Thứ ba 14/01/2025 17:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Thái Nguyên: Góc nhìn từ chỉ số tăng trưởng kinh tế

19:25 | 31/07/2021

(Xây dựng) - Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên (GRDP) 6 tháng đầu năm đạt 6,5% - đây là con số ấn tượng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc là chỉ tiêu tổng hợp đo “sức khỏe” của nền kinh tế. Nhìn từ con số ấy, kinh tế Thái Nguyên đang ở vị trí nào trên bản đồ tăng trưởng khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và cả nước? Nhiệm vụ và giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng 7% của năm 2021?

thai nguyen goc nhin tu chi so tang truong kinh te
Một góc trung tâm tỉnh Thái Nguyên hôm nay.

Năm 2021, tỉnh Thái Nguyên và cả nước bước sang một giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 mới, khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với năm 2020, do xuất hiện dịch với biến thể mới từ Anh và Ấn Độ với tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn nhiều lần. Hầu hết ở các tỉnh xung quanh Thái Nguyên như: Bắc Giang, Hà Nội, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc đều xuất hiện những ca nhiễm bệnh. Cá biệt như tỉnh Bắc Giang, dịch Covid-19 lây lan rộng trong cộng đồng và trong khu công nghiệp đã và đang gây những thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, mặc dù tỉnh Thái Nguyên đã chủ động các biện pháp ngăn chặn, phòng chống dịch, nhưng cũng không thể tránh khỏi. Song với sự bình tĩnh, chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong tất cả các khâu từ công tác chỉ đạo, đến công tác giải quyết và khắc phục hậu quả, Thái Nguyên đã khoanh vùng dập dịch nhanh chóng không để dịch Covid-19 lây lan rộng ra cộng đồng.

Thắng lợi trên mặt trận phòng, chống dịch là cơ sở để các chuỗi sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không bị đứt gãy, gián đoạn, duy trì sản xuất ổn định, thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi có nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước có mức tăng trưởng kinh tế ở mức thấp thì Thái Nguyên tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, đạt 6,5%, cao hơn mức tăng trưởng 2,67% của cùng kỳ năm 2020 và cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung cả nước 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021. Với giá trị tăng trưởng đạt được, tỉnh Thái Nguyên được xếp thứ 25 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. So với 14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 6.

Điều đáng nói, quy mô nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên so với các tỉnh trong vùng thuộc top cao. Tính theo giá hiện hành, quy mô nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đạt khoảng 120.000 tỷ đồng; tính theo giá so sánh quy mô nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đạt 80.000 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa 1% tăng trưởng GRDP của tỉnh Thái Nguyên đạt khoảng 800 tỷ đồng.

Như vậy, với tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên trong 6 tháng đầu năm 2021 giá trị tăng trưởng tuyệt đối của nền kinh tế đạt được khoảng 5.200 tỷ đồng. Đây là con số ấn tượng và có nhiều ý nghĩa, thể hiện “sức khỏe” của nền kinh tế, tăng thêm sự tự tin trong điều kiện phải chống chọi với những khó khăn, thách thức trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện nay. Có được những kết quả trên là do tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư công trong tháng 6/2021 đạt tỷ lệ khá cao, khoảng 60%, là yếu tố đóng góp đáng kể vào kết quả tăng trưởng GRDP toàn tỉnh. Công tác chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thái Nguyên luôn thống nhất, sâu sát, sáng tạo, quyết liệt. Những quyết sách đều xuất phát từ lợi ích chung của tỉnh, của nhân dân và của cộng đồng doanh nghiệp nên được người dân, doanh nghiệp ghi nhận, đồng thuận và sẵn sàng chia sẻ, ủng hộ.

Để Thái Nguyên đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP 7% năm 2021 đã đặt ra, theo tính toán tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm phải đạt 7,44%. Theo ông La Hồng Ninh - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên: Muốn vậy, tăng trưởng khu vực nông nghiệp phải đạt mức tăng trưởng 4%, khu vực dịch vụ phải đóng góp 6,5%, khu vực công nghiệp, xây dựng phải đóng góp tăng trưởng 8,53%.

Từ nhận định trên cho thấy, trong công tác chỉ đạo, điều hành tỉnh cần toàn diện, nhưng nên tập trung vào các giải pháp trọng tâm là phát triển công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo mà tỉnh đang có lợi thế, đồng thời phải tăng cường công tác thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng thông qua năng lực sản xuất sản phẩm mới, bên cạnh đó phải tập trung nâng cao năng lực đầu tư toàn xã hội. Ngoài những giải pháp nêu trên, các cấp, ngành của tỉnh cần xác định chung sống an toàn với dịch, nghĩa là phải thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Trong công tác phòng, chống dịch phải chủ động, quyết liệt, không lơ là, chủ quan nhưng không hoảng loạn, cực đoan. Đó là bài học đã được rút ra trong thực tiễn thực hiện mục tiêu kép trong 6 tháng đầu năm 2021. Đi kèm với đó phải sớm triển khai tiêm phòng diện rộng để tiến tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

thai nguyen goc nhin tu chi so tang truong kinh te
Dây chuyền gia công cơ khí của Công ty Cổ phần Phụ tùng máy số 1, thành phố Sông Công, Thái Nguyên.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, có giải pháp cho từng ngành nghề, lĩnh vực, cho từng đối tượng bảo đảm phù hợp và sớm phát huy hiệu quả. Điều đó có nghĩa, mỗi nhóm đối tượng đòi hỏi phải có giải pháp riêng, chính sách riêng sát thực tiễn và có tính khả thi. Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư tạo nguồn lực cho nền kinh tế phát triển, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án đầu tư, những dự án đang đầu tư sớm hoàn thành đi vào hoạt động và tăng năng lực sản xuất mới.

Với việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, mà nổi bật là công tác chỉ đạo điều hành quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị, sự đồng hành hỗ trợ của doanh nghiệp, doanh nhân và đồng thuận từ quần chúng nhân dân. Tin tưởng rằng, Thái Nguyên sẽ có một “bức tranh tươi sáng” của nền kinh tế và đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm 2021 theo kế hoạch đề ra.

Yên Bình - Đình Lộc

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load