(Xây dựng) - Khi giặc Covid-19 tàn phá đời sống của bà con các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, thì những người lính đã xuất hiện mang lại sự an tâm, sự ấm áp cho người dân nơi tâm dịch. Ở đâu có giặc là ở đó có “màu áo xanh”, ở đâu dân cần là ở đó quân đội, một khi “bộ đội cụ Hồ” đã có mặt, chiến thắng tất sẽ về…
Trích ảnh đồ họa Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Dứt khoát chúng ta phải thắng, không thắng không về. |
Ngày 23/8/2021, có lẽ đây sẽ là thời khắc lịch sử không thể nào quên đối với người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung, khi được chứng kiến những người lính bồng súng chốt chặn ở khắp các nơi trên địa bàn thành phố. “Bộ đội cụ Hồ đã đến rồi”, “Quân đội đã tới rồi”…, những tiếng reo lên từ đáy lòng, từ sự mong mỏi của người dân nơi tâm dịch, giống như họ vừa nhận được những bàn tay chìa ra để nắm lấy tay mình vượt qua hiểm nguy. Người dân có niềm tin mình sẽ vượt qua đại dịch, khi nghe lời tuyên bố của Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: “Dứt khoát chúng ta phải thắng, không thắng không về”.
Tất cả vì miền Nam ruột thịt
Giặc Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 8.666 người trên cả nước, riêng Thành phố Hồ Chí Minh mất 7.010 người tới ngày 23/8. Số ca mắc bệnh mỗi ngày ở Thành phố Hồ Chí Minh đều vượt trên 4.000 ca. Giặc Covid-19 đe dọa đời sống của người dân, làm cho người dân ở khu vực tứ giác trọng điểm kinh tế của cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh – Đồng Nai - Bình Dương – Long An, ngột ngạt đến nghẹt thở. Đây cũng là 4 tỉnh có số ca mắc và số ca tử vong lớn nhất cả nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo quyết liệt, bằng mọi cách dập dịch, cứu lấy Thành phố Hồ Chí Minh, cứu lấy miền Nam. Quân đội phải tham gia trực tiếp chống giặc.
Cùng với chỉ đạo của Thủ tướng, lời tuyên bố của tướng Giang là những hoạt động triển khai quyết liệt của quân đội ở các tỉnh phía Nam đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh. Những đoàn quân “Nam tiến” đã được tăng cường. Hình ảnh những người lính có mặt trên khắp các đường phố, len lỏi đưa lương thực đến từng hộ dân… đã tiếp thêm sức mạnh, nguồn động viên tinh thần to lớn cho người dân vùng dịch.
“Trích ảnh đồ họa tuyên bố của Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Quân khu 7: Nêu cao tinh thần ở đâu gian khổ khó khăn, ở đó có bộ đội. Triển khai quyết liệt, đồng bộ, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch, mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ và tiến tới xanh hoá vùng đỏ. Đồng thời, tham gia hiệu quả việc cứu đói, cứu đau, quyết không để dân đói khổ, thiếu thốn, khó khăn, không để sức khoẻ và tính mạng của dân bị đe dọa trong đại dịch”.
“Trích ảnh đồ họa Thượng tá Lê Xuân Bình, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5: Việc hỗ trợ người dân Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu thực sự của đơn vị trong thời bình, là niềm vinh dự to lớn đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ”.
Chùm ảnh: Áo xanh chống dịch Covid-19 trong tâm dịch miền Nam
Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Quân khu 7 (giữa) và Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh (trái) thị sát tình hình chống dịch.
Gần 2.000 cán bộ chiến sỹ Sư đoàn 5, Sư đoàn Bộ binh chủ lực quân khu 7 lên đường đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Hàng ngàn quân y lên đường chi viện cho miền Nam.
Lực lượng quân đội có vũ khí tại các chốt kiểm soát dịch.
Lực lượng quân đội kiểm soát lưu thông.
Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra xây dựng Bệnh viện dã chiến tại Bình Chánh.
Xây dựng, quản lý vận hành bệnh viện dã chiến.
Phun độc khử khuẩn.
Tiếp tế, vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho dân.
Giúp dân di tản, tiếp tế oxy.
Phát nhu yếu phẩm tới từng nhà dân.
Quân đội lo hậu sự nạn nhân Covid–19.
