(Xây dựng) - Trước diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch Covid-19, cũng như các địa phương trong cả nước, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các huyện, thành phố vùng biển Thanh Hóa quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng chống dịch cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, khẩn trương thực hiện triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và chuẩn bị đón công dân từ vùng tâm dịch trở về.
Hàng hóa, nhu yếu phẩm của nhân dân Nga Sơn ủng hộ Thành phố Hồ Chí Minh được tập kết tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện. |
Theo thông tin cập nhật từ CDC Thanh hóa: Ngày 27 và 28/7 vừa qua, trên địa bàn tỉnh ghi nhận có 6 ca mắc Covid-19 trong khu cách ly. Trong đó, riêng thành phố Sầm Sơn có 2 ca bệnh đang được cách ly tại khách sạn Bằng Giang, thuộc địa bàn Sầm Sơn. Đây là 2 người trở về từ thành phố Dĩ An (Bình Dương) bằng xe máy, về đến Sầm Sơn vào sáng 28/7. Sau khi về địa phương, các trường hợp này được đưa ngay vào khu cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS CoV-2 vào tối cùng ngày. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, cùng với 4 bệnh nhân đang được cách ly tại huyện Nông Cống, trong đêm 28/7, cả 6 bệnh nhân trên đã được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Sầm Sơn, để phòng, chống dịch hiệu quả, trong tình hình dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan nhanh chóng như hiện nay, trước hết, Sầm Sơn phải tập trung làm tốt công tác khai báo y tế, điều tra, truy vết, nhất là bám sát tình hình, diễn biến đi và đến của công dân để chủ động “đón lõng” các trường hợp công dân trở về từ vùng dịch. Qua đó, kịp thời tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, quyết không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng (như 2 trường hợp vừa nêu), cũng nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Đến nay, toàn thành phố đã tổ chức cách ly tập trung cho 317 người, trong đó có 217 người hết cách ly tập trung, đang được cách ly tại nhà. Số cách ly tại nhà gồm 2.490 người, số đang được theo dõi sức khỏe là 14.192 người.
Qua công tác truy vết, toàn thành phố có 56 ca F1, gần 500 ca F2, 52 ca F1 đã hoàn thành cách ly. Tính đến cuối tháng 7, toàn thành phố đã có 18.760 người từ các tỉnh, thành trong cả nước trở về địa phương, chủ yếu là từ các tỉnh, thành phía Nam. Tất cả các trường hợp này đều được thống kê, theo dõi, lập danh sách đầy đủ, chi tiết như: Nơi sinh sống trước khi về, nơi về (thôn, xóm, khu phố, xã, phường), ngày về địa phương, tình trạng sức khỏe… Cùng với đó, những trường hợp cần thiết đều được kiểm tra sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm hoặc test nhanh kháng nguyên.
Để chuẩn bị đón “làn sóng” công dân từ các tỉnh, thành phía Nam trở về, cùng với các khu cách ly tập trung đang hoạt động, thành phố đã kích hoạt thêm một số khu cách ly tập trung, tổng quy mô gần 1.000 người; Lên phương án, kế hoạch bố trí đầy đủ nhân lực, thuốc men, trang thiết bị… sẵn sàng đưa vào hoạt động khi cần thiết. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp đã bố trí trực ban 24/24 giờ, siết chặt giám sát công dân từ vùng dịch trở về và duy trì hoạt động của 4 chốt phòng chống dịch, trong đó có 1 chốt đường biển đặt tại Cảng Hới, phường Quảng Tiến để kiểm soát ngư dân và các phương tiện tàu, thuyền ra vào cảng.
Công dân được đón vào khu cách ly tập trung tại thành phố Sầm Sơn. |
Cũng như Sầm Sơn, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Nga Sơn đã chủ động triển khai sớm các giải pháp phòng, chống dịch theo phương châm “Ngăn chặn - phát hiện – cách ly – khoanh vùng dập dịch”. Trong đó, công tác vận động, tuyên truyền và hoạt động của các Tổ Giám sát cộng đồng luôn được chú trọng và đi trước một bước. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện luôn chủ động cập nhật hàng ngày, hàng giờ về diễn biến của dịch bệnh, các điểm dịch mới phát sinh trong cả nước, gắn với số liệu cụ thể về số công dân của huyện đang sinh sống tại các vùng dịch, dự báo thời gian, số người có khả năng trở về quê. Từ đó, kịp thời yêu cầu Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai ngay công tác khai báo y tế và chuẩn bị cách ly tại gia đình đối với những trường hợp đủ điều kiện theo quy định. Mặt khác, nếu có tình huống xấu xảy ra, sẽ tạo thuận lợi cho việc tổ chức truy vết, giám sát, cách ly, xét nghiệm, theo dõi sức khỏe ngay từ đầu các đối tượng từ vùng dịch về, đối tượng có nguy cơ, người đã cách ly tập trung về và xử lý triệt để các ổ dịch (nếu có), không để lây lan ra cộng đồng.
