(Xây dựng) - Ngày 14/12, với những câu hỏi chất vấn liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công và các dự án chậm tiến độ của các đại biểu tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Lê Minh Nghĩa – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã trả lời là do chủ đầu tư.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII. |
Mở đầu phần chất vấn về việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Minh Nghĩa – Giám đốc Sở KHĐT Thanh Hóa đã báo cáo khái quát về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Theo đó, tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2023 của Thanh Hóa được Trung ương giao là 14.924,3 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh cơ bản đã giao hết cho các chương trình dự án. Kết quả giải ngân tính đến ngày 5/12, đã giải ngân được 9.921 tỷ đồng, bằng 66,5% kế hoạch, trong đó giải ngân vốn năm 2023 bằng 70% kế hoạch và cao hơn 1,1% so với cùng kỳ. So với cả nước, Thanh Hóa cao hơn 7,03%. Các nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân nhanh đó là nguồn chi xây dựng cơ bản tập trung trong nước là 82,9%; vốn đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất đã giải ngân đạt 80,4%.
Về chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, năm 2023, Thanh Hóa được Chính phủ giao thực hiện 5 dự án tổ chức phục hồi phát triển kinh tế - xã hội với số vốn là 937 tỷ đồng. Đến ngày 5/12, các dự án thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội mới chỉ giải ngân được 285,6 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch đề ra. Theo báo cáo của các chủ đầu tư, dự kiến giá trị giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của 5 dự án này đến hết 2023 khả năng chỉ đạt được là 598 tỷ đồng, bằng 63,8% kế hoạch. Số vốn còn lại không có khả năng giải ngân hết trong năm 2023 là 338,9 tỷ đồng.
Trong tổng số 94 chủ đầu tư, đơn vị được giao vốn năm 2023, có 70 chủ đầu tư giải ngân đạt trên mức trung bình, 21 chủ đầu tư giải ngân dưới mức trung bình, 3 chủ đầu tư chưa giải ngân. Các Sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh giải ngân đạt 46,2% kế hoạch; UBND cấp huyện đạt 65,7% kế hoạch; UBND cấp xã đạt 69,9% kế hoạch; các đơn vị khác giải ngân đạt 82,9% kế hoạch.
Ông Nghĩa cũng cho biết thêm: Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 là 1.826 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn 2023 là 1.279 tỷ đồng và vốn năm 2022 kéo dài sang thực hiện năm 2023 là 528 tỷ đồng. Tính đến ngày 5/12, số vốn giải ngân của các chương trình mục tiêu quốc gia mới đạt 993 tỷ đồng, bằng 54,4% kế hoạch vốn được giao.
Tại phần chất vấn và trả lời chất vấn các đại biểu đã đưa ra nhiều câu hỏi về nguyên nhân, trách nhiệm và khắc phục chậm giải ngân vốn đầu tư công. Như đại biểu Mai Nhữ Thắng – Tổ đại biểu huyện Triệu Sơn với câu hỏi: Nguyên nhân, trách nhiệm của việc giải ngân các dự án có nguồn vốn đầu tư công tuy có tỷ lệ cao hơn so với trung bình của cả nước, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, giải pháp trong thời gian còn lại. Vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 chỉ đạt có 45% so với kế hoạch, thấp hơn vốn giải ngân năm 2023 là 70,5% kế hoạch, nguyên nhân và giải pháp thời gian sắp tới.
Dự án đường ven biển Hoằng Hóa – Quảng Xương đang bị chậm tiến độ. |
Giám đốc Sở KHĐT Lê Minh Nghĩa khẳng định: Trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư trong tổ chức triển khai thực hiện dự án. Liên quan đến dự án chậm trong giải phóng mặt bằng (GPMB) có trách nhiệm của các huyện, thị xã, thành phố, cùng với đó là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị được giao thẩm định.
Liên quan đến một số dự án chậm tiến độ, đại biểu Lê Thị Hương, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Thọ Xuân: Một số dự án như tuyến đường ven biển Nga Sơn - Hoằng Hóa; Dự án đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến tuyến đường bộ ven biển Nga Sơn – Hoằng Hóa; tuyến đường bộ ven biển Hoằng Hóa – Quảng Xương; Dự án đường ven biển Quảng Xương – Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn còn chậm tiến độ so với hợp đồng thi công đã ký, một số dự án có nguy cơ không giải ngân hết phải trả lại vốn cho Trung ương nguyên nhân, trách nhiệm.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, ông Lê Bá Hùng – Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình giao thông tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đối với hai dự án đường ven biển Hoằng Hóa – Quảng Xương và Quảng Xương – Tĩnh Gia là hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT… do khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng, không vay được ngân hàng, khả năng rủi do trong quá trình trả nợ, năng lực nhà đầu tư chậm. Nguyên nhân chủ quan năng lực không đảm bảo cán bộ kiêm nhiệm, năng lực tài chính.
Kết thúc chương trình chất vấn, ông Đỗ Trọng Hưng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Cần kiên quyết điều chuyển vốn các dự án thực hiện chậm, không bảo đảm yêu cầu theo mốc thời gian giải ngân tỉnh giao. Không giao các dự án mới cho các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, các đơn vị có nhiều dự án thực hiện chậm, không đạt yêu cầu…
Yêu cầu các Sở: KHĐT, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải nâng cao chất lượng thẩm định; rút ngắn tối đa thời gian thẩm định dự án. UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm về kết quả GPMB trên địa bàn; thực hiện công tác GPMB theo hướng chủ động, linh hoạt, làm gọn từng phần, kiểm đếm đến đâu thì thẩm định, phê duyệt.
Thảo Chi
Theo