Thứ sáu 27/12/2024 01:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Du lịch /

Thanh Hóa: Tăng cường quản lý dịch vụ du lịch tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đặt

23:01 | 14/02/2024

(Xây dựng) - Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đặt (Thanh Hóa) thường xuyên tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ. Các hoạt động đã đang mang lại kết quả khả quan, điểm du lịch thu hút đông đảo du khách, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Thanh Hóa: Tăng cường quản lý dịch vụ du lịch tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đặt
Dịch vụ du lịch tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đặt được tăng cường quản lý.

Vào dịp đầu xuân, đông đảo du khách thập phương lại nô nức về Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đặt, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), nơi thờ danh nhân Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn để dâng hương, cầu lộc, cầu tài và du xuân. Vì vậy, công tác giữ gìn an ninh trật tự luôn được chính quyền huyện Thường Xuân coi trọng.

Chị Lê Thị Tuyết đến từ thành phố Thanh Hóa cho hay: “Nhìn lại nhiều năm trước đây, hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đặt còn nhỏ lẻ, tự phát. Những quán hàng tạm bợ, không được quy hoạch thành các khu vực riêng biệt về ăn uống - giải khát hoặc bán hàng lưu niệm nên đã ảnh hưởng đến mỹ quan khu di tích... Năm nay, việc sắp xếp lại hàng quán, quản lý dịch vụ bán hàng và bảo vệ cảnh quan môi trường trong khu di tích. Từ đó, hoạt động dịch vụ từng bước đi vào nề nếp, đảm bảo giá cả hợp lý phục vụ du khách về thăm viếng, cầu bình an mong cho một năm mưa thuận gió hòa”.

Thực hiện công tác tổ chức đón du khách về dâng hương tại Khu di tích lịch sử văn hoá Cửa Đặt năm 2024, tính đến ngày 11/02/2024, việc đón du khách về vãn cảnh, dâng hương đảm bảo theo kế hoạch đề ra.

Thanh Hóa: Tăng cường quản lý dịch vụ du lịch tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đặt
Lực lượng an ninh phân luồng điều tiết giao thông.

Ban quản lý đã chuẩn bị phương án bố trí nhân lực tổ chức hoạt động đón du khách dâng hương tại Khu di tích lịch sử văn hóa đền Cửa Đặt và đền thờ Cô Ba - Thác Mạ năm 2024. Các hạng mục về cơ sở vật chất của di tích gồm: Làm hệ thống biển, bảng tuyên truyền dọc đường đôi lối vào di tích, trang trí khuôn viên, làm hệ thống lưới chắn chim, côn trùng, tu sửa lan can đá tháp chuông, mua thêm hoa và các cây xanh trang trí không gian di tích, bố trí hệ thống đèn chiếu, quy hoạch khu bán hàng cho nhân dân và các điều kiện cần thiết để phục vụ công tác tổ chức lễ dâng hương năm 2024.

Ông Đỗ Doãn Bảy - Trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đặt cho biết, để tổ chức hoạt động phục vụ du khách, ban huy động thêm số nhân lực phục vụ là 36 người. Trong đó có 7 cán bộ trong ngành, 3 công an huyện, 3 công an xã và hợp đồng thêm 23 lao động.

Thanh Hóa: Tăng cường quản lý dịch vụ du lịch tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đặt
Bãi trông giữ xe đảm bảo khoa học, thuận tiện cho xe ra vào.

Bên cạnh đó, Ban quản lý phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các phương án nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trước, trong và sau lễ dâng hương nhằm phục vụ du khách thập phương về dâng hương tại khu di tích đảm bảo an toàn, đúng quy định...

Kết quả, từ đêm 30 Tết, Ban quản lý đã tổ chức phục vụ cho du khách thập phương đến tham quan và dâng hương tại khu di tích. Tính đến thời điểm mùng 5 Tết ước lượng có khoảng trên 12.500 lượt du khách về tham quan và dâng hương tại Khu di tích lịch sử văn hoá Cửa Đặt và Đền Cô Ba - Thác Mạ. Tình hình an ninh trật tự trong và ngoài khu vực đền được đảm bảo, không có hiện tượng mất trật tự an ninh, du khách yên tâm đến dâng hương hành lễ. Trong suốt quá trình diễn ra lễ dâng hương không xảy ra ẩu đả, xô sát gây mất trật tự trong và ngoài khu vực đền.

Công tác phòng cháy chữa cháy được quan tâm đầu tư, mua sắm bổ sung bình cứu hỏa, hồ sơ và các phương án phòng cháy chữa cháy đầy đủ. Qua công tác kiểm tra của ngành chức năng được đánh giá đảm bảo về an toàn cháy nổ.

Công tác vệ sinh môi trường được quan tâm đảm bảo, lao động thời vụ thường xuyên dọn dẹp trong khu vực nội tự và dọc đường vào di tích. Việckinh doanh các dịch vụ ăn uống được quản lý chặt chẽ, nguồn thực phẩm rõ ràng về nguồn gốc, các hộ phải thực hiện cam kết và có sự kiểm tra của liên ngành trung tâm y tế, quản lý thị trường… quản lý tốt việc kinh doanh các loại hình văn hóa phẩm, ấn phẩm không được lưu hành tại khu di tích. Không có trường hợp kinh doanh, buôn bán các loại ấn phẩm, văn hóa phẩm ngoài luồng...

Tiến Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load