(Xây dựng) - Tỉnh Thái Bình được biết đến là địa phương với thế mạnh về nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn chiếm phần lớn trong cơ cấu của tỉnh. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng trên toàn tỉnh đã tạo ra những thách thức trong công tác phát triển hạ tầng đô thị. Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi trao đổi với ông Phạm Việt Anh, Giám đốc Sở Xây dựng Thái Bình xung quanh vấn đề trên.
Ông Phạm Việt Anh, Giám đốc Sở Xây dựng Thái Bình. |
PV: Tỉnh Thái Bình hiện đang đối mặt với những thách thức nào trong việc phát triển hạ tầng đô thị, thưa ông?
Ông Phạm Việt Anh: Trong những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2018, sau khi Khu kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình đã có sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ với sự phát triển vượt bậc của các ngành lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; kéo theo là sự gia tăng dân số tại các đô thị, sự thay đổi về thói quen, tập quán của người dân, đặc biệt là các khu vực đô thị.
Quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng trên địa bàn toàn tỉnh Thái Bình đã tạo ra những thách thức trong công tác phát triển hạ tầng đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu, bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người dân đô thị. Một số những khó khăn thách thức nổi bật mà tỉnh Thái Bình phải đối mặt đó là hạ tầng xã hội, đặc biệt là các không gian xanh, không gian công cộng tại các đô thị còn hạn chế; chất lượng và hệ thống giao thông đô thị còn yếu kém; việc xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn là một vấn đề nổi cộm như các đô thị trên địa bàn tỉnh (trừ thành phố Thái Bình) chưa có hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung…
Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, sự thu hút đầu tư gia tăng tại các đô thị dẫn đến dự báo dân số tăng nhanh trong thời gian tới; trong khi đó, tài nguyên về đất đai để phát triển đô thị có hạn sẽ dẫn đến nhu cầu về sử dụng không gian ngầm đô thị để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật hoặc các không gian về thương mại dịch vụ; đây cũng là nhu cầu thiết yếu trong tương lai. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện nay chưa có quy hoạch không gian ngầm tại các khu vực đô thị; việc định hướng quy hoạch và xây dựng phát triển các không gian ngầm là một vấn đề cần được nghiên cứu trong thời gian tới...
PV: Những khó khăn, thách thức trong phát triển đô thị tỉnh Thái Bình đã được ông đề cập ở trên, vậy hạ tầng giao thông và các tiện ích công cộng hiện nay của tỉnh có đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị trong tương lai không, thưa ông?
Ông Phạm Việt Anh: Hiện nay, tỉnh Thái Bình đang trong quá trình chuyển mình phát triển mạnh mẽ với việc thu hút đầu tư lớn về công nghiệp và thương mại dịch vụ, đòi hỏi phải có hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phát triển đi đôi để đáp ứng nhu cầu trong tương lai.
Nhận thức được vấn đề, các cấp lãnh đạo tỉnh Thái Bình trong thời gian vừa qua đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tập trung giải quyết các nội dung liên quan đến định hướng phát triển, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông trên địa bàn toàn tỉnh.
Một số dự án giao thông quan trọng của tỉnh như: Đường bộ ven biển, tuyến đường cao tốc CT.08, tuyến đường từ Thái Bình đi Cồn Vành, đường từ thành phố Thái Bình đi Cầu Nghìn và một loạt các tuyến đường trục quan trọng khác trong Khu kinh tế Thái Bình được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh, thúc đẩy việc giao thông, giao thương của tỉnh với các địa phương khác. Do đó, việc triển khai các dự án trên được Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất chú trọng chỉ đạo thực hiện sát sao.
Tỉnh ủy Thái Bình cũng đã ban hành Kế hoạch số 93-KH/TU thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, trong đó, yêu cầu cụ thể về mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp giai đoạn đến năm 2030 của tỉnh Thái Bình để thực hiện việc đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị trên địa bàn tỉnh...
PV: Tỉnh Thái Bình có kế hoạch gì để cải tạo, nâng cấp các khu vực đô thị cũ, đồng thời phát triển các khu đô thị mới nhằm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thưa ông?
