(Xây dựng) - Gần một tháng nay, tỉnh Thái Nguyên đã không để phát sinh các ca nhiễm mới trong cộng đồng. Có được kết quả đó chính là nhờ có sự chủ động vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các địa phương có vị trí giáp ranh với các vùng có dịch. Tỉnh Thái Nguyên cũng đặt ra mục tiêu là “vùng xanh” an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.
Chốt tự quản xóm An Ninh, xã Dương Thành, huyện Phú Bình được nhân dân dùng các cây sắt đổ cố định xuống đường bê tông nên các phương tiện giao thông ngoài tỉnh không thể vào được địa bàn qua con đường này mà phải đi qua đường chính để tiện cho việc kiểm soát của địa phương. |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hào - Chủ tịch UBND xã Kha Sơn cho biết: Địa phương nằm trên trục Quốc lộ 37 nối Thái Nguyên với các tỉnh Bắc Giang, Hà Nội, lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông và người qua lại hàng ngày rất lớn chưa kể trục Tỉnh lộ 261 nối Thái Nguyên với huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang và rất nhiều điểm đưa đón công nhân giữa Bắc Giang và Thái Nguyên. Chính vì vậy, để đảm bảo kiểm soát tốt công tác phòng chống dịch, xã đã luôn chủ động triển khai nhiều biện pháp, trong đó đặc biệt tập trung vào các vị trí đường mòn, lối mở thuộc 7 xóm giáp ranh với 3 xã của huyện Hiệp Hòa của tỉnh Bắc Giang với tổng chiều dài khoảng 5km.
Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch vùng giáp ranh, ngoài 2 chốt kiểm soát của tỉnh và huyện, xã cũng thành lập thêm 7 chốt tự quản, kiểm soát chặt chẽ việc giao thương tại các đường mòn lối mở giữa 2 tỉnh, qua đó đã kiểm soát tốt và xử lý hàng chục đối tượng cố tình vi phạm theo quy định. Điển hình như vào đêm ngày 9/9, tại chốt tự quản thuộc xóm Đầu Cầu, một đối tượng nữ sinh năm 2002 đã lợi dụng đêm tối, không có điện, bơi dọc theo lòng sông giữa cánh đồng, vượt qua chốt tự quản để thâm nhập vào địa bàn xã. Tuy nhiên, lực lượng trực chốt đã phát hiện kịp thời tổ chức vây bắt đối tượng, bàn giao cho cho lực lượng công an xã kiểm tra, xử lý theo quy định.
Nhờ có tổ tự quản xóm Đầu Cầu, đã phát hiện đối tượng trốn kiểm soát dịch bệnh, lợi dụng đêm tối từ Bắc Giang bơi theo lòng sông vào địa bàn tại khu vực Kha Sơn, Phú Bình, Thái Nguyên. |
Cũng tương tự tại xóm Trại Điện, lợi dụng con đường đất giáp ranh rất khó đi, rất nhiều đối tượng muốn vào huyện đã đi qua con đường mòn này, tuy nhiên nhờ có tổ tự quản trực 24/24 nên các đối tượng qua đây đều bị yêu cầu quay đầu, tại đây cũng có khoảng 100 trường hợp công nhân, người dân trong xóm, đi làm ăn muốn qua chốt đều phải đăng ký, khai báo tên, địa điểm công ty, cung cấp số điện thoại cho tổ tự quản để tổ tiện theo dõi quản lý khi có tình huống xảy ra.
Cách xã Kha Sơn không xa, xã Dương Thành, Phú Bình nơi xuất hiện ca Covid đầu tiên của tỉnh cũng là địa bàn có tới 7 xã giáp ranh với tỉnh Bắc Giang có nhiều đường mòn lối mở, người dân thường xuyên qua lại. Vì vậy, các lực lượng chức năng ngoài việc trực chốt 24/24, thường xuyên tuần tra, kiểm soát các đường mòn, nhằm ngăn chặn kịp thời người dân né tránh chốt kiểm soát để ra vào địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND xã cho biết: Rút kinh nghiệm từ việc trên địa bàn xảy ra ca nhiễm Covid đầu tiên của tỉnh, hiện nay, từ các cấp chính quyền đến người dân địa phương đều không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn nêu cao ý thức trong công tác phòng chống dịch, các đường mòn lối mở được các tổ tự quản nhân dân kiểm soát chặt chẽ ngày đêm, thậm chí còn phải xây dựng các rào chắn kiên cố tại các vị trí giáp ranh để ngăn chặn các phương tiện giao thông cố tình không chấp hành khi vào địa phương. Nếu những trường hợp thật sự cần thiết muốn qua địa bàn xã, sẽ đi qua ở chốt kiểm soát chính tại Quốc lộ 37 để thực hiện các bước kiểm tra an toàn phòng, chống dịch.
