(Xây dựng) – Mới đây, việc cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 12 bị can có hành vi “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” tại mỏ than Minh Tiến, thuộc các xã: Na Mao, Minh Tiến và Phú Cường, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã chứng minh việc trước đây UBND huyện Đại Từ đã từng lên tiếng, cảnh báo về vụ việc là hoàn toàn có cơ sở.
Mặc dù đã được chính quyền nhắc nhở, nhưng do không chấp hành các quy định về an toàn trong sản xuất, quá trình khai thác Công ty Cổ phần Yên Phước đã để bùn, đất tràn xuống cánh đồng của người dân. |
Trước đó, Báo điện tử Xây dựng cũng đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng người dân 2 xã Na Mao và Phú Cường (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) liên tục “tố” Công ty Cổ phần Yên Phước khai thác khoáng sản tại mỏ than Minh Tiến làm nhiều nhà cửa, hoa màu của người dân bị tàn phá nghiêm trọng. UBND huyện Đại Từ cũng đã có rất nhiều văn bản xử lý vụ việc nhưng Công ty Cổ phần Yên Phước không thực hiện mà còn “tố cáo ngược” Bí thư huyện Đại Từ là sử dụng chức vụ, quyền hạn để ép doanh nghiệp đóng “phế”.
Theo nội dung Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 50/QĐ-CSKT-P10 ngày 25/8/2021 của cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an liên quan vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra tại Công ty Cổ phần Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương (Công ty Đông Bắc Hải Dương) và các đơn vị có liên quan xác định: Châu Thị Mỹ Linh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Phước đã cấu kết, bàn bạc với Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang là người điều hành Công ty Đông Bắc Hải Dương tổ chức thực hiện khai thác, mua bán hàng triệu tấn than trái phép tại Mỏ than Minh Tiến (xã Minh Tiến và xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) thu lợi bất hợp pháp hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể năm 2019, Công ty ký kết hợp đồng với đại diện Công ty Đông Bắc Hải Dương, cho Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác, chế biến tại mỏ than Minh Tiến với khối lượng khai thác ít nhất 400.000 tấn/năm, giá thành khai thác 1 tấn than thành phẩm là 450.000 đồng, thời gian khai thác trong 5 năm kể từ ngày ký, ngay sau khi hợp đồng có hiệu lực, Công ty Đông Bắc Hải Dương đã tranh thủ tập trung máy móc khai thác gấp 47 lần công suất cho phép. Theo đó, từ tháng 3/2019 đến tháng 8/2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương đã khai thác sản lượng khoảng 2 triệu tấn than nguyên khai. Bình quân hằng năm, lượng than công ty này khai thác lậu gấp hơn 120 lần số lượng được phép khai thác. Theo số liệu điều tra ban đầu, số than khai thác lậu mà Công ty Cổ phần Yên Phước bán cho Công ty Đông Bắc Hải Dương là hơn 1 triệu tấn, thu về số tiền trên 121 tỷ đồng.
Điều đáng chú ý, quá trình làm ăn phi pháp, để tránh sự phát hiện của các cơ chức năng tỉnh Thái Nguyên, các đối tượng trong đường dây này còn ngang nhiên lập khống hồ sơ nghiệm thu, báo cáo số lượng khai thác với UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường với sản lượng hằng năm đúng bằng với số lượng được cấp phép khai thác. Thậm chí, công ty này còn không thực hiện đầy đủ các nội dung theo Kết luận số 46/KL-STNMT ngày 26/4/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và khoáng sản đối với mỏ than Minh Tiến.
Các đối tượng đã cấu kết khai thác trái phép trên 1 triệu tấn than thu lợi bất chính trên 120 tỷ đồng tại mỏ than Minh Tiến, Đại Từ. |
Đặc biệt, để tranh thủ khai thác tối đa nguồn tài nguyên, công ty này đã bất chấp tất cả, kể cả dư luận báo chí và chính quyền, nhân dân sở tại. UBND huyện Đại Từ đã phải tốn rất nhiều thời gian, giấy mực trước những sai phạm của công ty này.