Ông Phạm Việt Anh: Trước tiên, việc cải tạo, nâng cấp đô thị phải căn cứ vào quy hoạch đô thị và quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị. Quy hoạch đô thị là định hướng cho các nội dung phát triển đô thị. Đến nay, 100% các đô thị trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt quy hoạch, đã và đang thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Trong các đồ án quy hoạch xác định việc phát triển đô thị tại các khu vực mới và trong các khu dân cư hiện có.
Trong năm vừa qua, tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các địa phương triển khai lập các Chương trình phát triển của các đô thị; trên cơ sở đó, xác định các dự án ưu tiên đầu tư và nguồn lực để thực hiện phát triển đô thị.
Cùng với đó, để xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Thái Bình theo hướng xanh, hiện đại, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững, việc nghiên cứu để triển khai quy hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng các khu đô thị sinh thái (khu đô thị xanh) là rất cần thiết.
Trước hết phải đi từ quy hoạch, kế hoạch thực hiện. Các quy hoạch đô thị phải đảm bảo về chất lượng, tầm nhìn và có cách tiếp cận theo hướng đô thị bền vững; quy hoạch không gian đảm bảo hài hòa giữa hiệu quả kinh tế và sinh thái, thân thiện môi trường. Các nội dung này đã được tích hợp trong đồ án quy hoạch chung đô thị đã và đang được tổ chức lập.
Tại Chỉ thị số 13/CT-UBND nhằm chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo và yêu cầu các cơ quan, ban ngành, địa phương phải nâng cao trách nhiệm trong thực hiện việc lập quy hoạch, thẩm định quy hoạch; áp dụng các chỉ tiêu, yêu cầu phù hợp với thực tiễn...
Đối với các khu đô thị hiện hữu, nghiên cứu giải pháp để chỉnh trang, nâng cấp hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; điều chỉnh quy hoạch, bổ sung các khu vực cây xanh, các công trình phục vụ công cộng; khuyến khích người dân xây dựng các công trình kiến trúc xanh, hòa hợp với thiên nhiên.
Đối với các khu đô thị mới cần nghiên cứu giải pháp để thực hiện đồng bộ việc đầu tư xây dựng với tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, áp dụng công nghệ sạch, sử dụng các vật liệu xây dựng sinh học, nguồn năng lượng thiên nhiên có thể tái tạo để giảm tiêu thụ năng lượng, tránh lãng phí và tái sinh phế thải; khuyến khích các nhà đầu tư triển khai xây dựng hoặc tài trợ đầu tư các công trình xanh như: Công viên chuyên đề, khu sinh thái, khu vui chơi giải trí ngoài trời…
Bên cạnh đó, việc xây dựng đô thị bền vững cần phải dựa trên hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số về đô thị hóa và phát triển đô thị theo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, an ninh, an sinh. Do đó, đề nghị các Bộ, ngành bổ sung các quy định, hướng dẫn về mô hình khu đô thị sinh thái trong đó, tăng cường tỷ lệ các loại đất như cây xanh, mặt nước, các công trình dịch vụ xã hội, các công trình tiện ích xanh…
Đồng thời, để lựa chọn để đầu tư xây dựng, trước hết thí điểm một vài khu đô thị sinh thái trên địa bàn tỉnh với yêu cầu phải đảm bảo đồng thời yếu tố về không gian sống sinh thái cùng với những tiện ích đầy đủ đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại…
Trên địa bàn tỉnh hiện đang triển khai thực hiện thí điểm một số khu đô thị xanh như: Khu đô thị Kiến Giang (quy mô khoảng 96ha), khu đô thị Vũ Phúc Riverside (quy mô khoảng 50ha) trên địa bàn thành phố Thái Bình; khu đô thị nghỉ dưỡng Cồn Vành (quy mô khoảng 250ha) thuộc đô thị mới Nam Phú, huyện Tiền Hải… Đây sẽ là tiền đề để lan tỏa, phát triển các đô thị xanh, bền vững trên địa bàn toàn tỉnh.
Đồng thời, khuyến khích, ưu tiên và có cơ chế chính sách hỗ trợ các địa phương hoặc các nhà đầu tư xây dựng khu đô thị sinh thái; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tham gia các hoạt động để phát triển đô thị xanh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, ý thức bảo vệ môi trường.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Kim Oanh
Theo