(Xây dựng) – Liên tiếp trong 2 ngày 14, 15/7, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đã ban hành 2 công điện khẩn yêu cầu các Sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó bão số 1 đang tiến vào biển Đông.
Tỉnh Thái Bình đã sẵn sàng phương án di dời số lao động nuôi trồng thủy sản vào nơi an toàn (ảnh minh họa). |
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thái Bình yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các ngành, các địa phương khẩn trương kêu gọi tàu, thuyền ở khu vực nguy hiểm về nơi tránh, trú an toàn; thông báo cho chủ và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để tìm nơi tránh, trú, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; tổ chức theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền và giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Tăng cường công tác kiểm tra công trình đê điều, đặc biệt là các công trình trọng điểm đê, kè, cống xung yếu nếu phát hiện thấy công trình không bảo đảm an toàn phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay.
Các đơn vị quản lý hệ thống thủy nông cử cán bộ thường trực 24/24h theo dõi mực nước, chủ động tiêu nước đệm trong hệ thống qua các cống dưới đê; kiểm tra hoạt động các trạm bơm để sẵn sàng kích hoạt tiêu nước cho lúa mới cấy, hoa màu và các khu vực trũng, thấp.
UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo đôn đốc, thực hiện việc cắt tỉa cành cây, chằng chống các lồng, bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản ở ven sông, ven biển...; sẵn sàng phương án di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thuỷ, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm, các vùng bãi thấp ven sông, cửa sông, số ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển vào nơi an toàn. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, tỉnh có tổng số 1.008 phương tiện với 2.894 lao động đang làm ăn trên biển, trong đó có 14 phương tiện với 104 lao động đang hoạt động ngoài tỉnh; 52 phương tiện với 235 lao động hoạt động ven biển Thái Bình; 915 phương tiện với 2.444 lao động đã vào neo đậu tại các bến trong tỉnh; 27 phương tiện với 111 lao động đã vào neo đậu tại các bến ngoài tỉnh. Tất cả số phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm. Tỉnh Thái Bình cũng có 1.159 chòi ngao với 1.193 lao động trông coi trên các bãi ngao; 1.150 đầm với 1.600 lao động nuôi trồng thủy, hải sản ven sông, ven biển tập trung ở các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà. Ngoài ra còn có 692 lồng, bè trên sông, tập trung nhiều nhất ở các huyện Hưng Hà (287 lồng), Quỳnh Phụ (220 lồng).
Tính đến ngày 16/7 trên địa bàn toàn tỉnh, diện tích lúa mùa đã gieo cấy là 68.302ha đạt 90% kế hoạch đề ra; cây rau màu vụ hè đã thu hoạch đạt 8.570ha chiếm 79% diện tích cây rau màu vụ hè đã trồng.
Văn Đạt
Theo