Thứ hai 06/05/2024 04:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thái Nguyên: Đẩy mạnh phát triển hạ tầng tại các địa phương khu vực phía Nam

16:23 | 03/11/2022

(Xây dựng) - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 5 định hướng chiến lược là điều kiện và tiền đề để Thái Nguyên có thêm động lực phát triển nhanh, bền vững. Trong đó định hướng phát triển hạ tầng các địa phương khu vực phía Nam, việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng không những hiện thực hóa nghị quyết mà còn góp phần tạo ra cơ hội phát triển nhảy vọt cho tỉnh Thái Nguyên.

thai nguyen day manh phat trien ha tang tai cac dia phuong khu vuc phia nam
Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên kiểm tra tiến độ Dự án Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Bình.

Khu vực phía Nam của tỉnh Thái Nguyên gồm: Huyện Phú Bình, thành phố Phổ Yên và thành phố Sông Công. Đây là những địa phương còn nhiều dư địa để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển công nghiệp, xây dựng, đô thị và thương mại. Nghị quyết chỉ rõ, các địa phương phía Nam của tỉnh cần tập trung đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết phát triển với vùng Thủ đô Hà Nội.

Có thể nói đây là một chủ trương, định hướng đúng đắn có ý nghĩa chiến lược, là kim chỉ nam cho hoạt động định hướng đầu tư phát triển của Thái Nguyên nói chung và các địa phương khu vực phía Nam của tỉnh nói riêng. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, định hướng chiến lược về phát triển hạ tầng đã đi vào cuộc sống và hiện thực hóa ở hàng trăm các công trình kết cấu hạ tầng về giao thông, công nghiệp, đô thị... với số vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng trên địa bàn thành phố Phổ Yên, thành phố Sông Công và huyện Phú Bình.

Về dự án giao thông, ít nhất có 3 dự án hoàn thành và cơ bản hoàn thành gồm: Dự án đường ĐT.266 kết nối huyện Phú Bình với thành phố Phổ Yên có tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng, chiều dài dọc tuyến 5km; Dự án đường ĐT.261 có tổng chiều dài khoảng 50km, kết nối huyện Đại Từ, thành phố Phổ Yên và huyện Phú Bình, tổng mức đầu tư gần 220 tỷ đồng; Dự án đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội tuyến qua địa phận thành phố Phổ Yên, huyện Phú Bình của tỉnh Thái Nguyên, có tổng chiều dài toàn tuyến trên 9km, tổng mức đầu tư trên 900 tỷ đồng. Ngoài ra, còn một số dự án có quy mô lớn đã được khởi công xây dựng gồm: Dự án đường liên kết vùng kết nối các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang thông qua 5 tuyến đường cao tốc; kết nối trực tiếp cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc và Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa, dự án có tổng chiều dài trên 42km, tổng mức đầu tư trên 3.700 tỷ đồng, được khởi công ngày 12/5/2021, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2025.

thai nguyen day manh phat trien ha tang tai cac dia phuong khu vuc phia nam
Dự án đường ĐT.266 kết nối huyện Phú Bình với thành phố Phổ Yên được đầu tư trên 200 tỷ đồng.

Ngoài các dự án giao thông trọng điểm nêu trên, tại các địa phương khu vực phía Nam của tỉnh, hàng chục dự án giao thông nội thành, nội thị đang được thi công và dự kiến sớm được khởi công tiếp tục khai mở những tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương để phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch.

Về xây dựng khu, cụm công nghiệp đã có những dự án được UBND tỉnh quyết định đầu tư như: Dự án Khu công nghiệp Yên Bình giai đoạn 2, quy mô 50,96ha; Dự án Cụm công nghiệp Tân Phú 1, Tân Phú 2 tại thành phố Phổ Yên và Cụm công nghiệp Lương Sơn, thành phố Sông Công có tổng diện tích 160ha, tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng; Cụm công nghiệp Hạnh Phúc - Xuân Phương, huyện Phú Bình quy mô 74,8ha, tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng. Hoàn thiện thủ tục quy hoạch, đầu tư Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Bình tổng diện tích lập quy hoạch 900ha, gồm: Diện tích công nghiệp 675ha, diện tích khu đô thị - dịch vụ 225ha. Dự án hoàn thiện hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công 2 giai đoạn 1 quy mô 250ha, đang quy hoạch mở rộng và hoàn tất thủ tục đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công 2 giai đoạn 2 quy mô 300 ha. Đáng chú ý, Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình quy mô trên 200 ha tại thành phố Phổ Yên được Thủ tướng bổ sung quy hoạch. Hiện nay, dự án đã có nhà đầu tư đăng ký triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng. Đây là dự án hứa hẹn sẽ thu hút được những nhà đầu tư đến triển khai các dự án đầu tư công nghệ trong và ngoài nước tạo ra chuỗi giá trị. Các dự án khu, cụm công nghiệp được bổ sung đã góp phần làm tăng thêm niềm tin cho các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước về môi trường đầu tư uy tín, hấp dẫn của tỉnh Thái Nguyên, góp phần thu hút đầu tư, tạo động lực cho tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương phía Nam và tỉnh Thái Nguyên.

thai nguyen day manh phat trien ha tang tai cac dia phuong khu vuc phia nam
Nhiều dự án của thành phố Phổ Yên đang được đẩy nhanh tiến độ.

Về dự án hạ tầng dân cư, đô thị, trong hơn một năm qua, 3 địa phương phía Nam của tỉnh đã quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, thu hút đầu tư hàng chục dự án ngoài ngân sách phát triển các dự án hạ tầng dân cư, đô thị. Vì thế diện mạo đô thị mới đã và đang được hình thành ở mỗi địa phương. Riêng Phổ Yên việc phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đã góp phần nâng tầm đô thị, giúp thị xã Phổ Yên sớm hoàn thiện mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh ngay trong năm 2022, về trước kế hoạch so với Nghị quyết 3 năm (Nghị quyết số 469 NQ-UBTVQH15 ngày 15/2/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công nhận Phổ Yên là thành phố trực thuộc tỉnh từ ngày 10/4/2022).

Điều đáng nói, trong số đó có nhiều công trình, dự án thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách, nhiều công trình có sự đóng góp, tạo điều kiện giúp sức của nhân dân. Cho thấy, môi trường đầu tư tại các địa phương phía Nam không ngừng tốt lên, ý Đảng thuận lòng dân. Nhiều công trình, dự án hạ tầng đã hoàn thành về sớm trước kế hoạch đã và đang phát huy hiệu quả góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các huyện phía Nam của tỉnh đạt tốc độ phát triển nhanh, tiến dần đến mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra, có nhiều chỉ tiêu vượt cao so với kế hoạch đề ra.

Có thể thấy, định hướng phát triển hạ tầng các địa phương khu vực phía Nam của Thái Nguyên đã được cụ thể hóa theo diện rộng, chiều sâu, đồng bộ và có tổng mức đầu tư lớn; nguồn lực huy động có sự đóng góp quan trọng của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Đây là điều kiện và tiền đề để các địa phương phía Nam của tỉnh tiếp tục khai mở những tiềm năng, thế mạnh, tạo ra động lực và cú hích cho tăng trưởng và phát triển trở thành đầu mối liên kết, kết nối giữa tỉnh Thái Nguyên với Thủ đô Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc; liên kết vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Trung du và miền núi phía Bắc theo mục tiêu định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã đề ra.

Việt Hoan - Tân Xuân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load