(Xây dựng) - Đến hẹn lại lên, cứ đến đầu tháng Chạp hàng năm, các thương lái phục vụ thú chơi đào Tết của người dân Thanh Hóa lại nhộn nhịp đổ về các xã Xuân Du, Vân Sơn… huyện Triệu Sơn - nơi được xem là thủ phủ đào phai của xứ Thanh để gom hàng.
Những hoa đào bung sắc đón xuân. |
Khác mọi năm, chúng tôi không về với vùng đào đã định danh trong tâm thức người dân – thủ phủ đào phai Xuân Du (huyện Triệu Sơn). Thay vào đó là Vân Sơn một xã khác cũng của huyện này có lượng đào phai lớn, giống đào đẹp chẳng kém cạnh. Từ đầu xóm 1 đến xóm 3 xã này là những vườn đào phai trải ngút tầm mắt. Những thân đào khẳng khiu, sần ú đang búng nụ từ thân đến đầu cành…
Ông Lê Thanh Lương (huyện Đông Sơn) một tay chơi đào có thâm niên đồng thời cũng là một thương lái đang tìm những cây đào ưng ý về kinh doanh. |
Ông Lê Thanh Lương (huyện Đông Sơn) một tay chơi đào có thâm niên đồng thời cũng là một thương lái cho biết: “Năm nay được đánh giá là một năm có thời tiết khá thuận lợi đối với người trồng đào. Sau đợt xuống lá đầu tháng Chạp là một đợt rét đậm kéo dài đã góp phần giúp cây đào phai trì hoãn ra lộc mới và được dự báo sẽ bung nụ đúng vào vụ”.
Nói về giống đào Vân Sơn, ông Lương bật mí đây là giống đào phai thuần chủng chính hiệu, hoa có màu phớt hồng, 5 cánh dầy và lâu tàn. Thân cây thường khẳng khiu, sần ú… tạo thế chẳng kém cạnh đào Xuân Du từ lâu đã nức tiếng định danh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khoa (xóm 3, xã Vân Sơn) không dấu được sự hào hứng: “Đến thời điểm này, hơn 100 gốc đào 3 năm tuổi vườn nhà đã được thương lái đặt cọc mua. Giá trung bình mỗi gốc là 500 nghìn đồng/cây. Nhẩm sơ sơ, vụ đào năm nay lãi lời khoảng trên dưới 50 triệu đồng (đã trừ mọi chi phí)”.
Ông Nguyễn Văn Khoa (xóm 3, xã Vân Sơn) chăm sóc những gốc đào. |
Trao đổi với ông Lê Xuân Hùng – Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Vân Sơn cho biết: Sau khi chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng lúa, trồng mía kém năng suất sang trồng đào, đời sống kinh tế của hàng trăm hộ dân tại xã Vân Sơn đã tiến triển trông thấy. Còn nói về nguồn gốc cây đào phai có mặt tại đây từ bao giờ cũng không ai nhớ. Trước kia trong làng, mỗi hộ chỉ trồng dăm ba gốc lấy hoa chơi ngày Tết, chẳng ai nghĩ tới giá trị kinh tế.
“Khoảng 5 năm trở lại đây, cây đào mới thực sự trở thành hàng hóa và đem lại thu nhập ổn định cho bà con nhân dân. Nhờ đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chọn giống, chiết, ghép tạo thành những thế đào độc, lạ, đẹp được chú ý hơn”, ông Hùng cho biết thêm.
Tìm hiểu được biết, đến thời điểm hiện tại, toàn xã đã trồng được khoảng hơn 100ha đào phai, riêng tại xóm 3, 100% người dân đều tham gia trồng và kinh doanh đào Tết, với khoảng 70ha. Hàng năm, nguồn lợi nhuận kinh tế thu từ cây đào lên đến cả tỷ đồng. Riêng gia đình ông Hùng cũng thâm canh gần 1ha đào phai và vụ đào năm nay, vườn đào đã cho ông thu nhập hơn 120 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí.
Tiến Anh
Theo