(Xây dựng) - Trong ngày 5/4, ông Trịnh Việt Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký ban hành 2 Chỉ thị quan trọng về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường tại địa phương.
Dự kiến trong thời gian 7 ngày, Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ làm rõ về hàng nghìn tấn bụi lò sau luyện thép chất lộ thiên của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên. |
Thời gian qua, tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Thái Nguyên đã và đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí, điển hình là gia tăng ô nhiễm bụi trong không khí cả về quy mô và mức độ ở khu vực đô thị và xung quanh khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, khu khai thác khoáng sản, công trường thi công xây dựng…
Ngoài ra, nguồn phát tán bụi, khí thải từ quá trình hoạt động của các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là các xe chuyên chở vật liệu xây dựng, khoáng sản có tải trọng lớn; hoạt động xây dựng tại các công trình, khu đô thị, khu công nghiệp, cải tạo, sửa chữa đường giao thông; từ cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở luyện kim, nhiệt điện, sản xuất xi măng, cơ sở có lò hơi sử dụng nhiên liệu hóa thạch và sinh khối phát sinh bụi, khí thải nhưng không được xử lý đạt quy chuẩn.
Nhằm tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thực hiện Chỉ thị số 3/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Trước đó, cùng ngày Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên: Thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng nhanh trên địa bàn tỉnh, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu vật chất và sử dụng tài nguyên ngày càng lớn kéo theo sự gia tăng về khối lượng chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng.
Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực nên một số địa phương trong tỉnh chưa thực sự quan tâm đúng mức cho công tác quản lý rác thải trên địa bàn; hạ tầng thu gom, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển và xử lý rác thải chưa đáp ứng với tình hình thực tế; việc phân loại rác thải tại nguồn mới chỉ dừng lại ở mức thí điểm, chưa đem lại kết quả thiết thực; rác thải vẫn chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp hoặc bằng các lò đốt cỡ nhỏ không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về quản lý chất thải trong thời gian qua tại Thái Nguyên có sự giao thoa, chồng chéo, chưa phù hợp với nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên: Các vấn đề nêu trên đã và đang làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý chất thải rắn, đặc biệt là công tác quản lý rác thải trên địa bàn.
Đánh giá của các chuyên gia trong ngành cho hay: Việc UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành các chỉ thị về giải quyết vấn đề môi trường lúc này là cần thiết; đặc biệt là trước các “sự cố” môi trường liên tiếp xảy ra gần đây như chuyện “núi thải nguy hại” của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, xi măng Quang Sơn, mỏ than Phấn Mễ hay mỏ than Minh Tiến…
Liên quan đến vụ “núi thải nguy hại” của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, sau phản ánh của báo chí ngày 23/3, Đoàn kiểm tra do Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) đã vào cuộc kiểm tra. Dự kiến: Trong thời gian 7 ngày, đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên sẽ làm rõ về hàng nghìn tấn bụi lò sau luyện thép chất lộ thiên của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Tuy vậy, đến nay kết quả của công tác kiểm tra vẫn chưa được công bố và vụ việc đang “chìm” vào sự im lặng…
Thái Nguyên Nhân
Theo