Tình quân dân
Thầm lặng nơi tuyến đầu
Từ đầu năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại nước bạn, 445 chốt phòng dịch liên ngành ở khu vực biên giới Tây Ninh, Bình Phước, Long An đã được thiết lập. Cùng với gần 1.000 dân quân các địa phương, quân khu 7 tăng cường 960 cán bộ, chiến sỹ bộ đội thường trực hỗ trợ biên phòng làm nhiệm vụ tại các chốt biên giới.
Khi 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, lực lượng quân đội, các lực lượng chức năng thực hiện tuần tra, chốt chặn, thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly, bệnh viện dã chiến với phương châm “chống dịch như chống giặc”. Tại TP.HCM, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, có hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của Ban chỉ huy quân sự tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức được chi viện tham gia thiết lập và phục vụ tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến của thành phố. Hàng trăm điểm chốt, phong tỏa trên địa bàn thành phố cũng được Ban chỉ huy quân sự triển khai lực lượng túc trực 24/24.
Cùng với lực lượng dân quân ở các địa phương, Quân khu 7 huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn 271 (Sư đoàn 5), Trung đoàn Gia Định và Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 31 (Bộ Tư lệnh TP.HCM) xuất quân cùng tỉnh Bình Dương và TP.HCM phòng chống dịch.
Ngày 10/7, cùng lúc hai bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 được đưa vào hoạt động. Đó là bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5A và bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quân dân y miền Đông. Hàng trăm nhân viên y tế đang công tác tại bệnh viện được điều động luân phiên nhận nhiệm vụ điều trị Covid-19.
Tiếp đến, Quân khu 7 phối hợp các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng triển khai Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5B tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh tỉnh Bình Dương và Bệnh viện dã chiến số 5D tại Khu B, ký túc xá Trường Đại học Quốc gia TP.HCM.
Vượt qua những khó khăn do triển khai thành lập gấp, thiếu trang thiết bị chuyên sâu, làm việc trong điều kiện xa người thân dài ngày, nhiều nguy cơ lây nhiễm, những thầy thuốc - chiến sĩ ở các bệnh viện điều trị Covid-19 của Quân khu 7 luôn ngày đêm đồng hành, chia sẻ và tận tâm điều trị người bệnh. Họ trở thành điểm tựa, truyền động lực, niềm tin để bệnh nhân Covid-19 yên tâm điều trị, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Thiếu tướng Võ Văn Thi, Phó Tư lệnh quân khu, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Quân khu 7 cho biết, quân khu đã chuẩn bị 311 điểm cách ly với khả năng tiếp nhận hơn 87.000 người. Từ khi dịch bùng phát đến nay tiếp nhận, cách ly hơn 120.000 công dân. Song song đó, lực lượng vũ trang quân khu và các đơn vị của Bộ Quốc phòng đóng quân trên địa bàn thành lập 31 tổ, đội phòng chống dịch; trên 400 tổ lấy mẫu, xét nghiệm; 93 tổ tiêm Vaccine ngừa Covid-19.
Bên cạnh đó, để phần nào chia sẻ khó khăn với người dân, Bộ Tư lệnh quân khu 7 chỉ đạo Sư đoàn 5 và Sư đoàn 302 huy động hàng chục tấn rau xanh, hàng chục ngàn quả trứng gia cầm là sản phẩm tăng gia sản xuất của đơn vị đến trao tặng Ủy ban MTTQ Việt Nam hai quận Phú Nhuận và Gò Vấp, TP.HCM để chuyển đến hỗ trợ người dân tại các khu phong tỏa. Bộ Tư lệnh quân khu 7 cũng chỉ đạo Đoàn Kinh tế - Quốc phòng Lâm Đồng, Sư đoàn 5 và Công ty Đông Hải đưa sản phẩm tăng gia sản xuất tổ chức chương trình “Gian hàng 0 đồng”, trao tặng 350 phần quà cho các hộ nghèo, công nhân có hoàn cảnh khó tại phường Tân Tạo A, Quận Bình Tân.
“Gian hàng 0 đồng”, “Phiên chợ 0 đồng”, “Cây ATM gạo”, “Cây ATM khẩu trang”, “Hũ gạo tình thương”, “Món quà tình nghĩa quân - dân”… đó là những mô hình giúp dân thiết thực và hiệu quả của các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 7. Đến giữa tháng 8, lực lượng vũ trang quân khu 7 đã hỗ trợ nhân dân với tổng trị giá hơn 300 tỷ đồng.
Thực hiện: Tâm Bút – Thanh Tòng – Cao Cường
Theo