(Xây dựng) - Kể từ cuối tháng 9/2023, phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông” cho lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý theo quy định của pháp luật tại Thái Nguyên chính thức được khởi động.
Hàng ngày, các diễn biến giao thông và các vi phạm trật tự, an toàn giao thông vẫn được người dân phản ánh đến báo chí. |
Thời gian qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được duy trì ổn định. Tình trạng vi phạm giao thông chuyển biến tích cực, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, quá tốc độ, xe tải chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, đi vào đường cấm, đi ngược chiều - những hành vi vi phạm được dư luận xã hội quan tâm, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông, gây thiệt hại đến kết cấu, hạ tầng giao thông.
Để đạt được những kết quả nêu trên, bên cạnh sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các Sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, là sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của đông đảo quần chúng nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tự giác, trách nhiệm phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, cung cấp, phản ánh các thông tin, tài liệu, làm cơ sở, căn cứ để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Để tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phối hợp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; thực hiện Chỉ số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; ngày 22/9/2023 UBND tỉnh Thái Nguyên chính thức phát động phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông”.
Thái Nguyên phấn đấu mỗi người dân là một “tuyên truyền viên”, một “cộng tác viên” đắc lực với lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phát huy vai trò dân chủ trong công tác bảo đảm an ninh trật tự nói chung và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi để huy động người dân tham gia vào công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Tình trạng đi xe máy trên cao tốc được camera hành trình ghi lại - người dân phản ánh. |
Bên cạnh đó, huy động sự vào cuộc tổng thể, nâng cao trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân tự ý thức, trách nhiệm trong chấp hành pháp luật về an toàn giao thông và chủ động phát hiện, cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh các vi phạm trật tự, an toàn giao thông là tác nhân gây hư hại hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn tai nạn giao thông để cung cấp cho các cơ quan chức năng kịp thời chỉ đạo xử lý, giải quyết đúng quy định của pháp luật.
Thông tin phản ánh, cung cấp của nhân dân về vi phạm trật tự, an toàn giao thông phải bảo đảm khách quan, chính xác. Việc tiếp nhận, xác minh, xử lý, giải quyết thông tin phản ánh phải bảo đảm tính kịp thời, đúng hành vi vi phạm và đúng quy định của pháp luật; đồng thời, tổ chức tuyên truyền rộng rãi, tạo hiệu ứng răn đe, phòng ngừa xã hội, qua đó, vận động nhân dân ủng hộ, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
UBND tỉnh Thái Nguyên cũng lưu ý: Bảo đảm an toàn, bí mật về danh tính của người cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh vi phạm về trật tự, an toàn giao thông; kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc, tích cực trong tham gia hoạt động phong trào; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi lợi dụng phong trào để cung cấp thông tin sai sự thật, chống phá, tiêu cực.
Các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông có thể thu thập, cung cấp thông tin đảm bảo chính xác, khách quan, có cơ sở, tập trung vào các hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông, là tác nhân gây hư hại hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường được dư luận xã hội quan tâm, trọng tâm là các lỗi vi phạm: Xe ôtô khách chở quá số người quy định; đón, trả khách không đúng nơi quy định; xe ôtô chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, chở vật liệu để rơi vãi; xe đi vào đường cấm, đi ngược chiều; vượt đèn đỏ; dừng, đỗ không đúng nơi định; điều khiển xe lạng lách, đánh võng gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Tình trạng mất nắp cống, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông được phản ánh nhiều nhưng chậm, được xử lý buộc người dân phải cảnh báo bằng vật liệu sẵn có, gây mất mỹ quan. |
Trên cơ sở nhận diện các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, người dân chủ động, tích cực cung cấp các thông tin, tài liệu phản ánh về các hành vi vi phạm bằng các hình thức khác nhau.
Ghi nhận đầy đủ thông tin về: Nội dung hành vi vi phạm; video clip, hình ảnh của hành vi vi phạm (được ghi nhận bằng camera, máy ảnh, điện thoại thông minh, camera hành trình của tổ chức, cá nhân...); thời gian phát hiện (ngày, giờ phát hiện vi phạm); tuyến đường xảy ra vi phạm (tên đường, vị trí nút giao, số km theo mốc lộ giới, số nhà…; biển kiểm soát, đặc điểm của phương tiện (chủng loại xe, màu sơn...); chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện (nếu xác định được) và các thông tin khác có liên quan đến vi phạm cụ thể.
Sau khi ghi nhận đầy đủ các thông tin về hành vi vi phạm, người dân liên hệ, phản ánh trực tiếp với Công an tỉnh để tiếp nhận, xử lý tin; đồng thời, cung cấp thông tin về tên tuổi, số căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của người cung cấp (để đảm bảo tính chính danh; Công an tỉnh có trách nhiệm bảo đảm bí mật đối với danh tinh của người cung cấp tin) để phục vụ công tác thông tin, phản hồi (nếu cần thiết).
Thái Nguyên Nhân
Theo