Cụ thể, từ khi công ty này đi này vào hoạt động đã vi phạm gây ra hàng loạt hệ lụy có tính hệ thống cho địa phương, điển hình có thể kể đến như: Sử dụng đất ngoài phạm vi ranh giới mỏ được cấp phép; để xảy ra các sự cố về môi trường như: Nước mưa làm than chảy tràn trên bề mặt không được xử lý, thường xuyên chảy ra sông, ngòi, tràn vào ruộng của nhân dân với diện tích khoảng 7,5ha. Để bùn, đất tràn xuống cánh đồng thuộc xóm Ao Soi, Cây Thổ (nay sáp nhập thành xóm Ao Soi) xã Na Mao, huyện Đại Từ tháng 7/2018; để bùn, đất tràn xuống ruộng của một số hộ dân xóm Chiềng, xã Phú Cường tháng 5/2019. Gây sạt lở, nứt đất với diện tích khoảng 10ha xảy ra vào tháng 11/2019. Nổ mìn gây nứt nhà, công trình của khoảng 75 hộ dân xã Na Mao…
Bất chấp dư luận nhân dân và sự nhắc nhở của chính quyền, công ty này còn sử dụng nhiều xe chở than có tải trọng lớn, vượt quá tải trọng công trình cầu tràn Cây Biêu (13 tấn); theo kết quả kiểm tra tải trọng do Công an huyện thực hiện, chỉ tính riêng từ ngày 19-24/4/2020 đã có 40 lượt xe có tổng trọng lượng cân đều từ trên 30 tấn đến 48 tấn đi qua tràn Cây Biêu và tuyến đường mới mở, trong đó xe có trọng lượng cân tải thấp nhất là 30.040kg, cao nhất là 48.970kg.
Việc sử dụng xe có tải trọng lớn đi qua cầu Cây Biêu không đảm bảo tải trọng gây mất an toàn và hư hỏng cầu, đường. Trong quá trình vận chuyển than còn gây bụi làm ảnh hưởng đến sản xuất lúa, chè của một số hộ dân xã Phú Cường đã làm cho nhân dân bức xúc, thậm chí còn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn do một số phần tử xấu từ nơi khác đến lợi dụng gây rối, nhân dân địa phương tụ tập ngăn cản, phản đối hoạt động của mỏ…
Bất chấp sự nhắc nhở của chính quyền và phản đối của nhân dân, trong quá trình vận chuyển công ty vẫn để bụi than vương vãi thường xuyên gây ô nhiễm môi trường. |
Trước sự bức xúc của nhân dân địa phương, UBND huyện, Thường trực Huyện ủy Đại Từ không những nhiều lần làm việc trực tiếp với công ty mà còn phải nhiều lần tổ chức họp bàn, kết luận, yêu cầu công ty xử lý dứt điểm, không để tái phát, song chỉ được thời gian ngắn thì đâu lại vào đó. Thậm chí, trước sự chây ỳ có hệ thống, Huyện ủy Đại Từ đã phải chỉ đạo UBND huyện có văn bản báo cáo đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tiến hành kiểm tra hoạt động của Công ty Cổ phần Yên Phước trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và khoáng sản của công ty theo quy định.
Cụ thể hàng loạt văn bản mà Huyện ủy Đại Từ đã ban hành liên quan tới những sai phạm của Công ty Cổ phần Yên Phước trong một thời gian ngắn bao gồm:
Kết luận số 412-KL/HU, ngày 27/7/2018, chỉ đạo UBND huyện khẩn trương kiểm tra, tiến hành kiểm đếm tổng thiệt hại và làm việc với công ty cam kết thực hiện việc đền bù thiệt hại đối với sản lượng lúa bị ảnh hưởng và nạo vét bùn đất lấp vào ruộng của nhân dân.
Kết luận số 535-KL/HU, ngày 28/5/21019, chỉ đạo UBND huyện tiến hành kiểm tra thực tế khu vực ruộng của các hộ dân, thống kê diện tích đất, tài sản, hoa màu của người dân bị ảnh hưởng và làm việc với công ty cam kết thực hiện hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Kết luận số 603-KL/HU, ngày 02/12/2019, giao UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp thực hiện ngay việc cắm biển báo nguy hiểm để cảnh báo cho người dân; tổ chức thông tin đến người dân trong khu vực biết và không lại gần khu vực có nguy hiểm.
Trên cơ sở báo cáo của UBND huyện báo cáo hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Cổ phần Yên Phước, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục ban hành các Kết luận số 606-KL/HU, ngày 13/12/2019 chỉ đạo UBND huyện tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Cổ phần Yên Phước theo quy định.
