(Xây dựng) – Chương trình “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục được tỉnh triển khai trên cơ sở Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 -2025.
Nhờ phong trào xây dựng nông mới, hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn Thái Nguyên ngày càng được đầu tư, xây dựng khang trang. |
Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 109/137 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 79,6%, bình quân đạt 17,87 tiêu chí/ xã, không còn xã dưới 10 tiêu chí. Toàn tỉnh có 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới chiếm 33,33%, trong đó huyện Phú Bình có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, toàn tỉnh Thái Nguyên có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 63 xóm được UBND cấp huyện công nhận đạt xóm nông thôn mới kiểu mẫu.
Đặc biệt, các thành phố Thái Nguyên, thành phố Phổ Yên và thành phố Sông Công đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Phú Bình có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống hạ tầng, cảnh quan, môi trường nông thôn ngày càng thay đổi rõ nét; không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hài lòng của người dân về công tác xây dựng nông thôn mới đạt trên 95%.
Toàn tỉnh Thái Nguyên có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 63 xóm được UBND cấp huyện công nhận đạt xóm nông thôn mới kiểu mẫu. |
Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trở lên; phấn đấu có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Riêng các huyện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên yêu cầu rà soát các nội dung cần hoàn thành để đạt được các tiêu chí huyện nông thôn mới; xây dựng kế hoạch, đề án huyện đạt chuẩn nông thôn mới, phân rõ thời gian, lộ trình để hoàn thành tiêu chí, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thiết yếu như: Giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế, văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại…
Thông qua phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” Thái Nguyên đặt ra mục tiêu: Đến hết năm 2025 có trên 97% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trên 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế đến hết năm 2025 tỉnh có 7 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trong đó có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân tiêu chí toàn tỉnh theo Bộ tiêu chí về xã xây dựng nông thôn mới đạt 18,6 tiêu chí/xã; nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng 1,5 lần so với năm 2020; Hoàn thành các tiêu chí của Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2019-2025.
Phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng nông thôn mới thông minh, đảm bảo môi trường cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.
Việt Hoan
Theo