Thứ sáu 26/04/2024 13:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tết công trường xa xứ

09:00 | 26/01/2020

(Xây dựng) - Đầu tháng 02/2014, Việt Nam vẫn đang là ngày mùng 3 Tết Nguyên đán thì trên công trường Nhiệt điện Hồng Sa (Xayabury - Lào) nắng đổ như lửa, không khí lao động cũng “nóng” không kém! Trời cứ xanh ngăn ngắt trong khi khuôn mặt người lao động thì đỏ gay đỏ gắt. Ông Karl Werchselberger, quốc tịch Đức, chuyên gia lắp đặt của nhà thầu SANDVIK cười sảng khoái: “Chúc mừng năm mới! Lao động COMA Việt Nam nghiêm túc, kỷ luật cao, quả cảm và hy sinh vì công việc”.

tet cong truong xa xu

Ngặt nghèo cái Tết xa quê

May mắn tôi có mặt trong đoàn công tác với mục đích chúc Tết và động viên tinh thần những người ở lại bám trụ Hồng Sa Tết năm ấy. Cứ ngỡ sẽ là cuộc gặp đầy bồi hồi, ngậm ngùi nhưng Hồng Sa đón chúng tôi với vẻ bình lặng vốn có. Đào vẫn tươi mơn mởn, bừng sắc Xuân, quất vẫn rực vàng… nhưng không đủ sức gợi lên cái Tết tưng bừng trên mảnh đất xa lạ. Quệt giọt mồ hôi trên trán, anh Nguyễn Xuân Hòa, người phụ trách lắp đặt cơ khí của Công ty COMAEL trầm giọng tâm sự: “Đã nhiều cái Tết xa nhà nhưng chưa bao giờ Tết mong manh và hối hả như cái Tết của những người COMA trên đất bạn Lào năm nay. Tết ào qua chỉ thấy rõ nét nhất là phút giao thừa nghe giọng nói xúc động của người thân, tiếng bi bô của con trẻ…”. Còn bạn trẻ Đào Đăng Nhật vừa gặp mặt tôi đã giao hẹn trước: “Chị đừng phỏng vấn gì nhé, không là em khóc đấy! Con em chưa đầy tuổi mà Tết đầu tiên đã vắng bố rồi…”.

Trên công trường Nhiệt điện Hồng Sa, COMA có 4 đơn vị tham gia, trong đó chủ lực là COMAEL, chiếm tới 70% quân số. Mặc dù lãnh đạo Tổng công ty đã dành sự quan tâm đặc biệt cho công trường với quyết tâm không để người lao động thiếu Tết nhưng chặng đường dài cách trở, những rào cản về yêu cầu khắt khe trong kỷ luật sinh hoạt… không cho phép cán bộ chuẩn bị một cái Tết theo đúng phong tục, tập quán Việt Nam. Ngày 24 tháng Chạp, Chủ tịch Công đoàn Trần Như Hưng chủ trì cả một chuyến xe chở mấy yến giò, trăm chiếc bánh chưng sang công trường nhưng chặng đường quá dài, hàng nhiều và thời tiết quá nóng nên sang đến nơi anh em công nhân phải ăn vội vì sợ không bảo quản nổi vấn đề an toàn vệ sinh. Sự cố gắng duy nhất có thể ghi nhận là nồi bánh chưng do anh em công nhân tự tay gói 28 Tết nhưng số lượng rất hạn chế.

Phía sau nụ cười

Nhiệt điện Hồng Sa không phải là công trình quá khó với người thợ COMA nhưng lại là một “trận đánh” căng thẳng trên mọi mặt trận. Nhìn từ bên ngoài, ai cũng nghĩ đó là công trình mà nơi ăn chốn ở thực sự là niềm mơ ước cho người lao động nhưng cái giá của sự đẳng cấp ấy nhiều phen trả bằng… nước mắt. Kỹ sư Nguyễn Hữu Toàn - Giám đốc Ban điều hành kể: “Chiều 30 Tết của Việt Nam, chúng tôi bất ngờ bị người quản lý của nhà thầu khóa trái toàn bộ kho, bếp, đuổi hết nhân viên ra ngoài. Sau một hồi thương lượng, thuyết phục mới biết lý do đơn giản chỉ vì để có thêm chút hương vị Tết cổ truyền, mấy người lao động Việt Nam đã tự ý vào khu vực bếp chế biến món nem rán mà quên điều kiện an toàn vệ sinh là đội mũ và đi găng tay”. Chỉ là thú vui giản dị, đã thành nếp bao đời của người Việt Nam, muốn vào bếp chuẩn bị bữa cơm tất niên cho vơi bớt nỗi nhớ nhà mà bỗng chốc cũng trở thành… xa xỉ.

Với Trần Thanh, cô phiên dịch may mắn vì được có tên trong danh sách số ít những người về quê ăn Tết thì lại canh cánh suốt mấy ngày nghỉ Tết vì lo cụm hoa hồng nho nhỏ cô mới ươm nơi góc khu nhà ở sẽ bị viên quản lý già khó tính yêu cầu nhổ bỏ chỉ vì trồng hoa sẽ phải dùng đến nước tưới, có thể gây lãng phí nhiên liệu lọc nước.

