(Xây dựng) - Nhà văn hóa thôn bản, là nơi sinh hoạt cộng đồng và là tiêu chí cơ sở vật chất trong xây dựng nông thôn mới, thế nhưng hiện nay nhiều huyện miền núi như: Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh còn thiếu hàng chục nhà văn hóa thôn, bản.
Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước nhiều nhà văn hóa thôn, bản được đầu tư xây dựng. |
Việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn, bản chủ yếu theo hình thức xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm để xây dựng nhà văn hóa đáp ứng các tiêu chí quy định. Ngoài việc đảm bảo diện tích theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn là nguồn kinh phí lớn để xây dựng, mua sắm trang thiết bị. Với tình hình kinh tế và đặc thù ở một số xã vùng cao đời sống kinh tế người dân đang còn khó khăn, quỹ đất xây dựng nhà văn hóa đang còn hạn chế, trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo cao, nên việc huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân để xây dựng nhà văn hóa gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, huyện Mường Lát có 18 bản chưa có nhà văn hóa và đa số các nhà văn hóa chưa có khu vui chơi thể thao. Trong khi đó, huyện Mường Lát là huyện xa xôi và nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa với địa hình phức tạp chủ yếu là đồi núi, kinh tế người dân khó khăn việc tìm được địa điểm xây dựng nhà văn hóa đã khó, còn việc huy động đầu tư xây dựng nhà văn hóa còn khó khăn hơn.
Còn theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bá Thước hiện nay, huyện vẫn còn 30 thôn, bản chưa có nhà văn hóa, điển hình như: xã Lũng Cao, Thiết Ống, Văn Nho.
Cũng nằm trong thực trạng nhiều thôn, bản chưa có nhà văn hóa như huyện Thường Xuân 14 bản; Quan Hóa; Lang Chánh… tại các huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa không chỉ thiếu nhà văn hóa, mà còn tình trạng thiếu nhà văn hóa thôn, bản xây dựng đã lâu diện tích hẹp, không đủ chỗ ngồi, thiếu khuôn viên sinh hoạt thể dục thể thao và đang hư hỏng, xuống cấp.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Lê Văn Thơ - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quan Sơn cho biết: Quan Sơn chủ yếu được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà văn hóa, còn để nhân dân đóng góp làm nhà văn hóa là khó, ngày xưa có phong trào xây dựng nhà văn hóa cũng có một số làng bản là họ quyên góp, xã hội hóa là làm được, trong những năm vừa qua các nhà văn hóa cơ bản được thực hiện theo chủ trương của Nhà nước, hiện nay Quan Sơn mới có 82/94 thôn, bản có nhà văn hóa chủ yếu là chuyển công năng từ các khu trường học hoặc các khu khác sang làm nhà văn hóa. Tuy nhiên, các nhà văn hóa này đa số chưa đạt chuẩn vì còn thiếu trang thiết bị, sân thể thao… còn tại một số bản chưa có nhà văn hóa thì đang phải sinh hoạt tại các nhà trưởng bản, hoặc các nhà sàn có diện tích rộng.
Tại một số huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa rất khó để tìm được những diện tích đất có thể vừa xây dựng nhà văn hóa vừa có sân thể thao. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, những năm gần đây tỉnh Thanh Hóa cũng đang quan tâm đầu tư xây dựng các nhà văn hóa thôn, bản từ đó nhiều nhà văn hóa thôn bản bê tông hóa được đầu tư xây dựng điển hình như: Nhà văn hóa bản Hạ, xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn hay nhà văn hóa bản Cúm, bản Pù Đứa của xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát. Tuy nhiên, mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ trong thực trạng thiếu nhà văn hóa thôn, bản tại các huyện miền núi.
Để khắc phục tình trạng thiếu nhà văn hóa ở các thôn, bản rất cần sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, đoàn thể, nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cần tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh có thêm cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc tu sửa, nâng cấp, xây mới nhà văn hóa đáp ứng được nhu cầu học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa của các tầng lớp nhân dân.
Thảo Chi
Theo