(Xây dựng) - Dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 01/2020 đã gây ra nhiều tổn thất về kinh tế. Ngọc Lặc là một huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, cũng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch gây ra.
Các bệnh nhân vui mừng nhận giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly. |
Những “chiến sỹ” nơi tuyến đầu chống dịch
Mặc dù Việt Nam đã chuyển trạng thái mới trong phòng chống dịch Covid-19, nhưng các y, bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Ngọc Lặc vẫn luôn ở thế thường trực “như chống giặc”. Ngoài công việc thường nhật tại Trung tâm, họ vẫn tiếp tục thăm khám, theo dõi sức khỏe cho những trường hợp đang phải cách ly, giám sát y tế…
Trong căn phòng rộng khoảng 12m2, ông Phạm Văn Đạt – Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Thường trực chỉ đạo phòng chống Covid-19 cho hay: “Tôi còn nhớ như in ngày tiếp nhận bệnh nhân cách ly Covid-19 đầu tiên, tại trường Dân tộc nội trú. Thời điểm đó, nhiều bác sỹ, điều dưỡng viên không giấu được sự căng thẳng và những câu hỏi thường trực trong tâm trí như: Mặc đồ bảo hộ như thế có an toàn; diễn biến sức khỏe người bệnh có nặng lên; trang thiết bị có đáp ứng được nếu bệnh nhân nặng tăng, bệnh nhân quá đông... Thế nhưng, những lo lắng cũng nhanh chóng qua đi, khi tất cả cùng lao vào công việc, dốc sức cho công cuộc phồng chống dịch.
Kể từ khi dịch Covid-19 được công bố, đã có 38 cán bộ, nhân viên Trung tâm y tế, ăn, ngủ tại nơi làm việc, lấy Trung tâm cách ly là nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác. Lãnh đạo đơn vị đã sắp xếp một khu nhà ở tạm cho các cán bộ, nhân viên y tế với những điều kiện sinh hoạt tối giản hết mức. Công việc hằng ngày của các y, bác sĩ ở đây là thăm khám, đánh giá toàn trạng của bệnh nhân, các dấu hiệu sinh tồn, triệu chứng lâm sàng... Thậm chí, họ thuộc lòng cả vấn đề dinh dưỡng, ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân giai đoạn trong phòng cách ly đặc biệt, rồi cả quy trình khử trùng, tránh phát tán virus ra bên ngoài.
Hàng ngày, trực tiếp làm việc, chăm sóc các bệnh nhân cách ly tại phòng, các y - bác sĩ, nhân viên y tế phải mặc bộ quần áo bảo hộ trong một thời gian dài khiến cơ thể lúc nào cũng trong tình trạng bí bách, khó chịu. Những lúc như vậy, mồ hôi ướt sũng, mặt hằn vết khẩu trang, nước không được uống... Những cố gắng đó đã được đền đáp bằng những nụ cười trên gương mặt bệnh nhân trong ngày hết thời gian cách ly. Họ còn là những bác sỹ tâm lý, chia sẻ, động viên, an ủi, thắp lên những tia hy vọng cho những người vào khu cách ly.
Cầm giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly, anh Nguyễn Văn Hòa (bệnh nhân 30 tuổi, ở xã Đông Tân, thành phố Thanh Hóa) bày tỏ lời cảm ơn: “Không chỉ chăm sóc cho chúng tôi, hàng ngày, các y, bác sĩ còn động viên tinh thần, chia sẻ với tôi như những người thân trong gia đình”.
Chuẩn bị tốt theo chỉ đạo của các ngành chức năng
Các chiến sỹ Bộ đội mang phần ăn tận nơi cho các bệnh nhân cách ly. |
Huyện đã tổ chức triển khai và ban hành các văn bản chỉ đạo đối với các cơ quan đơn vị, các xã, thị trấn và các cơ quan chuyên môn, UBND huyện, Ban chỉ đạo huyện đã ban hành 14 Quyết định, 02 Chỉ thị, 7 Công điện; 02 Kế hoạch; 36 Công văn; 02 Phương án; 04 báo cáo về việc phòng, chống dịch Covid-19. Huyện cũng chỉ đạo Phòng y tế huyện, Trung tâm y tế huyện Ngọc Lặc, Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 xuống cơ sở, cụ thể như: Xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống dịch phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, thường xuyên cử cán bộ giám sát tại các xã, thị trấn, các cơ quan đóng trên địa bàn huyện, triển khai các biện pháp can thiệp kịp thời khi có dấu hiệu dịch xảy ra, chuẩn bị số lượng trang thiết bị, hoá chất và thuốc đủ để tăng cường và chi viện khi có dịch xảy ra.
Ngoài ra, huyện Ngọc Lặc cũng thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng từ huyện đến các xã, thị trấn; Công tác thống kê báo cáo được duy trì thường xuyên theo từng ngày, tuần, tháng; Chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, trường học, kịp thời hướng dẫn, tập huấn cho các đơn vị về các biện pháp phòng tránh. Phân công cán bộ chỉ đạo tuyến, giám sát chuyên môn tại các xã, thị trấn.
Bên cạnh đó, huyện còn chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo ban hành các văn bản hướng dẫn các trường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, cho học sinh nghỉ học... Phối hợp với Trung tâm y tế hướng dẫn thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng, dọn vệ sinh trường lớp và trực thường xuyên tại đơn vị, chuẩn bị các điều kiện cần thiết. Các trường đã lắp bổ sung các chậu, vòi nước rửa tay (1.341 vòi nước), máy đo thân nhiệt (233 máy), áp phích tuyên truyền về phòng chống dịch, cồn rửa tay khô... đảm bảo các điều kiện tốt nhất khi học sinh đi học trở lại.
Đồng thời, huyện đã lập phương án và đã hoàn thành 02 khu cách ly tập trung theo chỉ đạo của UBND tỉnh: Khu 1 với quy mô 40 giường, có thể mở rộng lên 70 giường tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện; Khu 2 với quy mô 300 giường, có thể mở rộng lên 500 giường tại trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc; Chỉ đạo Công an huyện hướng dẫn các xã thành lập 51 chốt kiểm dịch tại 21 xã, thị trấn với 267 cán bộ tham gia trực tại các chốt, đo thân nhiệt đối với người qua chốt, kiểm tra việc người dân ra đường đeo khẩu trang và nhắc nhở việc người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
Với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các cơ quan, ban ngành và cả sự chung sức, đồng lòng của người dân, dịch Covid-19 ở Ngọc Lặc bước đầu đã được ngăn chặn, đẩy lùi. Ý thức về phòng chống dịch bệnh của người dân được nâng lên để thực hiện tốt việc phát triển toàn diện kinh tế xã hội, xứng đáng là đô thị của khu vực miền núi xứ Thanh.
Tiến Anh
Theo