Thứ sáu 26/04/2024 14:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tham mưu và "mưu tham"!

09:04 | 31/01/2023

Người xưa có câu "Thần thiêng nhờ bộ hạ". Câu này cũng có nghĩa ngược lại "Thần mất thiêng cũng vì bộ hạ". Nhất là khi tham mưu bị ai đó biến thành "mưu tham" thì lúc ấy "thần" không chỉ mất thiêng mà còn thân bại, danh liệt…

Cách đây hơn 10 năm (ngày 15/02/2012), trên Blog báo Dân trí, trong bài "Phỏng vấn Mưu Văn Tham", tôi đã cảnh báo xuất hiện hiện tượng "tham mưu" thì ít, "mưu tham" thì nhiều…

Thời gian gần đây, một số thư ký, trợ lý của cán bộ cao cấp làm cho lãnh đạo bị "mất thiêng" càng cho thấy mức độ quan trọng của đội ngũ này đối với vị thế của thủ trưởng trực tiếp nói riêng, uy tín của thể chế chính trị nói chung.

Trước hết, tham mưu là ai? Theo tôi hiểu đây có thể là một cá nhân, một đơn vị, một cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ giúp việc, đề xuất chủ trương cho lãnh đạo quản lý cấp trên; trong đó có các trợ lý, thư ký của thủ trưởng. Đây là các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau để góp ý cho lãnh đạo thực hiện tốt nhất công việc của mình vì "nhân vô thập toàn", không có bất cứ một thủ trưởng nào thông hiểu hết mọi kiến thức một cách chuyên sâu, nhất là ở thời khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão hiện nay.

Người xưa gọi những vị này thường thì là mưu sĩ, cao hơn nữa thì gọi quân sư. Đã từng có không ít quân sư giúp minh chủ lập nên nghiệp lớn mà Khổng Minh Gia Cát Lượng thời Tam quốc là một điển hình.

Trong một số triều đại phong kiến, công tác tham mưu còn là chức gián quan để can ngăn chủ soái của mình bỏ điều sai trái, hướng tới những điều hay, lẽ phải.

Do tầm quan trọng này, vào tháng 8/2021, Bộ Chính trị đã ban hành quy định số 30 về tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ nhiệm, chính sách, chế độ đối với chức danh trợ lý, thư ký. Quy định này nêu rõ các chức vụ lãnh đạo được sử dụng trợ lý, thư ký; số lượng trợ lý, thư ký đối với từng chức danh lãnh đạo và các nội dung liên quan khác. Đơn cử, chức danh trợ lý, thư ký phải có phẩm chất đạo đức trong sáng; không cơ hội, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ để vụ lợi; gương mẫu, chấp hành nghiêm kỷ luật công tác, kỷ luật phát ngôn; giữ bí mật nội dung công việc...

Ngoài ra, hiện nay một số cơ quan đã ban hành qui chế cụ thể cho công việc văn phòng liên quan đến nhiệm vụ tham mưu và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là một ví dụ.

Tại Quyết định số 275 ngày 19/6/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng VKSND tối cao gồm 5 điểm, trong đó chỉ rõ "Công tác tham mưu là gì?", "Vai trò của công tác tham mưu", "Ý nghĩa của công tác tham mưu"… một cách cụ thể.

Về "Công tác tham mưu là gì?", Quyết định trên xác định: "Tham mưu được hiểu chính là hiến kế, kiến nghị hay đưa ra đề xuất, đưa ra các ý tưởng độc đáo, có tính sáng tạo, dựa trên cơ sở khoa học, đưa ra các sáng kiến, các phương án tối ưu, hay đưa ra những chiến lược, sách lược và những giải pháp hữu hiệu cho các thủ trưởng…".

Về vai trò, "công tác tham mưu có một vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của các cơ quan, tổ chức. Công tác tham mưu chính là người tư vấn và giúp cho các cán bộ lãnh đạo nắm được những tình hình để đưa ra những quyết sách đúng đắn trong hoạt động lãnh đạo, quản lý của mình…".

Về ý nghĩa, "nếu công tác tham mưu tốt thì lãnh đạo của cơ quan, đơn vị sẽ nắm bắt được kịp thời, chính xác tình hình và nó có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nếu như không làm tốt công tác tham mưu thì sẽ làm ảnh hưởng lớn đến niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước"…

Trở lại mấy vụ việc thư ký, trợ lý của một số lãnh đạo bị kỉ luật, thậm chí vi phạm pháp luật vừa qua. Nếu như họ là nạn nhân bị lợi dụng, lừa dối do yếu kém năng lực hoặc mất cảnh giác, thì nhẹ nhất, thủ trưởng của họ phải chịu kỉ luật theo qui định trách nhiệm người đứng đầu. Nếu như vì lợi ích của mình, họ đã lừa dối thủ trưởng để tiếp tay cho các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật; hoặc trong trường hợp phát hiện họ là "cánh tay vươn dài" thực hiện ý đồ đen tối cho sếp, thì không chỉ họ mà cả thủ trưởng của họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Với tầm quan trọng của công tác tham mưu nói trên, vấn đề đặt ra là cần phải có những tiêu chí cho chức vụ này?

Theo tôi, những người làm công tác tham mưu ngoài yếu tố như tinh thần cảnh giác, công tác chuyên môn giỏi còn phải có sự trung thực, trung thành với không chỉ với thủ trưởng của mình mà còn phải trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với tổ chức Đảng.

Không chỉ thế, họ còn phải có lòng dũng cảm, biết can gián những hành động sai trái của thủ trưởng để bảo vệ chính thủ trưởng của mình và cao hơn nữa, là uy tín của tổ chức và lợi ích của nhân dân.

Về người lãnh đạo, cần phải quan tâm triệt để tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là giám sát chặt chẽ các cộng sự của mình, không để cho họ lừa dối hay lợi dụng ảnh hưởng kiểu "cáo mượn oai hùm" cũng như các hành vi khác để hại nước, hại dân, hại thanh danh của sếp.

Mặt khác, cùng với tính trung thực, sự trung thành và lòng dũng cảm của cấp dưới, các thủ trưởng cần phải biết lắng nghe điều hay, lẽ phải và phải biết "rửa tai" để chấp nhận những lời "trung ngôn, nghịch nhĩ" của thuộc cấp.

Xin đừng để "tham mưu" trở thành "mưu tham", tránh "mưu lược" thì ít, "mưu mô" thì nhiều, mưu đồ ích nước lợi dân thì ít mà mưu hèn kế bẩn, hại nước, hại dân thì nhiều.

Theo Bùi Hoàng Tám/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load