(Xây dựng) - Với người dân thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) chúng tôi, tháng Mười trở nên đặc biệt hơn bởi ngoài dấu mốc thêm một năm hình thành và phát triển, tháng Mười còn gợi nhớ về quá khứ của thành phố anh hùng, đồng thời cũng mở hướng tương lai chuẩn bị cho 1 năm mới…
Trong tương lai không xa, vùng lõi đô thị Thái Nguyên này sẽ được thay thế bằng những công trình mang tầm vóc mới. |
Với Tân Cương nổi tiếng, nhiều người gọi thành phố Thái Nguyên là đất chè. Với khu liên hợp gang thép đầu tiên của cả nước, thành phố Thái Nguyên cũng có tên gọi là đất thép… Nhưng, với tôi, Thái Nguyên - Thành phố tháng Mười là cái tên thân thương, thân thiện và dấu ấn nhất!
Tăng trưởng vững chắc
Tháng Mười - tháng của mùa thu với những cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú, cũng là tháng đầu tiên của quý tăng trưởng kinh tế - xã hội cuối cùng của một địa phương trong năm.
61 năm trước, thành phố Thái Nguyên được thành lập. Thời điểm ấy, thành phố chỉ có 6 tiểu khu. Tuy nhiên, Thái Nguyên cũng có đủ “màu sắc” của một trung tâm giao dịch, ví như bến Than gần cầu Gia Bẩy, chuyên buôn bán than cho dân khắp nơi, luôn tấp nập xe, thuyền. Than theo đường goòng chở từ mỏ Núi Hồng, làng Cẩm về. Bến Tượng nhộn nhịp là bởi có chợ trên bến dưới thuyền, đủ các mặt hàng xuôi ngược. Bến Oánh là nơi buôn bán lâm sản: Gỗ, nứa, tre, song, mây...
Thời kỳ giặc Mỹ bắn phá, các chợ vẫn họp, khu Gang thép có chợ khu Nam vẫn rất sầm uất… trở thành miền ao ước đến của nhiều lớp người ở các vùng miền và cũng là pháo đài vững vàng trước cuộc chiến tranh phá hoại. Cầu Gia Bẩy là một tượng đài sừng sững với đội tự vệ trên đồi Két nước ngăn chặn địch thả bom phá cầu. Nhà máy điện Cao Ngạn bị địch thả bom B52, nhiều nhà bị phá, nhiều người bị chết nhưng điện vẫn luôn sáng.
Những địa danh còn ngân vang trong lịch sử, trong cả hai cuộc kháng chiến như: Đồi Kô Kê, núi Yên Ngựa, đồi Ông Đống, ga Lưu Xá… xứng danh ghi vào sử sách.
Năm 2002, thành phố Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II; năm 2010, được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Những dấu mốc ấy luôn gắn với tháng Mười và ghi dấu quá trình tăng trưởng ổn định với tốc độ bình quân trong giai đoạn 2016-2021 đạt trên 15%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó thương mại-dịch vụ và công nghiệp chiếm vai trò chủ đạo. Không gian đô thị thành phố được mở rộng và ngày càng khang trang; kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại; sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển ứng dụng công nghệ cao, trong đó cây chè là cây trồng chủ lực với thương hiệu chè “Tân Cương Thái Nguyên” nức tiếng cả nước; các lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường...
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra các công trình trọng điểm của thành phố Thái Nguyên. |
Tháng Mười nay, nhìn lại những gì đã đạt được trong năm 2023 cũng thấy rõ hơn sự cố gắng của lãnh đạo và nhân dân các dân tộc địa phương trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế. Giá trị sản xuất công nghiệp địa phương đạt gần 9.500 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt ước đạt 162 triệu đồng, bằng 100% kế hoạch đề ra; 94,4% diện tích đất nội thành được quy hoạch phân khu; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 77,7%, bằng 100% kế hoạch... Công tác quy hoạch, quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, văn hóa - xã hội tiếp tục được thực hiện có hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Nhìn xa hơn 1 chút, có thể thấy nửa nhiệm kỳ qua (2020-2025) thành phố Thái Nguyên đã thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch, chỉ tiêu trên các lĩnh vực. Trong các nhóm chỉ tiêu chủ yếu, đến nay tiến độ thực hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu. Cụ thể: 10/12 nhóm chỉ tiêu dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu Nghị quyết; 02/12 nhóm chỉ tiêu cần tích cực phấn đấu để hoàn thành.
Kinh tế của thành phố tiếp tục giữ được nhịp độ tăng trưởng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thương mại - dịch vụ tiếp tục chiếm vai trò chủ đạo; kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại; đời sống của nhân dân được nâng lên... Thành phố cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên triển khai mô hình “Phòng họp không giấy tờ”.
Tháng Mười này, cầu Huống Thượng được đầu tư gần 500 tỷ sẽ in dấu mốc khánh thành. |
Còn nhiều khó khăn
Tháng Mười, tháng đầu tiên của quý cuối năm với những âu lo, tất bật, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ của năm.
Đến thời điểm này, tuy chưa phải là hoàn chỉnh nhưng có thể nói thành phố Thái Nguyên đã khoác lên mình chiếc áo mới, hình thành dáng vóc của một đô thị có nhiều khởi sắc. Thế nhưng, chặng đường trước mắt là 3 tháng cuối năm 2023 và nửa nhiệm kỳ còn lại, thành phố Thái Nguyên đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hai chỉ tiêu kinh tế-xã hội 9 tháng thành phố Thái Nguyên đạt thấp là thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công.
