm định; Hoàn thành công tác lựa chọn đơn vị tư vấn trong tháng 02/2024, Phê duyệt và công bố trong quý III/2024; tổ chức lập Đề án đề nghị công nhận TP Hòa Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hòa Bình. Đến nay, UBND Thành phố đã phê duyệt đề cương đề án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Phòng Quản lý đô thị đang tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn theo quy định, hoàn thành công tác lựa chọn đơn vị tư vấn trong tháng 01/2024, trình Sở Xây dựng tham mưu ban Chỉ đạo cho ý kiến về dự thảo Đề án trong tháng 9/2024.

Đến nay, qua rà soát, đánh giá các tiêu chí của TP Hòa Bình so với Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, TP Hòa Bình đạt 3/5 tiêu chí, 52/63 tiêu chuẩn, với 71,34 điểm.

Tin tưởng rằng, với nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân, TP Hòa Bình sẽ về đích đúng hẹn, sớm nâng tầm đô thị loại II - một đô thị văn minh, hiện đại, hài hòa và bền vững, có nền kiến trúc xanh, tiên tiến, mang đặc trưng văn hóa Hòa Bình đặc sắc.

Mai Thu

Theo

Cùng chuyên mục
  • Hạ Long: Rút ngắn khoảng cách vùng cao với thành thị

    (Xây dựng) - Khu vực vùng núi của thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) gọi là vùng rừng Hoành Bồ hiện có 12 xã, số đông là người thiểu số. Các xã đang sôi nổi hưởng ứng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 78-NQ/TU của Thành ủy ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025. Đồng bào rẻo cao phấn khởi gọi là Nghị quyết rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các xã vùng cao với thành thị.

  • Lộc Hà (Hà Tĩnh): Hỗ trợ xây mới 1.054 ngôi nhà cho người nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn

    (Xây dựng) - Chương trình hỗ trợ sửa chữa xây dựng nhà ở cho người nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong những năm qua đã đem lại ý nghĩa thiết thực, giúp người dân thuộc diện khó khăn trên địa bàn huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) sớm ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

  • Chính quyền thành phố Okayama thăm Cảng quốc tế Long An

    (Xây dựng) - Trong khuôn khổ chương trình làm việc tại tỉnh Long An, Đoàn công tác chính quyền thành phố Okayama (Nhật Bản) đã đến thăm Cảng quốc tế Long An do Dongtam Group đầu tư. Sự kiện mang ý nghĩa quan trọng thúc đẩy hợp tác và giao lưu giữa hai địa phương.

  • Tiềm ẩn nhiều rủi ro trong các khu tập thể cũ tại Hà Nội

    (Xây dựng) - Bên cạnh những khu đô thị mới hiện đại, cao tầng với đầy đủ tiện ích, Hà Nội vẫn còn không ít những khu tập thể cũ xuống cấp một cách trầm trọng, tiềm ẩn những rủi ro về phòng cháy chữa cháy và an ninh trật tự.

  • Nam Định tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đối với “Tổ liên gia an toàn PCCC”

    (Xây dựng) - Năm 2024, tỉnh Nam Định được Bộ Công an chọn triển khai làm điểm xây dựng “Tỉnh an toàn phòng cháy chữa cháy” để nhân rộng trong toàn quốc. Vì vậy, mới đây, tại Quảng trường 3-2, UBND tỉnh Nam Định tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đối với “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC)” năm 2024.

  • Thái Bình: Đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ trên địa bàn trước và sau dịp lễ 30/4

    (Xây dựng) - Để bảo đảm tốt an ninh trật tự, công tác phòng chống cháy, nổ trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau dịp lễ 30/4, 1/5, Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và du lịch hè 2024, UBND tỉnh Thái Bình đã ra văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành, huyện, thành phố thực hiện nghiêm một số nội dung.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load