Kể những câu chuyện nhỏ để thấy chỉ là nếp sống đã bị giám sát chặt chẽ như thế, huống hồ những công việc lao động trên công trường. Phía đối tác liên tục ốp tiến độ nhưng lại quản lý và kiểm định chặt chẽ từ khâu nhỏ nhất trong công việc hàng ngày: mang bảo hộ an toàn lao động; vệ sinh công trường, an toàn thiết bị… Anh Vũ Xuân Tăng, cán bộ phụ trách phần điện của COMAEL chia sẻ: “Với công trường Hồng Sa, anh em chúng tôi chỉ biết cố gắng… cố gắng và… cố gắng! Chúng tôi hiểu rằng thành công của mỗi chúng tôi góp phần cho sự tăng trưởng của COMA, là công ăn việc làm cho hàng trăm người lao động, là cơ hội mở ra những công trình khác...”.

tet cong truong xa xu

Tết kết đoàn

Một bạn trẻ ví rằng, thời tiết ở Hồng Sa đỏng đảnh như cô gái đang yêu! Nếu như ban ngày nắng bừng bừng như lửa thì trái lại, chiều xuống, nhiệt độ giảm nhanh chóng và đến đêm, mức chênh lệch có thể lên tới 20 độ. Và cũng nhờ điều đó, tối mùng 4 Tết, chúng tôi đã có một bữa tiệc nhỏ tiễn Tết vui vẻ và ấm cúng.

Sau một ngày vắt mình với công việc, thường xuyên có những tranh luận, thậm chí bất đồng, bực bội… nhưng ngoài giờ làm việc, các chuyên gia của nhà thầu Sandvik trở thành những vị khách đáng yêu đến lạ lùng! Họ ăn chung một mâm, dùng đũa và vui vẻ thưởng thức các món ăn, cùng trò chuyện tếu táo.

Henry 30 tuổi, chuyên gia đến từ Áo hóm hỉnh cố gắng thu tấm thân cao lớn lực lưỡng của mình chụp ảnh đùa phía sau Lê Na, cô nhân viên bé nhỏ của Ban điều hành. Ông Bu Chông, 56 tuổi, người Thái Lan chuyên gia kỹ thuật điện khu lán trại, có nước da đen cháy vì nắng công trường, trang phục ưa thích là chiếc áo bảo hộ lao động như vật bất ly thân. Bu Chông là trợ lý cho viên quản lý khu điều hành nổi tiếng khó tính. Trái với sếp của mình, Bu Chông chân thật, tốt bụng, thân thiện và cởi mở. Bu Chông thường tự hào giới thiệu với mọi người về những cô gái, chàng trai Việt Nam mà Bu Chông đều gọi thân mật là “con trai của tôi”, “con gái của tôi”. Tôi không biết ông đã giúp đỡ các bạn trẻ như thế nào, chỉ nhớ mãi câu nói của Đạt, thợ điện và là đồng nghiệp của Bu Chông mỗi ngày: “Bu Chông là người rất tuyệt vời trong lòng chúng em đó!”

Ngày tôi chia tay công trường cũng là lúc những chuyến xe hối hả đưa lao động nghỉ Tết trở lại. Nỗi bâng khuâng một cái Tết không trọn vẹn cũng qua nhanh, người COMA năm ấy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và mãi đọng trong ký ức một cái Tết ấm tình hữu nghị.

Huệ Anh

Theo

Cùng chuyên mục
  • Di tích lịch sử Cầu Gãy

    (Xây dựng) - Cầu Gãy là minh chứng lịch sử hào hùng, cho sức mạnh và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Cầu Gãy đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, nối liền Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm sau giải phóng miền Nam. Năm 2012, Cầu Gãy được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

  • Lễ hội sen Đồng Tháp sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5

    (Xây dựng) – Sáng 25/4, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Thông cáo báo chí Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024. Theo Thông cáo, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” sẽ diễn ra tại Công viên Văn Miếu (đường Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), từ ngày 16-19/5/2024.

  • Hội thảo “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển”: Điểm nhấn trọng tâm về học thuật

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, Hội thảo khoa học “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển” đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, trở thành điểm nhấn trọng tâm về học thuật trong khuôn khổ Festival Sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV tại Huế.

  • Quảng Ninh: Kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ đỗ tiến sỹ

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long nòng cốt là Hội đồng dòng họ Vũ Võ tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ, người dân của địa phương đỗ tiến sĩ.

  • Hoàn thành giai đoạn 1 tu bổ nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh

    Bệnh viện Chợ Quán xây dựng xong vào năm 1864, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận là "Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam."

  • Khai hội đền Đô: Tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc

    (Xây dựng) - Sáng 23/4, tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã long trọng diễn ra Lễ khai hội đền Đô 2024 và hướng tới kỷ niệm 1014 năm Vua Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load