(Xây dựng) – Mới đây, tại Phiên họp thứ 20 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 100% thành viên có mặt nhất trí, biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ và Đề án nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu để mở rộng địa giới hành chính thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung phiên họp. |
Theo Tờ trình của Chính phủ, phương án thành lập thị trấn Hóa Thượng trên cơ sở nguyên trạng 13,38km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 13.871 người của xã Hóa Thượng thuộc huyện Đồng Hỷ. Đối với việc nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu, nhập toàn bộ 40,67km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 4.573 người của xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu thuộc huyện Đại Từ. Sau khi thành lập thị trấn Hóa Thượng thuộc huyện Đồng Hỷ và nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc; nhưng có giảm 01 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 2 xã và tăng 1 thị trấn); có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (3 thành phố và 06 huyện); có 177 đơn vị hành chính cấp xã (126 xã, 41 phường và 10 thị trấn). Tỷ lệ đô thị hóa sau khi thành lập thị trấn Hóa Thượng và nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu đạt 40,73%.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp. |
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành, thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về sự cần thiết, tính phù hợp cũng như đòi hỏi từ thực tiễn về việc thành lập thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ và Đề án nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu. Quy trình, hồ sơ, thủ tục đã bám sát, thực hiện theo đúng Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với việc thành lập thị trấn Hóa Thượng là trung tâm huyện lỵ, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa xã hội của huyện Đồng Hỷ là phù hợp với hiện trạng và đủ điều kiện để hoàn thiện các tiêu chí để thành lập thị trấn. Đối với Đề án nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu để mở rộng địa giới hành chính thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ sẽ tạo điều kiện phát triển vùng phía Nam huyện Đại Từ với nhiều tiềm năng lợi thế. Nơi đây cũng được định hướng là trung tâm chuyên ngành cấp huyện về kinh tế, văn hóa, du lịch, thể thao, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội huyện Đại Từ và tỉnh Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, việc nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu còn là chủ trương hoàn toàn phù hợp với yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính. Đến thời điểm hiện tại, các tiêu chí để thực hiện nhập, mở rộng và thành lập thị trấn Quân Chu đã đáp ứng yêu cầu. Việc lấy ý kiến toàn thể cử tri tại các địa phương có liên quan thực hiện theo đúng quy định.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp. |
Tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những nội dung nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: Tỉnh sẽ nghiêm túc triển khai đầy đủ, đúng quy định của pháp luật và dành nguồn lực để các địa phương có điều kiện phát triển đô thị, tương xứng với vị trí, vai trò của mình.
Tại phiên họp, với sự đồng thuận cao, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt nhất trí, biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ và Đề án nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu để mở rộng địa giới hành chính thị trấn Quân Chu. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2023.
Phiên họp thứ 20 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận: Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết việc thành lập thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ và Đề án nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu để mở rộng địa giới hành chính thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, HĐND - UBND tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết; sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh các đơn vị hành chính được thành lập mới, nhập phải hoàn thành việc đổi tên để hoạt động với tên gọi được quy định tại Điều 1 của Nghị quyết kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.
Việt Hoan - Thành Chung (Ảnh: thainguyen.gov.vn)
Theo