Thứ bảy 27/04/2024 07:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thái Nguyên: Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

11:37 | 23/11/2022

(Xây dựng) – Những năm gần đây, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mang lại những hiệu quả thiết thực, không những giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn làm thay đổi toàn bộ diện mạo nhiều vùng nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.

Thái Nguyên: Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới
Huyện Phú Bình đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022.

Năm 2022, Thái Nguyên đặt mục tiêu có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu và huyện Phú Bình đạt chuẩn nông thôn mới. Bằng sự nỗ lực, quyết tâm và quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là thông qua các cơ chế, chính sách cụ thể như: Cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, cơ chế hỗ trợ xi măng, chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực OCOP... Các cơ chế, chính sách đã tạo thêm động lực để huy động sự tham gia đóng góp của người dân và doanh nghiệp thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thái Nguyên đã huy động được 6.600 tỷ đồng để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 3.500km đường giao thông nông thôn, 366km kênh mương, 101 công trình đập kè, trạm bơm. Có 345 trạm biến áp, hơn 245km đường điện, 1.266 phòng học, 108 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 1.127 nhà văn hóa xóm... được đầu tư nâng cấp, xây mới.

Đến nay, Thái Nguyên có 109/137 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 79,56% (trong khi vùng miền núi phía Bắc mới đạt 44%, cả nước 71,2%); có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 63 xóm được UBND cấp huyện công nhận đạt nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 17,9 tiêu chí/xã. Thái Nguyên cũng có 3/9 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Thái Nguyên: Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới
Người dân huyện Phú Lương tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cũng như thông qua phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”. Với quan điểm “Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, trên cơ sở những kết quả đạt được của 10 năm triển khai thực hiện, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ cần quan tâm đặc biệt, với mục tiêu đến hết năm 2025, tỉnh Thái Nguyên có 95% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 6 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đó, tại Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã đề xuất thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 để xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ và các giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Đề án được triển khai thực hiện trên phạm vi địa bàn nông thôn của tỉnh, bao gồm: Các xóm (thôn, bản), các xã, các huyện, các thành phố của tỉnh trong giai đoạn 5 năm, từ 2021 đến hết 2025. Với mục tiêu có thêm 29 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế đến hết năm 2025 có 131 xã trở lên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (95%), trong đó có 40% số xã đạt nông thôn mới nâng cao (52 xã), trên 10% số xã (15 xã) đạt nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế đến hết năm 2025 có 6 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân tiêu chí toàn tỉnh theo Bộ tiêu chí về xã xây dựng nông thôn mới đạt 18,6 tiêu chí/xã; nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập bình quân của người dân nông thôn.

Riêng phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”, được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng nông thôn mới thông minh, bảo đảm môi trường cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.

Thái Nguyên: Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới
Một góc xóm nông thôn mới kiểu mẫu tại thành phố Sông Công.

Để hoàn thành các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới đã đề ra, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ, khoa học, những bài học kinh nghiệm đã được đúc rút, tỉnh Thái Nguyên dự kiến huy động tổng nguồn vốn trên 55.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới hơn 10.000 tỷ đồng gồm: Ngân sách Trung ương 2.804 tỷ đồng, ngân sách địa phương 2.260 tỷ đồng, vốn lồng ghép 1.527 tỷ đồng, vốn huy động từ người dân, doanh nghiệp 3.507 tỷ đồng và vốn tín dụng người dân vay phát triển sản xuất 45.000 tỷ đồng.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng lòng, chung sức và quyết tâm cao của người dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới của Thái Nguyên đã làm hệ thống hạ tầng, cảnh quan, môi trường nông thôn ngày càng thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được tăng lên, tỷ lệ hài lòng của người dân về công tác xây dựng nông thôn mới đạt trên 95%. Đây chính là những bước đi vững chắc, tạo đà quan trọng cho việc tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2022, cũng như những năm tiếp theo mà tỉnh Thái Nguyên đã đề ra, đưa Thái Nguyên trở thành một trong những điểm sáng của cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Việt Hoan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load