(Xây dựng) - Nhằm mục tiêu phân định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND các địa phương trong công tác quản lý cây xanh, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã quyết định ban hành Quy định về phân cấp quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn Thái Nguyên.
Điều dễ nhận thấy là trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện chưa có những khu cây xanh tập trung sử dụng công cộng xứng tầm. |
Quy định về phân cấp quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn Thái Nguyên được ban hành theo Quyết định số 38/QĐ-UBND ngày 20/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên bao gồm 3 chương với 21 điều. Chương 1: Những quy định chung, Chương 2: Quản lý cây xanh đô thị và Chương 3: Trách nhiệm quản lý cây xanh đô thị.
Theo đó, toàn bộ hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được xác định là một bộ phận của hạ tầng đô thị do UBND tỉnh thống nhất quản lý. Khi lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết dự án phải xác định tỷ lệ, diện tích đất cây xanh, công viên, vườn hoa đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng và các quy định hiện hành.
Trên cơ sở đó, tất cả các loại cây xanh đô thị phải được xác định chủ quản lý, do tổ chức, cá nhân quản lý hoặc được giao quản lý. Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, phát triển cây xanh đô thị nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia quy hoạch, trồng, chăm sóc, ươm cây và bảo vệ cây xanh đô thị.
Khi triển khai xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư, chủ đầu tư phải đảm bảo chỉ tiêu đất cây xanh, trồng đúng chủng loại và tiêu chuẩn cây trồng theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt; đồng thời phải có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ xây xanh đến khi bàn giao cho cơ quan quản lý theo thẩm quyền.
Khi cấp phép đặt biển quảng cáo trên dải phân cách có bồn hoa, thảm cỏ, cây xanh, vườn hoa phải có văn bản thỏa thuận thống nhất của cơ quan đơn vị quản lý trực tiếp hệ thống cây xanh đô thị. Khi cải tạo, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư phải lựa chọn phương án tối ưu nhằm hạn chế việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh hiện hữu trên vỉa hè, dải phân cách và các khu vực công cộng khác của đô thị. Chủ đầu tư phải thông báo cho cơ quan quản lý cây xanh trên địa bàn biết để giám sát thực hiện đối với công trình có liên quan đến việc bảo vệ, chặt hạ, dịch chuyển, trồng mới cây xanh.
Sở Xây dựng chịu trách nhiệm tham mưu giúp UBND tỉnh Thái Nguyên quản lý Nhà nước đối với hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn. UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quản lý hệ thống cây xanh tại các đô thị thuộc phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý; cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị trên địa bàn hành chính quản lý; xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về trồng, chăm sóc, bảo vệ và chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị theo quy định của pháp luật. Tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị thông qua hình thức đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định pháp luật hiện hành về cung ứng sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước.
Điều dễ nhận thấy là trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện chưa có những khu cây xanh tập trung sử dụng công cộng xứng tầm, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Đặc biệt, đến nay sau hơn chục năm là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, thành phố Thái Nguyên vẫn chưa có một công viên đúng nghĩa, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân.
Trước thực tế đó, ngày 23/02/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND thực hiện trồng mới 7 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025. Tiếp đó, ngày 17/6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về quản lý và thúc đẩy phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các cấp, ngành tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện đầu tư, hoàn thiện hệ thống công viên, cây xanh tập trung công cộng trong các đô thị theo đồ án quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt.
Quy định về phân cấp quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn Thái Nguyên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2021.
Nguyễn Thành
Theo