Thứ bảy 04/05/2024 23:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thanh Hóa: Cần sớm đầu tư xây dựng các điểm đê xung yếu

10:33 | 08/08/2023

(Xây dưng) - Có hơn 1 nghìn km đê các loại, nhưng có đến 35 trọng điểm xung yếu về đê, kè, cống không đảm bảo an toàn và 132/315km còn thiếu cao trình so với thiết kế và là nỗi lo của hàng vạn người dân trong mùa mưa lũ.

Thanh Hóa: Cần sớm đầu tư xây dựng các điểm đê xung yếu
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn 2 trọng điểm đê cấp I cần được quan tâm.

Thanh Hóa là tỉnh có 1.008km đê các loại, trong đó có 315km đê từ cấp I đến cấp III, và 693km đê dưới cấp III. Năm 2023, hệ thống đê điều Thanh Hóa được xây dựng 35 phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, gồm: 2 trọng điểm loại I; 14 trọng điểm loại II và 19 trọng điểm loại III (tăng 4 trọng điểm so với năm 2022). Các điểm xung yếu cần được sớm quan tâm đầu tư xây dựng điển hình như: Đê tả sông Mã (Đê xã Hoằng Đại đoạn K49+950-K50+950), do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ nối với cơn bão số 4, từ ngày 28/9 - 04/10/2022 trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; mưa lớn đã gây ra một đợt lũ ở một số sông, làm cho sụt lún mái đê phía sông đoạn từ K49+950-K50+950 đê tả sông Mã, xã Hoằng Đại, thành phố Thanh Hóa với chiều dài khoảng 1.000m; vị trí sụt lún sát mép bê tông mặt đê, đặc biệt có 2 vị trí xuất hiện cung trượt và sụt lún sâu (đoạn từ K49+950-K50+010, dài 60m, xảy ra ngày 01/10/2022 và đoạn từ K50+200-K50+280, dài 80m, xảy ra ngày 04/10/2022), điểm sụt lún sâu nhất 1,3m; sát chân đê phía sông là mương tiêu; đê hữu sông Mã (Đê Quảng Thọ từ K55-K56+060), đoạn đê có cao trình đê thấp; mặt cắt đê nhỏ, chưa được gia cố, nhiều vị trí mặt đê bị lún, hư hỏng xuống cấp, đây là đoạn đê cửa sông dễ xảy ra hiện tượng nước sông tràn qua đê khi có bão kết hợp với triều cường…

Thanh Hóa: Cần sớm đầu tư xây dựng các điểm đê xung yếu
Sau gần 1 năm bị sụt lún đến nay đê tả sông Mã, đoạn chạy qua xã Hoằng Đại, thành phố Thanh Hóa vẫn chưa được đầu tư xây dựng để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

Ngoài ra, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn những đoạn đê có nền đê yếu, nhiều đoạn thân đê cao trên 5m dễ xảy ra sạt trượt khu có mưa lũ, trong thân đê tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: Tổ mối, hang chuột… Một số tuyến đê được thực hiện tu bổ nhiều lần, chất đất không đồng nhất, thiếu độ liên kết, độ chặt của thân đê không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ sự cố mùa mưa bão.

Để đảm bảo an toàn trước mua mưa bão, cũng như chủ động phòng chống thiên tai Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có công văn triển khai thực hiện phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu năm 2023. Gửi Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có đê, các Ban quản lý dự án có liên quan. Thực hiện tốt một số nội dung: Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 1148/CT-BNN-ĐĐ ngày 01/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công văn số 1136/SNN&PTNT-TL ngày 16/3/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023.

Trong mùa mưa lũ, bão: Tổ chức lực lượng, thực hiện công tác tuần tra, canh gác đê theo quy định tại Thông tư 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu những hư hỏng của đê, kè, cống; đồng thời đảm bảo thông tin liên lạc và báo cáo kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ” (vật tư tại chỗ, lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ); tổ chức kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị theo phương án được duyệt; tập huấn, diễn tập công tác hộ đê.

Ngoài các vị trí đã được xây dựng phương án trọng điểm, tiếp tục rà soát, phát hiện các vị trí xung yếu mới (nếu có) và triển khai các phương án bảo vệ vị trí xung yếu theo nội dung báo cáo đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước lũ năm 2023, của các địa phương đã gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đảm bảo chủ động trong việc ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra trong mùa mưa, lũ. Chỉ đạo đơn vị thi công tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, đảm bảo hoàn thành công trình xong trước mùa lũ, bão năm 2023 và xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho công trình khi có lũ, bão.

Thảo Chi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load