Thứ ba 05/11/2024 05:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thanh Hóa: Nhiều huyện miền núi quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường học

12:12 | 03/11/2024

(Xây dựng) – Những năm qua, bằng nguồn vốn từ Nhà nước hỗ trợ và xã hội hóa, nhiều huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học và đã mang lại hiệu quả thiết thực, từ đó chất lượng giáo dục dần được nâng lên.

Thanh Hóa: Nhiều huyện miền núi quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường học
Năm học 2024 – 2025 nhiều trường, lớp học tại huyện Như Xuân được đầu tư xây mới.

Thanh Hóa là tỉnh ven biển cực bắc vùng Bắc Trung bộ, có 11 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện nghèo theo Quyết định số 353 ngày 18/3/2022 của Chính phủ. Vì vậy, điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp học tại một số huyện miền núi đang còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thông qua các nguồn vốn, một số huyện miền núi đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học.

Năm học 2024 – 2025 tại huyện Như Xuân có 52 đơn vị trường học, với 701 nhóm, lớp, 19.442 học sinh để chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025, thông qua các nguồn vốn, UBND huyện Như Xuân đã bổ sung cơ sở vật chất cho các nhà trường. Cụ thể, huyện Như Xuân đã đầu tư xây dựng 91 phòng học, phòng chức năng; cải tạo 300m2 nhà vệ sinh; lát gạch, bê tông 16.568m2 sân trường; cải tạo sân chơi, bãi tập; mua 60 ti vi cùng hàng trăm bộ bàn ghế... với tổng giá trị 121,7 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ kiên cố trường lớp học trên địa bàn huyện đạt 89,9%, có 41/51 trường học đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, bằng nguồn xã hội hóa, các trường còn đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học, bàn ghế, sửa chữa, nâng cấp đối với các phòng học và phòng chức năng xuống cấp, đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh.

Còn tại huyện Thường Xuân, giai đoạn 2020-2024 thông qua các nguồn vốn, huyện đã đầu tư gần 178 tỷ đồng xây mới 20 nhà hiệu bộ, 497 phòng học thường, 95 phòng học bộ môn, cải tạo khuôn viên trường lớp học. Đến nay, toàn huyện có 1.051 phòng học, trong đó có 807 phòng học kiên cố. Hầu hết các trường học ở các bậc học đã được đầu tư xây dựng khang trang, nhiều trường xây dựng được nhà bán trú cho học sinh. Mạng lưới trường lớp học trên địa bàn huyện hiện nay phù hợp với đặc điểm địa lý, địa hình, phân bố dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, đáp ứng tốt nhu cầu của người học.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số trường, lớp học tại các huyện miền núi còn thiếu, hư hỏng, xuống cấp; diện tích phòng học, phòng học bộ môn không phù hợp quy định hiện hành; thiếu đồ dùng, thiết bị dạy học…

Được biết, năm học 2024 - 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị, trường học tổ chức, rà soát đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có. Trên cơ sở đó điều chỉnh, bố trí sắp xếp các hạng mục công trình nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng.

Đồng thời, xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, phòng chức năng… tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học, bảo đảm đáp ứng điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tỉnh Thanh Hóa cũng đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường học khoảng 600 tỷ đồng, mua sắm trang thiết bị và chuyển đổi số khoảng 280 tỷ đồng.

Thảo Chi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load