Thứ năm 19/09/2024 14:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thanh Hóa: Di dời các hộ dân ở miền núi trước nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trong mùa mưa bão

09:34 | 07/09/2023

(Xây dựng) - Thanh Hóa là tỉnh có địa hình phức tạp với 11 huyện miền núi có người dân sinh sống ở các triền đồi, bờ sông, suối nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét thường xuyên xảy ra, đe dọa đến tính mạng người dân. Đến nay, tỉnh đã rà soát và lên phương án di dời người dân đến nơi an toàn trong mùa mưa bão.

Thanh Hóa: Di dời các hộ dân ở miền núi trước nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trong mùa mưa bão
Cầu tràn giao thông bản Na Tao đi bản Cơm, xã Pù Nhi, huyện biên giới Mường Lát đã bị lũ cuốn trôi.

Huyện Quan Hóa đã tổ chức rà soát ở khu vực sinh sống của 13 hộ dân bản Chiềng, xã Phú Sơn, nơi có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất, lũ quét. Sau khi rà soát, UBND huyện đã đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa đưa vào Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt tại Quyết định số 4845/QĐ-UBND ngày 01/12/2021, theo hình thức tái định cư xen ghép. Tuy nhiên, hiện nay, các hộ dân nêu trên chưa tìm kiếm được quỹ đất, để thực hiện di chuyển khỏi nơi ảnh hưởng thiên tai đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất.

Còn tại huyện biên giới Mường Lát, hàng chục hộ dân đang sinh sống dọc suối Na Tao và cầu tràn giao thông bản Na Tao đi bản Cơm, xã Pù Nhi (bắc qua suối Cơm) bị lũ cuốn trôi thấp thỏm lo âu. Bởi khi nước dâng sẽ bị chia cắt. Chính quyền địa phương đã rà soát, các hộ sống ven suối có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét và ngập lụt để xây dựng phương án xử lý.

Đối với huyện Lang Chánh, từ đầu năm 2023, các hộ dân sinh sống dưới chân đồi Na Lo, tại thôn Tân Lập, xã Tân Phúc phát hiện phía trên sườn đồi có vết nứt, đất sụt, trượt xuống, chiều dài hơn 60m, rộng khoảng 4cm. Một số vị trí đã bị sạt trượt nguy cơ ảnh hưởng đến 18 hộ với 71 khẩu và 1 khu lẻ trường Mầm non Tân Phúc, hiện đang có 73 cháu và 7 cô giáo đang sinh sống và học tập ngay phía dưới chân đồi Na Lo.

Sau khi nhận báo cáo của UBND xã về nguy cơ sạt lở, UBND huyện Lang Chánh đã chỉ đạo các phòng chức năng kiểm tra và xác định nguyên nhân của việc sạt trượt tại đồi Na Lo, thôn Tân Lập, xin nguồn kinh phí để sớm di dời người dân. Theo đó, huyện Lang Chánh đang triển khai dự án tái định cư để ổn định đời sống và sản xuất của 62 hộ dân tại xã Tam Văn (bản Lọng 40 hộ, bản Căm 22 hộ) bị ảnh hưởng của thiên tai do sạt lở đất và lũ quét. Đảm bảo các hộ dân sau tái định cư có cuộc sống ổn định bền vững, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh, trật tự và môi trường của địa phương.

Ngoài ra, huyện Lang Chánh cũng đang có 2 khu tái định cư thuộc xã Tam Văn với diện tích là 5,75ha gồm khu tái định cư bản Lọng 3,83ha và khu tái định cư bản Căm 1,92ha. Đầu tư đồng bộ hệ thống san nền, đường giao thông, hệ thống vỉa hè, hệ thống thoát nước, cấp nước sinh hoạt, trạm biến áp và đường dây trung thế, điện chiếu sáng, điện sinh hoạt với số vốn gần 50 tỷ đồng. Dự án được triển khai thi công từ tháng 12/2021. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, quá trình lập quy hoạch còn phải điều chỉnh để phù hợp với thực tế; việc lập quy hoạch phải tổ chức lấy ý kiến của các cấp, thời gian lấy ý kiến kéo dài, làm ảnh hưởng đến thời gian thực hiện dự án.

Trước nguy cơ sạt lở, lũ quét đe dọa tính mạng của người dân ở các huyện miền núi, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã dẫn đầu đoàn công tác cùng với các Sở, ngành, các địa phương đi kiểm tra việc bảo đảm an toàn cho nhân dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét tại các huyện miền núi.

Thanh Hóa: Di dời các hộ dân ở miền núi trước nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trong mùa mưa bão
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã thăm hỏi tình hình đời sống người dân và động viên các hộ dân.

Sau khi đi thị sát thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang chỉ đạo huyện Quan Hóa cần tổ chức lấy ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân để xây dựng phương án bố trí tái định cư cụ thể, chi tiết đảm bảo an toàn tính mạng người dân, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với các ngành có liên quan, nghiên cứu đầu tư xây dựng đường giao thông để người dân thuận lợi đi vào khu tái định cư. Huyện Quan Hóa nghiên cứu trồng hệ thống cây xanh trong khu tái định định cư, tạo cảnh quan môi trường, xanh, sạch, đẹp. Các ngành có liên quan của tỉnh sớm hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ phần kinh phí di dời cho các hộ dân theo quy định, để các hộ dân có kinh phí hoàn thiện một số hạng mục phụ trợ thiết yếu.

Đối với dự án hạ tầng khu tái định cư bản Tang, xã Trung Thành, huyện Quan Hóa được UBND tỉnh thống nhất thực hiện đầu tư, theo lệnh khẩn cấp với kinh phí 11,7 tỷ đồng. Dự án nhằm sắp xếp, ổn định cho 39 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại bản Tang, xã Trung thành. Hiện nay, dự án đã cơ bản hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng, đã giao đất cho các hộ dân và các hộ dân đã di chuyển đến nơi ở mới. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã thăm hỏi tình hình đời sống người dân và động viên các hộ dân yên tâm vượt qua khó khăn ban đầu ở khu tái định cư.

Đồng thời, yêu cầu các địa phương sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự cấp huyện, không được chủ quan, lơ là trước mọi tình huống. Đồng thời xây dựng phương án, kế hoạch chi tiết trong thực hiện nhiệm vụ theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tại khu tái định cư bản Nà Ón, xã Trung Lý nơi có 58 hộ là bản đồng bào Mông đang sinh sống (hoàn thành tháng 9/2020), đưa toàn bộ người dân vào sinh sống ổn định. Phó Chủ tịch tỉnh mong muốn người dân khắc phục khó khăn chăm lo cho con em học tập, nâng cao dân trí để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.

Tiến Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load