(Xây dựng) - Những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất (phòng học, phòng hỗ trợ học tập, công trình phụ trợ) cho các huyện miền núi khó khăn, hàng chục công trình được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, hiện nay nhiều huyện miền núi vẫn rơi tình trạng thiếu phòng học và công trình phụ trợ.
Những năm gần đây, hàng chục công trình được đầu tư cho ngành giáo dục miền núi. |
Thanh Hóa là tỉnh có 11 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện nghèo điều kiện kinh tế - xã hội bình quân của nhân dân còn ở mức thấp. Những năm gần đây, 11 huyện miền núi nói riêng và các huyện khác trong tỉnh Thanh Hóa nói chung được Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho ngành giáo dục, nhưng đến nay vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu.
Theo khảo sát của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, hiện nay nhiều huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa như: Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Quan Hóa vẫn còn thiếu nhiều phòng học, phòng hỗ trợ học tập, công trình phụ trợ, khu sân chơi thể dục và khối phục vụ sinh hoạt.
Điển hình như huyện Bá Thước, năm 2023, toàn huyện có 70 trường mầm non, tiểu học, THCS, tiểu học và THCS trong đó: Mầm non 24 trường, 59 điểm trường, 306 lớp với 5768 học sinh; tiểu học 22 trường, 61 điểm trường, 410 lớp với 9635 học sinh; trung học cơ sở 22 trường, 183 lớp với 6023 học sinh; tiểu học & trung học cơ sở 2 trường, 5 điểm trường, 27 lớp với 491 học sinh. So với năm 2020 giảm 2 trường và tăng 1 trường tiểu học và THCS, giảm 8 điểm trường, tăng 49 lớp và tăng 1381 học sinh.
Tuy nhiên, cấp bậc mầm non nhu cầu cần được đầu tư bổ sung 225 hạng mục công trình (phòng họp, phòng y tế, nhà bếp…); bậc tiểu học cần được đầu tư bổ sung 588 hạng mục công trình (phòng học, thư viện, phòng nghỉ giáo viên…); bậc trung học cơ sở 546 hạng mục công trình cần được đầu tư bổ sung (phòng học, phòng các tổ chuyên môn, phòng nghỉ giáo viên, phòng thiết bị giáo dục…).
Bậc THCS tại huyện Lang Chánh còn thiếu 17 phòng học và 40 phòng học bộ môn. |
Còn tại huyện Lang Chánh, toàn huyện có 399/492 phòng học kiên cố, tỷ lệ 81,1%, trong đó: Các trường mầm non có 111/149 phòng học kiên cố, tỷ lệ 74,5% còn
thiếu 34 phòng học; các trường tiểu học (kể cả phòng học tiểu học trong trường tiểu học & trung học cơ sở) có 163/213 phòng học kiên cố, tỷ lệ 76,5,% còn thiếu 4 phòng học. Các trường THCS (kể cả phòng học trung học cơ sở trong trường tiểu học và THCS) có 87/92 phòng học kiên cố, tỷ lệ 94,5% còn thiếu 17 phòng học. Phòng học bộ môn còn thiếu: Hiện có 54 phòng (tiểu học 20, trung học cơ sở 34), còn thiếu 106 phòng (tiểu học 76, trung học cơ sở 40).
Thiết nghĩ các cơ quan ban, ngành, cấp chính quyền địa phương và toàn xã hội cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, nhất là các huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Thảo Chi
Theo