Thứ tư 15/01/2025 18:09 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Thái Nguyên: Khan hiếm vật liệu san lấp?

09:48 | 13/08/2021

(Xây dựng) - Mặc dù là tỉnh trung du có nhiều đồi, núi đất nhưng tại nhiều dự án ở Thái Nguyên vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp; trong khi đó, nhiều nơi lại rơi vào cảnh dư thừa, không biết chở đi đâu.

thai nguyen khan hiem vat lieu san lap
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã cấp phép khai thác 6 mỏ đất ở các huyện Phú Bình, Ðồng Hỷ, thị xã Phổ Yên và thành phố Sông Công.

Những năm gần đây, kinh tế tỉnh Thái Nguyên có bước phát triển, đầu tư hạ tầng, đô thị tăng nhanh nên cần lượng đất làm vật liệu san lấp rất lớn. Nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu đất làm vật liệu san lấp phục vụ phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn, đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã cấp phép khai thác sáu mỏ đất ở các huyện Phú Bình, Ðồng Hỷ, thị xã Phổ Yên và thành phố Sông Công. Mặc dù vậy, tình trạng nhiều dự án khan hiếm vật liệu san lấp vẫn diễn ra. Theo đó, hiện tượng khai thác đất trái phép diễn ra ở nhiều nơi do giá rẻ, vận chuyển ngắn…

Tại huyện Phú Bình, mặc dù là huyện có nhiều đồi, núi đất; mấy năm nay đang có sự chuyển dịch mạnh trong cơ cấu kinh tế từ nông - lâm nghiệp - thủy sản sang công nghiệp - dịch vụ và xây dựng phát triển mạnh. Điều đó đồng nghĩa với việc cần lượng đất lớn để làm vật liệu san lấp tạo mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn huyện mới có 1 mỏ đất nào được cấp phép khai thác làm vật liệu san lấp, dẫn đến việc khai thác đất trái phép để làm vật liệu diễn ra ở nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường, thất thoát nguồn thu ngân sách, hư hỏng đường giao thông nông thôn, gây bức xúc trong nhân dân.

Do khai thác lậu nên việc vận chuyển đất làm vật liệu san lấp lưu thông trên địa bàn thời gian qua cũng không chuyên nghiệp, có nguy cơ làm mất an toàn giao thông nông thôn, ô nhiễm môi trường, đường thôn, xóm, trục chính được đầu tư xây dựng từ chương trình nông thôn mới xuống cấp, hư hỏng.

Trao đổi với báo chí, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Bình cho biết: Việc khai thác đất làm vật liệu diễn ra ở một số xã trên địa bàn, các điểm này ở tận các thôn, xóm, việc khai thác chủ yếu diễn ra vào buổi trưa, chiều tối, thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, Phòng Tài nguyên và Môi trường chỉ có một cán bộ làm công tác quản lý về tài nguyên nên chính quyền cấp xã không vào cuộc ngăn chặn thì khó quản lý.

Tương tự Phú Bình, tình trạng khai thác đất trái phép làm vật liệu san lấp cũng diễn ra ở các huyện: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Đại Từ, thị xã Phố Yên… Tuy nhiên, việc ngăn chặn gặp nhiều khó khăn.

Một nhà thầu san lấp mặt bằng (đề nghị được giấu tên) cho hay: Nếu vận chuyển từ những mỏ được cấp phép về thì đoạn đường quá xa, giá đội lên rất cao, nên biết là không hợp pháp nhưng để đạt tiến độ nhà thầu vẫn phải thu mua đất lậu để giải quyết vấn đề khan hiếm.

Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Giang - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên cho biết: Hiện nay, nguồn vật liệu san lấp cơ bản đáp ứng nhu cầu thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, các mỏ đất phân bố chưa đồng đều, nên các địa phương gặp khó khăn trong việc cung cấp vật liệu san lấp (giá thành vận chuyển cao). Nhiều công trình, dự án khi thi công xây dựng hạ tầng phải di chuyển đất thừa đi nơi khác, nhưng việc này gặp nhiều khó khăn. Bởi, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 65, Luật Khoáng sản “Đối với khu vực chưa được điều tra, đánh giá về khoáng sản mà trong quá trình xây dựng công trình có phát hiện khoáng sản thì cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép theo Điều 82 Luật này quyết định việc khai thác hoặc không khai thác trong phạm vi công trình; trường hợp quyết định khai thác thì không bắt buộc phải tiến hành thăm dò khoáng sản…”.

Sau nhiều kiến nghị của doanh nghiệp, các địa phương và nhà thầu, đến nay, cơ quan chức năng và tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều cải tiến trong việc cấp mỏ vật liệu san lấp nhưng tình hình thực tế vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, tại nhiều dự án ở Thái Nguyên như: Nhà máy chế biến rác thải (xã Minh Đức, thị xã Phổ Yên); Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II; Xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Sơn Cẩm (thành phố Thái Nguyên); xây dựng Trường THPT Đội Cấn (huyện Đại Từ)… Chưa kể nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu hạ thấp độ cao, xử lý mặt bằng để xây dựng, sản xuất đang tồn tại nghịch lý phải loay hoay tìm cách xử lý lượng đất thừa để triển khai dự án.

Thiết nghĩ, trong thời điểm chờ đơn giản hóa, bổ sung quy định của pháp luật về cấp mỏ đất, các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh Thái Nguyên nên sớm có giải pháp tháo gỡ cho các nơi thừa đất do các công trình, hạ thấp độ cao tự do trong quá trình sản xuất, canh tác… về nơi thiếu vật liệu san lấp trên cơ sở đảm bảo sự hài hòa giữa các bên; đồng thời đảm bảo về an ninh - trật tự, an toàn giao thông và môi trường.

Thái Nguyên Nhân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load