(Xây dựng) – Cùng với đẩy mạnh xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, ngay từ đầu năm 2022 tỉnh Thái Nguyên cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ tai nạn giao thông từ 5% trở lên trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương so với năm 2021.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng kiểm tra, đôn đốc nhà thầu đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công đường tỉnh ĐT 266, đoạn đường thường gây tai nạn và ùn tắc giao thông. |
Năm 2021, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông, làm chết 51 người và 127 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ tai nạn giảm 13 vụ (giảm 7,88%), số người bị chết giảm 9 người (giảm 15%) và số người bị thương giảm 24 người (giảm 15,9%). Trong đó, thành phố Thái Nguyên xảy ra 62 vụ có 13 người chết và 49 người bị thương (giảm 2 vụ, giảm 1 người chết, giảm 5 người bị thương so với cùng kỳ năm 2020); thị xã Phổ Yên có 24 vụ có 11 người chết và 12 người bị thương, (giảm 01 vụ, giảm 02 người chết và giảm 01 người bị thương so với cùng kỳ năm 2020); huyện Đại Từ 18 vụ, 7 người chết và 23 người bị thương (giảm 02 vụ, giảm 3 người chết và giảm 8 người bị thương so với cùng kỳ năm 2020).
Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả kết luận của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2010-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Kế hoạch của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia về Năm an toàn giao thông năm 2022 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Với tinh thần “Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông” tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Kế hoạch thực hiện Năm an toàn giao thông quốc gia năm 2022, trong đó nêu rõ mục tiêu: Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phấn đấu giảm tai nạn giao thông từ 5% trở lên trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương so với năm 2021. Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, hạn chế ùn tắc giao thông tại trung tâm thành phố Thái Nguyên, các khu công nghiệp, các tuyến giao thông trọng điểm và những nơi có mật độ giao thông cao, không để lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh trong hoạt động giao thông vận tải.
Để làm được điều đó, Thái Nguyên cũng đề ra nhiều giải pháp cụ thể trong đó yêu cầu: Các dự án đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các hệ thống giao thông trọng điểm cần duy trì đảm bảo chất lượng, tiến độ; tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống mạng lưới giao thông nông thôn; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; từng bước xóa đi các đường mòn, lối mở tự phát, các đường ngang dân sinh trái phép qua đường sắt, bảo vệ an toàn hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; lồng ghép mục tiêu đảm bảo an toàn trật tự giao thông vào các quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải.
Cùng với việc chủ động, tích cực xây dựng, hoàn thiện hạ tầng giao thông, tỉnh cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan cần chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông. Riêng lực lượng công an tỉnh cần chủ động các biện pháp duy trì trật tự an toàn giao thông, trong đó phải đổi mới phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, phát huy các phương thức truyền thống với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, sử dụng các thiết bị kỹ thuật tiên tiến để giám sát, ghi hình, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông cũng như đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền không ngừng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Việt Hoan
Theo