Với phương châm “Phòng dịch hơn chống dịch”, ngày 28/7 vừa qua, qua công tác khai báo y tế, Ban Chỉ đạo xã Ba Đình đã kịp thời tiến hành kiểm tra sức khỏe, lấy mẫu test nhanh (cho kết quả âm tính) và tổ chức cách ly tại nhà cho 2 gia đình gồm 13 người di chuyển từ vùng dịch vừa về tới địa phương. Trong đó, một gia đình 7 người về từ Đồng Nai, một gia đình 6 người về từ Bình Dương. Cả 2 trường hợp cách ly này đều đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế, có nhà ở rộng rãi, đủ phòng riêng khép kín, lại cùng ở biệt lập trong trang trại cách xa khu dân cư.
Dự báo trước tình hình sắp tới, công dân địa phương trở về từ các vùng dịch trong cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam sẽ tăng đột biến, ngoài 4 khu cách ly tập trung đang hoạt động (đã thực hiện cách ly cho 134 đối tượng) và một khu mới được kích hoạt. Ban Chỉ đạo huyện đã chỉ đạo các xã và ngành Y tế, lên kế hoạch chuẩn bị các phương án về người, trang thiết bị, thuốc men... sẵn sàng thiết lập 24 khu cách ly tập trung tại 24 trường Mầm non trên toàn huyện khi có yêu cầu.
Thực hiện chỉ thị của tỉnh về triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, UBND thành phố Sầm Sơn và UBND huyện Nga Sơn, sau khi tiếp thu kế hoạch của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 68. Kế hoạch này yêu cầu phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; Xác định rõ trách nhiệm của các phòng, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị liên quan trong tổ chức thực hiện, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, thiết thực, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không bỏ sót, không trùng lặp (mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong chính sách hỗ trợ). Về thời gian, sau 2 ngày kể từ khi nhận hồ sơ, UBND cấp huyện phải hoàn thành việc thẩm định, trình UBND cấp tỉnh. Cũng trong 2 ngày, sau khi nhận được đề nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã,đơn vị sự nghiệp công lập... cơ quan Bảo hiểm xã hội phải xác nhận xong việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động để trình lên cấp có thẩm quyền, giải quyết chính sách hỗ trợ cho đối tượng.
Về việc triển khai Nghị quyết 68, một vị lãnh đạo huyện Nga Sơn cho biết, công tác này đang gặp một số khó khăn, bất cập cần được xử lý, tháo gỡ nhanh: Đó là đối với nhóm đối tượng là lao động tự do (không có hợp đồng lao động) thuộc diện hưởng trợ cấp, nhưng chưa thể thống kê, lập danh sách vì chưa có hướng dẫn cụ thể của ngành chức năng. Cùng với đó, đối với nhóm hưởng trợ cấp, theo quy định là đối tượng được xác định F1, phải cách ly tập trung thì trên thực tế có nhiều người từ vùng dịch (như Thành phố Hồ Chí Minh) trở về, trong đó có thể có nhiều F1, nhưng chưa xác định được, vậy sẽ xử lý thế nào? Nếu đưa vào danh sách hỗ trợ sẽ không đúng quy định, ngược lại nếu không đưa vào diện hỗ trợ, sẽ gây thiệt thòi cho những đối tượng này.
Chị em phụ nữ thành phố Sầm Sơn sơ chế lạc, đóng gói gửi vào ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Nam. |
Song song với công tác phòng, chống dịch, vào những ngày gần cuối tháng 7 vừa qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc “Hướng về thành phố mang tên Bác”, đông đảo người dân, cán bộ, công chức thanh phố Sầm Sơn cũng như huyện Nga Sơn đã hăng hái tham gia quyên góp hàng hóa, nhu yếu phẩm gửi vào ủng hộ đồng bào miền Nam ruột thịt. Theo đó, trong số hơn 1.700 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm của nhân dân tỉnh Thanh Hóa gửi cho nhân dân gặp khó khăn tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có 120 tấn gạo, nhu yếu phẩm thiết yếu của cán bộ, nhân dân huyện Nga Sơn và 1.330kg moi khô, 1.320kg lạc nhân, gần 100 lít dầu ăn của nhân dân thành phố Sầm Sơn gửi tặng đồng bào miền Nam.
Đào Nguyên
Theo