Kết luận số 637-KL/HU, ngày 22/2/2020 giao đồng chí Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục nắm tình hình, kiểm tra, làm việc cụ thể với Công ty Cổ phần Yên Phước, báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy để chỉ đạo kịp thời.
Kết luận số 662-KL/HU, ngày 7/5/2020 giao UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp kiểm tra, kiểm soát, quản lý hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Kết luận số 734-KL/HU, ngày 20/7/2020 giao UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp kiểm tra, kiểm soát, quản lý hoạt động của mỏ về công tác bảo vệ môi trường và khoáng sản của công ty theo đúng quy định của pháp luật.
Mặc dù đã được chính quyền địa phương nhắc nhở, song để vận chuyển được nhanh, nhiều than, công ty đã ngang nhiên sử dụng các xe có trọng tải lớn, quá tải trọng cho phép gây hư hỏng công trình cầu tràn Cây Biêu và tuyến đường bê tông từ đường ĐT264 đến trạm điện Na Mấn tại xóm Chiềng, xã Phú Cường. |
Ngoài ra, Thường trực Huyện ủy Đại Từ còn tốn rất nhiều thời gian họp bàn, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến việc khắc phục, sửa chữa hoàn trả tuyến đường do xe vận chuyển hàng hóa của Công ty Cổ phần Yên Phước làm hư hỏng trước sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận báo chí và nhân dân địa phương… cụ thể là tuyến đường từ ĐT264 qua cầu tràn Cây Biêu đến trạm điện Na Mấn, xã Phú Cường). Tuyến đường này là đường duy nhất để đi lên khu vực khai thác, vận chuyển hàng hóa của công ty ra đường ĐT264. Công ty đã sử dụng xe có tải trọng lớn... làm hư hỏng toàn bộ tuyến đường.
Qua kiểm tra cho thấy, toàn bộ tuyến đường đã bị hư hỏng nặng: Toàn bộ mặt đường bị biến dạng, hư hỏng nặng, nhiều vị trí Công ty Cổ phần Yên Phước đã tự ý sửa chữa tạm khi chưa được sự cho phép của các cơ quan chức năng, tuy nhiên vẫn không đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân...
Ngoài các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo trên, Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên nghe các thông tin, phản ánh qua các các hội nghị giao ban công tác báo cáo viên, cộng tác dư luận xã hội hàng tháng, hàng quý, báo cáo tình hình dư luận xã hội hàng tuần và đều có chỉ đạo cụ thể tại các hội nghị giao ban.
Không những Huyện ủy, UBND huyện Đại Từ, Trong quá trình hoạt động của mỏ này, UBND huyện, UBND tỉnh, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Công thương Thái Nguyên cũng đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh kịp thời các sai phạm của công ty này. Tuy nhiên đến thời điểm này, từ việc cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố nhóm đối tượng mua bán trái phép hàng triệu tấn than này đã cho thấy nhiều nội dung mà trước đây Huyện ủy, UBND huyện Đại Từ, UBND tỉnh và các Sở ngành Thái Nguyên chỉ ra là có cơ sở. Đồng thời, đây cũng là câu trả lời cho lý do vì sao công ty này trong thời gian dài đã bất chấp dư luận, không chấp hành nghiêm các kết luận chỉ đạo của các cơ quan chức năng nhà nước trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
Mỏ than Minh Tiến được Công ty Cổ phần Kim Sơn chuyển nhượng lại cho Công ty Cổ phần Yên Phước vào năm 2014, được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 1091/GP-UBND ngày 02/6/2014 với tổng diện tích 749.283,6m2, trong đó: Xã Na Mao 519.074m2, xã Phú Cường 29.998,2m2 và xã Minh Tiến 200.211,4m2.
Theo giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp năm 2014 thì Công ty Cổ phần Yên Phước được phép khai thác than tại mỏ than Minh Tiến với phương pháp khai thác lộ thiên; trữ lượng 151.396 tấn; công suất khai thác 8.500 tấn/năm; thời hạn khai thác là 20 năm, gồm 2 khu: Khu A thuộc địa phận xã Minh Tiến, Khu B thuộc địa phận xã Na Mao.
Việt Hoan
Theo