Thứ bảy 27/04/2024 09:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thanh Hóa: Cần xem xét, giải quyết thấu đáo nguyện vọng của một số tiểu thương khi chuyển đổi chợ

10:08 | 14/04/2020

(Xây dựng) - Những ngày gần đây, Báo điện tử Xây dựng nhận được thông tin bạn đọc phản ánh về việc chính quyền xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc đã “tranh thủ” tình hình dịch Covid-19 để “ép” bà con tiểu thương phải rời bỏ chợ dân sinh cũ của xã, chuyển sang kinh doanh tại chợ chuyên kinh doanh hải sản và hậu cần nghề cá (chợ cá 30/4) mới được đầu tư xây dựng?

thanh hoa can xem xet giai quyet thau dao nguyen vong cua mot so tieu thuong khi chuyen doi cho
Chợ cá 30/4 mới được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Cũng theo thông tin phản ánh, chợ dân sinh Hòa Lộc hoạt động đã lâu. Năm 2016, được chính quyền xã kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa (trong đó có đóng góp của tiểu thương) để đầu tư nâng cấp chợ với kinh phí hàng tỷ đồng. Cùng thời gian này, chợ cá 30/4 được một doanh nghiệp đầu tư xây dựng cũng tại địa bàn xã, hoàn thành và đi vào hoạt động đầu năm 2020. Mặc dù còn nhiều ý kiến chưa thống nhất của tiểu thương, nhưng chính quyền xã vẫn tìm cách buộc bà con phải chuyển về chợ mới, trong khi chợ cũ vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh tốt (vì mới được đầu tư nâng cấp).

Theo tìm hiểu của PV, chợ cá 30/4 do Công ty TNHH Chợ cá 30/4 Thành Công làm chủ đầu tư. Đây là một trong những chợ thuộc mạng lưới chợ toàn quốc, được đầu tư xây dựng theo Quyết định số 4388/QĐ-UBND ngày 9/11/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về “phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến 2025” (ngoài ra còn có hàng loạt Quyết định, văn bản khác có cùng nội dung).

Để xác minh rõ thông tin phản ánh của một số người được cho là đại diện các tiểu thương của xã, PV đã làm việc với đại diện chủ đầu tư và ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc. Theo thông tin và các văn bản được cung cấp trong buổi làm việc, được biết, trong quá trình triển khai xây dựng chợ, chủ đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương đã tổ chức họp, lấy ý kiến các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ cũ về việc chuyển sang kinh doanh tại chợ mới, đa số bà con đều tán thành với phương án chuyển chợ. Cùng với đó, trước khi đi vào hoạt động, ngày 01/11/2019, Công ty TNHH Chợ cá 30/4 Thành Công đã có văn bản gửi UBND xã và các tiểu thương về việc vận hành chợ an toàn vệ sinh thực phẩm và chính sách hỗ trợ tiểu thương.

Theo đó, về phương án sử dụng nhân sự, Công ty có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ số nhân viên lao động của Ban quản lý chợ cũ nếu có nhu cầu và sẽ được bố trí công việc phù hợp, hưởng chế độ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo Luật Lao động. Đối với tiểu thương, được miễn toàn bộ tiền thuê mặt bằng kinh doanh trong 12 tháng, riêng hộ kinh doanh tại chợ cũ còn được hỗ trợ từ 2 triệu – 5 triệu đồng tiền vận chuyển hàng hóa. Hết thời gian 12 tháng, việc thu phí sẽ căn cứ theo quy định hiện hành của Nhà nước và của tỉnh.

Ngoài chính sách hỗ trợ trên, theo chủ đầu tư, để tạo điều kiện tối đa cho tiểu thương, từ khi đi vào hoạt động đến nay đã được khoảng 4 tháng, Ban Quản lý chợ chưa thu bất kỳ khoản tiền nào của bà con, kể cả tiền điện, nước, vệ sinh, chi phí quản lý.

thanh hoa can xem xet giai quyet thau dao nguyen vong cua mot so tieu thuong khi chuyen doi cho
Một số quầy hàng trong chợ.

Cũng trong buổi làm việc, trả lời ý kiến của PV về việc xã kêu gọi xã hội hóa, huy động vốn đầu tư nâng cấp chợ cũ, trong khi chợ mới đang được xây dựng, gây lãng phí tiền của và thắc mắc, bất bình trong giới tiểu thương. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch xã Hòa Lộc cho biết: Thời điểm đó là năm 2016, mặc dù đã có quy hoạch và nhà đầu tư đang xúc tiến các thủ tục triển khai để có thể xây dựng chợ. Nhưng do chợ cũ xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu buôn bán, kinh doanh của bà con, còn chợ mới thì chưa biết bao giờ mới được nhà đầu tư cho thi công. Trước nhu cầu bức bách của địa phương về hoạt động chợ, lại thêm nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, xã buộc phải tính đến phương án nâng cấp chợ dân sinh cũ. Thực tế cũng đã cho thấy, chợ dân sinh cũ sau khi được đầu tư nâng cấp, đã hoạt động tới gần 4 năm mới xóa bỏ khi chợ mới chính thức đi vào khai thác đầu năm 2020.

