(Xây dựng) - Trong 10 tháng đầu năm 2021, các lực lượng chức năng thành viên Ban chỉ đạo 398 Thanh Hóa đã tập trung thực hiện có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần bình ổn thị trường và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Một vụ phát hiện, bắt giữ hàng trăm kg thực phẩm hết hạn sử dụng của Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa. |
Theo đó, tính từ đầu năm đến tháng 10/2021, các lực lượng chức năng gồm: Công an, Quân đội, Biên phòng, Cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Ban chỉ đạo 389 các huyện, thành phố, thị xã đã chủ động phối hợp với nhau, tổ chức kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến biên giới đất liền, đường biển, đường không, đường sắt, các trung tâm thương mại… trong đó, tập trung cao độ kiểm tra, xử lý các mặt hàng cấm, hàng lậu gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, tính mạng, sức khỏe người dân. Các mặt hàng bao gồm: Đồ chơi kích động bạo lực, đồ chơi có hại đến nhân cách, sức khỏe trẻ em, các loại ma túy, thuốc nổ, pháo nổ, rượu ngoại, thuốc lá, thuốc lá điện tử…
Kết quả, trong 10 tháng đầu năm 2021, các ngành chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã kiểm tra, phát hiện, xử lý tổng số 4.026 vụ vi phạm. Trong đó, chuyển khởi tố hình sự 780 vụ, xử lý vi phạm hành chính 3.246 vụ với tổng số tiền thu là 119.651 triệu đồng. Phạt vi phạm hành chính 40.395 triệu đồng, bán hàng tịch thu 688 triệu đồng, truy thu thuế 78.568 triệu đồng.
Riêng trong tháng 10/2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, hoạt động buôn lậu gian lận thương mại tuy không nổi cộm, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Các hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép hàng cấm, hàng lậu, hành hóa không nhãn mác, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái mẫu mã các hãng nổi tiếng vẫn diễn ra. Nhất là các loại đồ chơi trẻ em, quần áo, linh kiện và phụ kiện điện thoại, bánh kẹo, rượu ngoại.
Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp đấu tranh, xử lý, góp phần đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá, đảm bảo thị trường lành mạnh, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, chuẩn bị cho thị trường Tết cổ truyền sắp tới, không để xảy ra biến động về giá cả cũng như khan hiếm nguồn cung trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường.
Theo đó, về chống buôn lậu, hàng cấm: Trong tháng 10 năm nay, đã xử lý 111 vụ. Trong đó, khởi tố 63 vụ, xử lý vi phạm hành chính 48 vụ, phạt tiền 193 triệu đồng. Hàng hóa vi phạm gồm 14,58g Heroin, 60,7g và 1.319 viên ma túy tổng hợp; 33 súng tự chế, 8,1kg pháo nổ; 8,7m3 gỗ; 491 món đồ chơi bạo lực…
Trong công tác chống gian lận thương mại, đã xử lý 291 vụ, phạt vi phạm hành chính 4.132 triệu đồng. Về sản xuất, kinh doanh hàng giả, xử lý 07 vụ, phạt hành chính 20 triệu đồng. Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, xử lý 03 vụ vi phạm, phạt tiền 163 triệu đồng. Về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý 69 vụ, phạt tiền 140 triệu đồng. Trong lĩnh vực chống thất thu thuế, đã xử lý 90 vụ, phạt vi phạm hành chính 2.468 triệu đồng, truy thu thuế 7.868 triệu đồng. Đối với công tác phòng, chống phá rừng, mua bán, vận chuyển và chế biến lâm sản, lực lượng Kiểm lâm phối hợp với Công an, Biên phòng… đã xử lý 19 vụ, xử phạt hành chính 151 triệu đồng…
Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đẩy mạnh đấu tranh chống gian lận thương mại trong dịp Tết Trung thu 2021. |
Đáng chú ý, trong công tác chống buôn lậu gian lận thương mại, tình hình gian lận thương mại điện tử đang có những diễn biến phức tạp. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động mua bán hàng online càng có “đất” để phát triển và đang trở thành kênh mua sắm ưa thích của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng.
Với những đặc điểm riêng là bán hàng trên không gian ảo, mọi giao dịch thường được thực hiện qua nền tảng mạng xã hội facebok, zalo... được quảng cáo dưới hình thức livestream, hoặc qua kênh bán hàng Shopee, các website. Cùng với đó, nhiều chủ hàng thường không tập kết hàng số lượng lớn tại kho, số lượng hàng giao chủ yếu là nhỏ lẻ, được chuyển phát nhanh hoặc do shiper thực hiện, tiền thanh toán được chuyển qua tài khoản hoặc trả trực tiếp sau khi nhận hàng…
Do những đặc điểm trên nên công tác đấu tranh xử lý rất khó khăn, thêm vào đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng khác xa so với cam kết của chủ hàng, lại được bán với giá “hàng xịn”… Thực trạng này đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính và thất thu cho ngân sách Nhà nước. Đã có nhiều khách hàng lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” do mất tiền mua phải những sản phẩm kém chất lượng.
Trước thực trạng trên, nhất là sắp vào dịp Tết Nguyên đán, dự báo tình hình sẽ còn phức tạp hơn do hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại nói chung, gian lận thương mại điện tử nói riêng sẽ gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn. Các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh, trong đó có Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch, tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ về công nghệ thông tin cho cán bộ, nhân viên.
Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị bạn triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm đối phó với gian lận thương mại điện tử. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thương mại điện tử, các thủ đoạn gian lận trong hoạt động thương mại diện tử dẫn đến thiệt thòi về quyền lợi của khách hàng cũng như doanh nghiệp chân chính, vận động người dân phát hiện, tố giác các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng lậu, hàng giả. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý việc chấp hành pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử.
Lực lượng Quản lý thị trường và Cảnh sát Kinh tế thực hiện kiểm tra và thu giữ hàng hóa vi phạm qua hoạt động thương mại điện tử tại cơ sở kinh doanh của ông Đặng Văn Tuấn. |
Kết quả, trong 10 tháng đầu năm 2021, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã kiểm tra, xử lý 12 vụ vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, phạt vi phạm hành chính 105,8 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá 109,7 triệu đồng. Và mới đây nhất, ngày 02/11/2021, bằng các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện có dấu hiệu vi phạm tại một cửa hàng của đối tượng kinh doanh theo hình thức online, đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa) đã phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an huyện Quảng Xương tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh của hộ ông Đặng Văn Tuấn tại thôn 4, xã Quảng Hào, huyện Quảng Xương. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện tại đây có 230 cây kiếm, mã tấu cán gỗ, 2.390 đôi giày vi phạm quy định về nhãn mác hàng hóa. Qua làm việc, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ và các giấy tờ liên quan về số hàng này. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, làm rõ theo quy định của pháp luật.
Đào Nguyên
Theo