Thứ ba 05/11/2024 05:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Thanh Hóa: Dự án giao thông trên 40 tỷ sắp được tái khởi động sau nhiều năm “đắp chiếu” - bài học cho huyện Thường Xuân

10:42 | 23/03/2024

(Xây dựng) – Do tắc trách trong công tác khảo sát, thiết kế, lập dự án nên vướng phải đất rừng phòng hộ chưa được cho phép chuyển đổi, mà sau hơn 3 năm tạm dừng, dự án đường giao thông tại các xã vùng cao huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) mới tháo gỡ được vướng mắc để thi công trở lại.

Thanh Hóa: Dự án giao thông trên 40 tỷ sắp được tái khởi động sau nhiều năm “đắp chiếu” - bài học cho huyện Thường Xuân
Khi dự án hoàn thành và đưa vào khai thác, sản phẩm lâm sản của người trồng rừng sẽ được tiêu thụ dễ dàng và có giá trị hơn.

Như Báo điện tử Xây dựng đã nêu trong các bài viết ngày 02/9/2022 và ngày 14/10/2022, đây là dự án giao thông thuộc Chương trình 30a của Chính phủ dành cho các xã vùng đặc biệt khó khăn, có tổng chiều dài 7,7km, quy mô đường giao thông nông thôn cấp III, nối từ thôn Buồng, xã Luận Khê đến thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc, tổng mức đầu tư trên 40 tỷ đồng, do UBND huyện Thường Xuân làm chủ đầu tư. Thời gian thi công từ năm 2019 đến 2021.

Được kỳ vọng khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, dự án này sẽ đóng vai trò kết nối khu vực phía Nam huyện Thường Xuân gồm 4 xã và 5 xã phía Tây huyện. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn về hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi trong giao thương, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp; đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho hàng nghìn hộ dân người dân tộc thiểu số thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện.

Thanh Hóa: Dự án giao thông trên 40 tỷ sắp được tái khởi động sau nhiều năm “đắp chiếu” - bài học cho huyện Thường Xuân
Đoàn liên ngành của huyện đi khảo sát tuyến đường sau khi dự án phải dừng thi công, do đi qua đất rừng phòng hộ.

Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, dự án đã phải dừng thi công vào tháng 3/2021, lý do vì trong 7,7km của tuyến đường, có gần 5km đi qua rừng phòng hộ chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi. Để tháo gỡ ách tắc, trong hơn 3 năm qua, UBND huyện Thường Xuân đã mất nhiều thời gian, công sức và cả kinh phí để tổ chức các chuyến đi khảo sát hiện trường, tổ chức hàng loạt cuộc hội họp, bàn giải pháp, lập phương án trình HĐND huyện, làm Tờ trình “cầu cứu” UBND và các Sở, ngành của tỉnh, của Trung ương…

Nhờ sự vào cuộc, hỗ trợ của các cấp, ngành có thẩm quyền, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý chủ trương cho chuyển đổi mục đích sử dụng 8,02ha rừng tự nhiên sang đất giao thông. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án “từ năm 2019 -2021” thành “từ năm 2019 – 2024”.

Thanh Hóa: Dự án giao thông trên 40 tỷ sắp được tái khởi động sau nhiều năm “đắp chiếu” - bài học cho huyện Thường Xuân
Đoạn đường nhỏ hẹp, heo hút này dã được thay thế bằng con đường mới to đẹp, thuận tiện cho các phương tiện cơ giới lưu thông. Tạo điều kiện cho kinh doanh, tiêu thụ nông, lâm sản của người dân vùng dự án.

Cùng với phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao chủ đầu tư rà soát, hoàn thiện hồ sơ và phê duyệt thiết kế xây dựng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế do chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác.

Làm việc với PV Báo điện tử Xây dựng về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân Cầm Bá Đứng cho biết: Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tập trung xử lý, giải quyết các công việc liên quan để tái khởi động lại dự án trong thời gian sớm nhất. Đến nay, theo chỉ đạo của huyện, đơn vị chức năng đang tiến hành làm thủ tục nộp kinh phí trồng rừng thay thế (3,1 tỷ đồng) vào Kho bạc Nhà nước, để chuyển trả cho đơn vị thực hiện việc trồng bù rừng (tại huyện Mường Lát).

Bên cạnh đó, huyện đã ký hợp đồng với Ban Quản lý rừng phòng hộ và cùng với đơn vị này tiến hành công tác đo đạc cắm mốc diện tích rừng thu hồi. Tiến hành kiểm đếm, tính toán số lượng, chủng loại, giá trị chất lượng rừng. Dựa trên kết quả này, nếu rừng được các đơn vị chuyên môn thẩm định, đánh giá có giá trị cao, sẽ lập phương án đấu thầu, tận thu lâm sản trước khi tiến hành các khâu chuẩn bị để dự án được thi công trở lại.

Trả lời câu hỏi của PV về nguồn kinh phí 3,1 tỷ đồng chi trả cho việc trồng rừng thay thế, sẽ được lấy ở đâu và có gây phát sinh chi phí, đội vốn công trình hay không? Ông Đứng khẳng định, số tiền này đã nằm trong danh mục tổng mức đầu tư trên 40 tỷ đồng của dự án. Do đó sẽ không có phát sinh về kinh phí khi dự án được thi công trở lại.

Về câu hỏi “bài học rút ra trong việc triển khai dự án này là gì?”. Ông Đứng cho rằng, việc để dự án an sinh xã hội này phải dừng thi công kéo dài, khiến tuyến đường chậm được đưa vào sử dụng, gây ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung, ảnh hưởng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững và cải thiện đời sống, thu nhập của người dân vùng đặc biệt khó khăn của huyện thuộc phạm vi hưởng lợi từ dự án nói riêng.

Xác định để xảy ra tình trạng này là do sự thiếu sâu sát, chủ quan của chủ đầu tư, tập thể lãnh đạo UBND huyện coi đây là bài học sâu sắc, phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Tuyệt đối không để xảy ra những vụ việc tương tự, dẫn đến khi dự án đi vào triển khai thực hiện, phải dừng lại giữa chừng do vướng mắc.

Cũng theo Phó Chủ tịch, rút kinh nghiệm từ dự án giao thông dang dở kéo dài này, từ 3 năm trở lại đây, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, nhất là nhóm dự án giao thông. Theo đó, cán bộ được phân công nhiệm vụ phải trực tiếp tham gia, có ý kiến trong tất cả các khâu trong suốt quá trình triển khai, từ việc đề xuất, xác định đầu tư đến khảo sát, thiết kế, thẩm định lập dự án, trong đó phải đánh giá rõ lợi ích hiện tại và lâu dài do dự án mang lại… Đặc biệt, trước khi đề xuất, xác định đầu tư phải xem xét đầy đủ các yếu tố, từ lợi ích về kinh tế, dân sinh, vấn đề môi trường, cảnh quan, nhất là ảnh hưởng, phạm vi của dự án đối với đất rừng, rừng sản xuất và rừng phòng hộ.

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load