Tiếp tục tìm hiểu vụ việc, sau khi làm việc với chính quyền và Ban Quản lý chợ, PV đã trực tiếp thăm chợ mới và tiếp xúc với các tiểu thương đang kinh doanh tại đây. Trong không gian rộng rãi, thoáng đãng của ngôi chợ mới, những quầy hàng được bố trí ngăn nắp, khoa học theo từng loại, với đủ mọi nhóm ngành hàng gồm các loại hải sản từ tươi sống đến hải sản khô, hải sản cấp đông, rau, củ quả, tạp hóa, thịt, đồ ăn chín, quần áo, lương thực… Đáng chú ý, ngay trước các cổng vào, ra của chợ đều có nước rửa tay sát khuẩn, người bán người mua hàng đều đeo khẩu trang và thực hiện đúng khoảng cách theo quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Trao đổi với PV, chị Đỗ Thị Bình - chủ quầy hàng hải sản khô cho biết: Trước kia, tôi cùng với con gái là Trương Thị Sáu (hàng hoa quả) buôn bán tại cảng cá Hòa Lộc, hai mẹ con chuyển về đây từ ngày chợ đi vào hoạt động (đầu năm 2020). Do chợ mới được xây dựng khang trang, sạch đẹp, có vị trí và giao thông thuận tiện nên việc kinh doanh nhìn chung khá thuận lợi. Từ ngày về kinh doanh tại đây, tôi cũng như các tiểu thương khác đều yên tâm, phấn khởi và chưa phải đóng bất kỳ một khoản tiền nào cho Ban Quản lý chợ.

thanh hoa can xem xet giai quyet thau dao nguyen vong cua mot so tieu thuong khi chuyen doi cho
Ông Nguyễn Văn Lý bày tỏ sự phấn khởi về điều kiện kinh doanh tại chợ cá 30/4.

Cũng chung tâm trạng như chị Bình, ông Nguyễn Văn Lý, chồng bà Phạm Thị Chung - chủ quầy hàng hải sản khô cho biết: Trước kia gia đình tôi kinh doanh ở chợ dân sinh cũ, chuyển về đây đã được gần 4 tháng. Về chợ mới, điều kiện kinh doanh cũng như các khâu vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ… tất cả đều hơn chợ cũ, doanh số bán hàng vì thế cũng tốt hơn, lại được miễn tiền thuê mặt bằng trong 12 tháng nên bà con ai cũng phấn khởi.

Theo ông, nếu tới đây hết thời gian hỗ trợ, Ban Quản lý đưa ra mức giá phù hợp, đúng quy định của Nhà nước thì vợ chồng ông cũng như hơn một trăm hộ tiểu thương đang buôn bán, kinh doanh tại đây sẽ tán thành và gắn bó lâu dài với điểm kinh doanh mới này.

Như vậy, thực tế đã cho thấy, việc xóa bỏ chợ dân sinh cũ xã Hòa Lộc, chuyển các hộ tiểu thương về kinh doanh tại chợ cá 30/4 mới được đầu tư xây dựng là hoàn toàn cần thiết và phù hợp và theo đúng chủ trương của tỉnh cũng như toàn quốc trong quy hoạch mạng lưới chợ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ.

Về vấn đề này, ngày 12/11/2019, UBND huyện Hậu Lộc cũng đã có Công văn số 1381/UBND-KTHT về loại bỏ chợ dân sinh Hòa lộc ra khỏi quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, yêu cầu UBND xã Hòa Lộc, Ban Quản lý chợ dân sinh Hòa Lộc, Ban Quản lý chợ cá 30/4 phối hợp tiến hành việc xóa bỏ chợ dân sinh, di chuyển hoạt động buôn bán, kinh doanh về chợ cá 30/4.

Mặc dù việc chuyển chợ, như đã nói là cần thiết, không thể thay đổi, phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội và nguyện vọng của phần lớn tiểu thương. Nhưng phải chăng trong quá trình thực hiện, UBND xã còn có phần nóng vội, chưa xem xét một cách thấu tình đạt lý đối với nguyện vọng, quyền lợi của một bộ phận tiểu thương. Nhất là với các hộ đã góp công, tiền cho việc đầu tư nâng cấp chợ cũ theo chủ trương xã hội hóa của UBND xã (nếu có), nay chuyển về chợ mới, quyền lợi và chi phí của họ đã bỏ ra có được xem xét, giải quyết thấu đáo?

Để dẹp bỏ những thắc mắc, yêu cầu của một bộ phận người dân, cũng là đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các tiểu thương và nhà đầu tư, tạo điều kiện cho chợ cá 30/4 đi vào hoạt động ổn định, theo chúng tôi, lãnh đạo chính quyền xã Hòa Lộc nên tiếp tục tuyên truyền, vận động, đối thoại với những người chưa đồng thuận để có cách tháo gỡ, giải quyết phù hợp, hài hòa lợi ích của tiểu thương cũng như doanh nghiệp.

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load