Không chỉ kiểm soát tại các trục đường bê tông liên xã, tại các vị trí đường mòn qua các cánh rừng, tổ tự quản cũng thay nhau túc trực 24/24 kiểm soát chặt chẽ người ra vào địa bàn, thông qua công tác kiểm soát cũng đã khống chế được 10 đối tượng không chấp hành, giao cơ quan chức năng xử phạt hành chính mỗi đối tượng 2 triệu đồng và cho đi cách ly theo quy định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Thư - Tổ trưởng tổ tự quản chốt An Thành, Dương Thành chia sẻ: Đã hơn 4 tháng “bám” chốt, gặp không ít khó khăn, cũng không biết đến bao giờ mới hết dịch, nhưng tổ sẽ cố gắng duy trì trực chốt 24/24 để giữ vững tuyến đầu, tạo “lá chắn” chống dịch vững chắc cho địa phương. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị trong nguồn kinh phí hỗ trợ chống dịch của tỉnh đã được HĐND tỉnh thông qua nên dành một phần hỗ cho các tổ tự quản vùng giáp ranh vì hiện nay hầu hết thành viên các tổ tự quản là người dân, không có lương, xã chỉ hỗ trợ được rất ít nên hoạt động cũng rất khó khăn, rất mong được tỉnh hỗ trợ thêm để các tổ bám trụ lâu dài cùng địa phương chống dịch cho hiệu quả.
Tổ tự quản xóm An Thành, Dương Thành lập chốt ngay tại đường mòn lối mở từ tỉnh Bắc Giang vào địa phương. |
Song song với việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tại vùng giáp ranh, các tổ tự quản cộng đồng trên địa bàn còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hai bên vùng giáp ranh hạn chế qua lại tiếp xúc. Các tổ tự quản cộng đồng còn theo dõi, rà soát chặt chẽ người đi, về từ các vùng có dịch và yêu cầu thực hiện khai báo y tế; vận động 100% hộ gia đình, kinh doanh, công nhân sinh sống trên địa bàn ký cam kết chấp hành đúng quy định phòng, chống dịch và lưu lại số điện thoại để tổ tự quản tiện quản lý, theo dõi.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, không những các xã thuộc các khu vực giáp ranh ở huyện Phú Bình mà ở hầu hết các đơn vị giáp ranh với địa phương ngoài tỉnh, đặc biệt là các địa phương như thị xã Phổ Yên, huyện Đại Từ giáp ranh với các vùng dịch như Hà Nội, Vĩnh Phúc, công tác kiểm soát người ra vào càng được chính quyền quan tâm, tổ chức thực hiện kiểm soát chặt chẽ qua đó đã giúp tỉnh Thái Nguyên làm tốt công tác phòng chống dịch.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh tình hình dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành phố đang diễn biến hết sức phức tạp; tỉnh Thái Nguyên cần chủ động các phương án phòng, chống dịch, đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra.
Yêu cầu các Sở, ban, ngành, huyện, thành phố, thị xã cần tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; sẵn sàng phương án đảm bảo “4 tại chỗ"; xây dựng kế hoạch chuẩn bị nhân lực, vật lực; đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế; đẩy mạnh tuyên truyền về tinh thần quyết tâm phòng, chống dịch đến từng địa phương bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Quyết tâm giữ vững Thái Nguyên là “vùng xanh” an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.
Tại các chốt chính ra vào tỉnh, lực lượng chức năng chủ động kiểm soát chặt chẽ, người và các phương tiện ra vào tỉnh theo đúng quy định phòng chống dịch. |
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, đặc biệt là ý thức, tinh thần của người dân tại các vùng giáp ranh không ngừng được nâng cao đã giúp tỉnh Thái Nguyên kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các nguồn lây bệnh từ bên ngoài vào tỉnh. Tuy nhiên, diễn biến của cuộc chiến chống dịch Covid-19 chưa có hồi kết, ngoài các tổ, chốt liên ngành của tỉnh đã được hỗ trợ theo quy định của tỉnh, tỉnh Thái Nguyên cũng cần quan tâm hỗ trợ các tổ tự quản trong cộng đồng, nhất là các tổ tự quản tại các địa phương có vùng giáp ranh với các tỉnh bạn, các tỉnh có dịch diễn biến phức tạp như Bắc Giang, Hà Nội để các tổ tự quản yên tâm, gắn bó với việc giữ “vùng xanh” an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 cho tỉnh.
Việt Hoan
Theo