Thứ ba 05/11/2024 07:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thái Nguyên: Kỳ họp mang tính định hướng chiến lược

23:41 | 10/08/2021

(Xây dựng) - Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Kỳ họp thứ 2 HĐND rất quan trọng, mang tính định hướng chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2021, cũng như cả giai đoạn 2021-2026, đồng thời cụ thể hoá mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

thai nguyen ky hop mang tinh dinh huong chien luoc
Khai mạc Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV.

Sáng 10/8, Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã chính thức khai mạc. Đây là kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng, mang tính định hướng chiến lược, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2021, cũng như cả giai đoạn 2021-2026 của địa phương, đáng chú ý như: Báo cáo, tờ trình về việc thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2021; tờ trình thông qua nội dung nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh; tờ trình về việc kéo dài thời gian bố trí vốn đối với dự án sử dụng ngân sách địa phương; tờ trình về việc bãi bỏ Nghị quyết số 17/NQ-HĐND và Nghị quyết số 25/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về đề xuất chuyển dự án thành Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu; báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIV…

Ông Phạm Hoàng Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên đánh giá: Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh được tiến hành trong bối cảnh cả nước đang phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trên địa bàn tỉnh, 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù phải ứng phó với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, kịp thời của Tỉnh ủy, điều hành linh hoạt của các cấp chính quyền; sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng với sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa tích cực, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt 6,5%, cao hơn bình quân chung của cả nước.

Phát biểu chỉ đạo, bà Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên thẳng thắn: Bên cạnh những kết quả đạt được, Thái Nguyên đã và đang tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: Đại dịch Covid-19 dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp; một số hoạt động giao thương hàng hóa, cung ứng thương mại, dịch vụ và hoạt động văn hóa, xã hội bị đình hoãn, gián đoạn ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh và việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp…

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên khẳng định: Kỳ họp này rất quan trọng, mang tính định hướng chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2021, cũng như cả giai đoạn 2021-2026, đồng thời cụ thể hoá mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Trên cơ sở đó, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đã gợi mở 6 vấn đề để các đại biểu thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng và đóng góp ý kiến:

Một là, nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá thực chất, toàn diện về những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và nguyên nhân khách quan, chủ quan, để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, đưa ra giải pháp hiệu quả, phù hợp trong thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tiếp tục bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026 đã được nêu trong Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh để thể chế hoá thành các nghị quyết của HĐND bảo đảm sát với tình hình thực tế, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trước mắt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để phấn đấu 6 tháng cuối năm 2021 hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.

Hai là, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là trong quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, chống lãng phí, thất thoát nguồn tài nguyên; bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo đúng quy định của pháp luật; quản lý tài chính, ngân sách; phấn đấu tăng thu ngân sách, chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm đúng nguyên tắc, thứ tự ưu tiên, phân bổ có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những dự án trọng điểm, động lực, tạo sự lan tỏa trong liên kết, phát triển kinh tế - xã hội vùng, liên vùng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, rèn luyện đạo đức, lối sống trong cán bộ, công chức, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ, kiên quyết không bao che, xử lý nghiêm, kịp thời những vi phạm về đạo đức công vụ, đạo đức lối sống, đảm bảo tính răn đe, đáp ứng mong mỏi của nhân dân. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát trách nhiệm người đứng đầu; tập trung giải quyết những kiến nghị chính đáng của cử tri.

Ba là, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện rà soát những nghị quyết, văn bản đã ban hành chưa phù hợp hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, cần phải bổ sung, điều chỉnh, đồng thời đề xuất những nội dung mới đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, đặc biệt là về cơ chế, chính sách, tài chính.

Bốn là, đối với công tác bảo đảm quốc phòng an ninh, cần tăng cường, củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc; thực hiện đồng bộ các biện pháp về phòng, chống tội phạm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội; chủ động phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phần tử xấu, tạo sự bình yên trong nhân dân, đảm bảo giữ vững quốc phòng an ninh, thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển.

Năm là, đối với hoạt động của HĐND tỉnh trong thời gian tới, cần tiếp tục cải cách hành chính, đổi mới hình thức tổ chức kỳ họp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử cử tri và các công tác giám sát khác liên quan tới chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Sáu là, ngay sau Kỳ họp, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương cần tập trung cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, đề án đã được HĐND tỉnh ban hành, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021 đã đề ra, tạo tiền đề và động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của cả giai đoạn.

Chiều 10/8, các đại biểu HĐND tỉnh Thái Nguyên làm việc tại hội trường để nghe các báo cáo, tờ trình do Thường trực HĐND, các ban HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các cơ quan tư pháp trình tại kỳ họp.

Theo kế hoạch, ngày 11/8, Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIV sẽ tiến hành chia tổ để thảo luận về các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết; buổi chiều, các đại biểu tiếp tục làm việc tại hội trường để xem xét và biểu quyết thông qua các nghị quyết.

Nguyễn Thành

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load