(Xây dựng) – Đó là một trong những nội dung chính trong việc tiếp tục triển khai, thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh Thái Nguyên, nhằm quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, kỷ cương, liêm chính; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên gồm 15 thành viên do đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng ban (Ảnh: thainguyen.gov.vn). |
Cuối tháng 6/2022, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên được thành lập và đi vào hoạt động và ngay lập tức phát huy hiệu quả, đến nay Ban đã đưa vào diện chỉ đạo, theo dõi nhiều vụ việc mà xã hội quan tâm nhất là các dự án liên quan đến đất đai, tài nguyên khoáng sản, các dự án đầu tư công…
Chỉ tính tròn 1 năm sau khi đi vào hoạt động, Ban đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết 07 vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với 08 tổ chức, 32 cá nhân. Cơ quan cảnh sát điều tra đã phát hiện, khởi tố 21 vụ, 50 bị can về các tội tham nhũng.
Gần đây, có những vụ án lớn, gây hậu quả nghiêm trọng đã kết thúc điều tra, truy tố và chuyển sang giai đoạn xét xử, tuyên án. Điển hình phải kể đến các vụ án: Vụ bị cáo Phan Mạnh Cường, sinh năm 1971, cựu Bí thư Thành ủy Thái Nguyên, cựu Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên và các đồng phạm bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước” và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; Vụ án tại mỏ than Yên Phước liên quan đến 31 bị cáo trong vụ khai thác 3 triệu tấn than lậu tại Đại Từ, Thái Nguyên, trong đó, ngoài cán bộ, nhân viên cấp phòng còn có nhiều cá nhân là lãnh đạo, quản lý cấp sở hay vụ án bị cáo Nguyễn Thị Huệ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thái Nguyên. Ngoài ra, các vụ án liên quan đến việc sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm ôtô; lừa dối khách hàng ở thành phố Sông Công, Công ty cổ phần Thoát nước Thái Nguyên... cũng liên quan đến một số lãnh đạo, quản lý đang được tích cực điều tra.
Qua hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực đó đã không ngừng củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Vụ án liên quan đến bị can Phan Mạnh Cường - Cựu Bí thư Thành ủy Thái Nguyên, cựu Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên vừa đưa ra xét xử công khai. |
Rút kinh nghiệm và phát huy các kết quả đã đạt được, UBND tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030, trong đó xác định rõ quan điểm PCTN, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, được tiến hành mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, lấy phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách, đột phá; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, phát hiện, xử lý và sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự. Gắn PCTN, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiểm soát quyền lực nhà nước, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, củng cố niềm tin của Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Mục tiêu đề ra là khắc phục những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, kỷ cương, liêm chính; ăng cường các biện pháp phòng ngừa; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí, truyền thông; huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong PCTN, tiêu cực; Tăng cường hợp tác quốc tế trong PCTN, tiêu cực gắn với thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Việc thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN, tiêu cực đến năm 2030 được thực hiện theo hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất (từ năm 2023 đến năm 2026), trong giai đoạn này tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở bất cập của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiêu cực, phối hợp đề xuất các nhiệm vụ cụ thể trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội Khóa XV, Khóa XVI; chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của Chiến lược quốc gia về PCTN, tiêu cực theo văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Bộ, ngành có liên quan trong giai đoạn 2023 - 2026 và sơ kết việc thực hiện vào năm 2026.
Giai đoạn thứ 2 (từ năm 2026 đến năm 2030), phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn thứ nhất. Trên cơ sở sơ kết, căn cứ yêu cầu của công tác PCTN, tiêu cực và tình hình thực tiễn xây dựng Kế hoạch cụ thể để thực hiện Chiến lược giai đoạn 2026 - 2030 và đẩy mạnh thực hiện toàn diện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược. Tổng kết việc thực hiện Chiến lược vào năm 2031.
Theo Ban chỉ đạo PCTN tỉnh Thái Nguyên, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt hiệu lực, hiệu quả cao, được cán bộ, đảng viên, nhân dân ủng hộ tuyệt đối (Ảnh: thainguyen.gov.vn). |
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đề ra nhiều nhóm giải pháp như: Hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiêu cực; Kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội trong PCTN, tiêu cực; Tích cực tham gia, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về PCTN, thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng…
Việc thực hiện tốt công tác PCTN, tiêu cực đã và đang góp phần quan trọng vào việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Việt Hoan
Theo