(Xây dựng) - Nhờ chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ các khâu cần thiết trong và sau quá trình sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, tuần làm việc đầu tiên ở các đơn vị hành chính mới tại Thanh Hóa đã điễn ra suôn sẻ, nghiêm túc và đạt hiệu quả cao.
Trụ sở UBND xã Xuân Hồng. |
Thực hiện Nghị quyết 786/NQ-UBTVQH ngày 16/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa, trong những ngày đầu tháng 12 này, tất cả các xã, phường, thị trấn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chính thức đi vào hoạt động với một khí thế mới, quyết tâm mới. Để ghi nhận thực tế diễn ra tại cơ sở, phónh viên Báo điện tử Xây dựng đã có chuyến đi tìm hiểu thực tế tại một số địa phương mới sáp nhập, thuộc địa bàn huyện Thọ Xuân - huyện vừa đón nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, có số đơn vị hành chính diện sắp xếp, sáp nhập cao nhất tỉnh.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân cho biết, toàn huyện có 20 xã, thị trấn sáp nhập thành 9 xã, thị trấn. Triển khai công tác này, Thường vụ Huyện ủy đã thành lập 9 Tổ công tác chỉ đạo tại 9 đơn vị hành chính mới do các Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy làm tổ trưởng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công tác sáp nhập. Tất mọi công việc cần thiết như: Kiện toàn bộ máy trong hệ thống chính trị; bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách, thống kê, kiểm kê bàn giao tài sản, tài chính, hồ sơ tài liệu, thu hồi con dấu cũ, khắc dấu mới (với những đơn vị mang tên mới) đều được gấp rút hoàn thành, để đảm bảo cho bộ máy mới chính thức đi vào hoạt động đúng 0 giờ 0 phút ngày 01/12/2019. Sáng ngày 01/12/2019, Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội tại các xã, thị trấn sáp nhập, đồng thời công bố việc kiện toàn các tổ chức hệ thống chính trị, các chức danh lãnh đạo xã, thị trấn (do HĐND bầu) đã đồng loạt diễn ra tại 9 xã, thị trấn mới. Sau buổi lễ diễn ra trang trọng, tiết kiệm và nhanh gọn, đúng 7 giờ 30 phút (giờ làm việc mùa đông), các đơn vị hành chính mới với bộ máy mới đã chính thức đi vào làm việc. Trong đó, Bộ phận Một cửa đã sẵn sàng để phục vụ nhu cầu giao dịch của người dân.
Tìm hiểu tại thị trấn Thọ Xuân, đơn vị mới được sáp nhập từ thị trấn và xã Hạnh Phúc vào sáng ngày 02/12 ( trụ sở mới đặt tại trụ sở xã Hạnh Phúc cũ). Chúng tôi đã được chứng kiến không khí làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức nơi đây. Tại Phòng Một cửa chúng tôi gặp chị Trần Thị Hiền, nhà ở khu phố 1, thị trấn Thọ Xuân, đang làm thủ tục xin xác nhận về tình trạng hôn nhân. Qua trao đổi, chị Hiền vui vẻ cho biết, do trụ sở mới chuyển về Hạnh Phúc nên việc đi lại của bà con ở trị trấn cũ có xa hơn một chút, nhưng đường xá thuận tiện nên cũng không mất nhiều thời gian. Hơn nữa, thái độ làm việc của cán bộ Phòng Một cửa rất hòa nhã, nhiệt tình nên chị cũng như nhiều người dân đến đây đều hài lòng, vui vẻ. Về việc sáp nhập thị trấn mới, chị chia sẻ, ban đầu chưa hiểu rõ thì cũng có băn khoăn, thắc mắc vì ngại thay đổi. Nhưng sau đó gia đình chị cũng như bà con đều đồng thuận, tán thành.