Cụ thể, năm 2023, thành phố Thái Nguyên phấn đấu thu ngân sách đạt 3.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng mới đạt gần 940 tỷ đồng, bằng gần 29% kế hoạch tỉnh, thành phố giao. Trong đó, các khoản thu đạt thấp là thu thuế phí, thu khác đạt trên 733 tỷ đồng, bằng gần 58% kế hoạch tỉnh, thành phố; thu tiền sử dụng đất đạt trên 200 tỷ đồng, bằng trên 10% kế hoạch tỉnh, thành phố.
Còn với chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công, trong tổng số vốn được giao trên 1.270 tỷ đồng, tính đến hết tháng 9 mới giải ngân đạt gần 280 tỷ đồng, bằng gần 22% kế hoạch năm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến 2 chỉ tiêu trên của thành phố Thái Nguyên đạt thấp. Trong đó phải kể đến bối cảnh tình hình thế giới cũng như trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng chung đến tăng trưởng kinh tế; chính sách tiền tệ thắt chặt tác động mạnh hơn tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài hơn 1 năm nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu 2.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất.
Thành phố Thái Nguyên đã khoác lên mình chiếc áo mới, hình thành dáng vóc của một đô thị có nhiều khởi sắc. |
Hướng mở
Tháng Mười, tháng của sự chuẩn bị cho 1 năm mới nhiều triển vọng hơn với những công trình mới đang mở ra cho thành phố Thái Nguyên một khuôn mặt mới, một chân trời mới.
Ông Nguyễn Linh - Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên chia sẻ: Thời gian vừa qua và tới đây, thành phố Thái Nguyên đã và sẽ đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm, quy mô lớn, hiện đại, tạo không gian phát triển đô thị, dịch vụ, tăng cường kết nối giao thông, nâng tầm đô thị.
Từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới, các hạng mục công trình thuộc Dự án Đô thị miền núi phía Bắc thành phố Thái Nguyên đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2022, như đường Việt Bắc dài hàng chục km tạo thêm một trục dọc cho thành phố, hầm chui Bắc Nam, cầu Bến Tượng... góp phần mở rộng không gian đô thị, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông thành phố Thái Nguyên.
Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực thành phố Thái Nguyên có nguồn vốn đầu tư lớn (100 triệu USD, trong đó nguồn vốn vay từ WB là 57 triệu USD, vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là 43 triệu USD) thời gian thực hiện từ năm 2019 đến hết năm nay, đã vượt qua nhiều thời điểm khó khăn do dịch Covid-19, do giải phóng mặt bằng liên quan đến hơn 1.200 hộ gia đình, trong đó phải bố trí tái định cư cho gần 300 hộ; do giá vật tư, vật liệu tăng cao, nhiều thời điểm khan hiếm… giờ cũng cơ bản hoàn thành.
Theo định hướng, thời gian tới, bên cạnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án đã khởi công, thành phố Thái Nguyên đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, khởi công xây dựng mới nhiều công trình, dự án quan trọng, như: Phố đi bộ trung tâm thành phố; cầu Quang Vinh 1, cầu Quang Vinh 2 và hệ thống giao thông kết nối phường Đồng Bẩm, phường Quang Vinh và xã Cao Ngạn; các dự án công viên cây xanh, nâng tầm diện mạo, cảnh quan cho thành phố, như xây dựng cảnh quan phía sau Quảng trường Võ Nguyên Giáp...
Còn nhớ, tại Hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải đã nhắc nhở: Với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh và vùng trung du miền núi Bắc bộ; là vùng đất có nhiều tiềm năng và thế mạnh, Đảng bộ và nhân dân thành phố Thái Nguyên cần phát huy những thành tích đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua, khắc phục tồn tại, hạn chế; phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ tập thể, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ dẫn dắt, liên kết và lan tỏa cho các địa phương khác cùng phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Bí thư Thành ủy Thái Nguyên Dương Văn Lượng khẳng định: Thành phố sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch và vận dụng vào thực tiễn trong quá trình chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Trong đó tập trung quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra, các nghị quyết, đề án, chỉ thị, chương trình, kế hoạch đã ban hành, đặc biệt là Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thành phố Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để thúc đẩy phát triển trong nửa nhiệm kỳ còn lại; tiếp tục quán triệt quan điểm phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội…
Thành phố Thái Nguyên đã thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch, chỉ tiêu trên các lĩnh vực. |
Bao nhiêu biến động lớn lao đã làm nên lịch sử anh hùng của mảnh đất nằm bên dòng sông Cầu. Còn hôm nay tôi tìm về ký ức của vùng đất này, dòng sông này để thấy rằng mảnh đất mình đang sống thật đáng tự hào bởi có mùa quả ngọt nào mà trước đó người trồng không phải ra sức chăm bón cho cây; Có thành tựu nào mà con người không phải đánh đổi bằng cam go và thử thách.
Đích đến tháng Mười của năm 2024 chỉ là 12 tháng, đến 2025 thời gian ấy là 24. Phía trước còn nhiều việc phải làm và hành trình vượt qua những khó khăn của một địa phương không có quá nhiều tiềm năng là một hành trình thăm thẳm, đòi hỏi cái tâm và tầm nhìn từ người lãnh đạo đến người dân phải vượt ra khỏi lũy tre làng, vượt ra khỏi biên giới quốc gia để hội nhập, giao lưu và khẳng định mình trong thời đại toàn cầu hóa.
Và, tôi mong, tháng Mười tiếp theo thành phố Thái Nguyên lại có thêm nhiều dấu ấn để ghi, để nhớ, để tự hào!
Nguyễn Thành Vân
Theo