Ông Ngô văn Hùng - Chủ tịch UBND thị trấn Thọ Xuân trao đổi với phóng viên. |
Trao đổi về chủ đề này, ông Ngô Văn Hùng - Chủ tịch UBND thị trấn Thọ Xuân phấn khởi thông tin: Sau sáp nhập, thị trấn có diện tích tự nhiên 4,78 km2, tăng 3,26 km2; dân số 8.102 người, tăng 2.251 người so với trước, toàn thị trấn có 9 đơn vị hành chính gồm 6 khu phố và 3 thôn. Do tăng cả về dân số và diện tích nên số lượng công việc sẽ nhiều hơn, yêu cầu nhiệm vụ cao hơn, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức thị trấn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hơn nữa để làm tròn nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân tin cậy giao phó. Nói về những ngày đầu làm việc của thị trấn mới, Chủ tịch Hùng cho biết, ngay từ buổi làm việc đầu tiên vào sáng thứ 2 đầu tuần ngày 01/12, tất cả các phòng, ban của Ủy ban, kể cả các tổ chức xã hội, đoàn thể đều hoạt động bình thường. Toàn thể các cán bộ, công chức đều phấn khởi, háo hức bước vào ngày làm việc đầu tiên của thị trấn mới sau sáp nhập. Về tư tưởng, tâm tư của cán bộ, công chức trong quá trình sắp xếp, bố trí nhân sự, theo Chủ tịch Hùng, do có sự chuẩn bị chu đáo, nắm bắt và tháo gỡ, xử lý phù hợp với nguyện vọng, hoàn cảnh và mong muốn của từng cá nhân nên hầu hết cán bộ, công chức, viên chức gồm cả người “đi” và “ở lại” đều thông suốt, vui vẻ.
Chị Nguyễn Thị Nga xin chứng thực giấy tờ tại UBND xã Xuân Hồng. |
Rời UBND thị trấn Thọ Xuân, tìm về Xuân Hồng, một xã mới được sáp nhập từ ba xã gồm: Xuân Khánh, Thọ Nguyên và Xuân Thành, trụ sở đóng tại xã Thọ Nguyên. Trước khi làm việc với lãnh đạo xã, chúng tôi ghé vào phòn Một cửa, gặp và hỏi chuyện chị Nguyễn Thị Nga - một trong những người dân đang làm thủ tục xin xác nhận, chứng thực một số giấy tờ tại đây. Chị Nga vui vẻ cho biết, nhà chị ở thôn 2, cách công sở mới khoảng 3 km, xa hơn công sở cũ nên đi lại lâu hơn một chút, nhưng nhờ thái độ làm việc nghiêm túc, nhiệt tình của cán bộ Một cửa nên việc xác nhận diễn ra nhanh chóng, đơn giản, không mất nhiều thời gian chờ đợi.
Làm việc với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Lê Ngọc Long bày tỏ niềm phấn khởi xen lẫn sự âu lo trước trọng trách mới. Theo đó, sau sáp nhập, xã Xuân Hồng có diện tích và dân số tăng gần ba lần so với trước, trong khi đội ngũ cán bộ, công chức vẫn như cũ. Do đó, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, mỗi cán bộ, công chức phải làm việc với hiệu suất cao hơn trước khi sáp nhập. Theo Chủ tịch Long, nhiệm vụ mà lãnh đạo xã quan tâm nhất hiện nay là phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tạo động lực từng bước phấn đấu xây dựng Xuân Hồng trở thành xã Nông thôn mới kiểu mẫu. Về hướng đi mới trong phát triển kinh tế địa phương trong giai đoạn mới, nhờ có diện tích lớn, quỹ đất dồi dào nên xã đang xây dựng đề án phát triển một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đã được thử nghiệm thành công, có đầu ra ổn định và cho thu nhập tốt. Trong đó, trước mắt xã sẽ tập trung mở rộng diện tích, hình thành vùng chuyên canh hai loại cây đã chứng tỏ được hiệu quả là cây ăn quả có múi (cam, bưởi) và cây sen xuất khẩu… Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, xã sẽ tập trung chỉ đạo, ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện cho các hộ phát triển ngành nghề phụ, kinh doanh dịch vụ, xuất khẩu lao động.
Cũng như Thọ Xuân, tại tất cả các huyện, thị, thành phố của tỉnh Thanh Hóa có đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp, sáp nhập (trừ thành phố Sầm Sơn). Những ngày làm việc đầu tiên sau khi sáp nhập đều diễn ra trong không khí vui vẻ, phấn khởi và nghiêm túc, đạt hiệu quả cao. Có thể nói, Nghị quyết 786/NQ-UBTVQH đã thực sự đi vào cuộc sống, được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đón nhận, góp phần tinh giảm bộ máy hành chính Nhà nước. Đồng thời mở ra thời cơ mới, thách thức mới đối với sự phát triển của các địa phương, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức cấp cơ sở phải nỗ lực không ngừng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Đào Nguyên – Hà Chi
Theo