Thứ bảy 05/10/2024 08:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Tây Sơn (Bình Định): Phát triển nông thôn mới một cách bền vững

11:37 | 02/10/2024

(Xây dựng) – “Huyện Tây Sơn, Bình Định từ một vùng đất nghèo, có địa hình phức tạp, không được thuận lợi nhưng đã xây dựng được 14/14 xã đạt 100% xã nông thôn mới. Đây là một thắng lợi bước đầu nhưng hết sức to lớn, đánh dấu một kỳ tích của huyện”, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh tại buổi lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

Tây Sơn (Bình Định): Phát triển nông thôn mới một cách bền vững
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi lễ.

Ngày 01/10, tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (Bình Định), tỉnh Bình Định tổ chức trọng thể Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

Qua hơn 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kinh tế - xã hội của huyện Tây Sơn đã có sự phát triển vượt bậc, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, cùng với diện mạo đô thị Phú Phong đổi thay và phát triển theo hướng hiện đại đã tạo nên sức sống mới, diện mạo mới trên quê hương Tây Sơn.

Đến cuối năm 2023, tổng giá trị sản phẩm của huyện đạt trên 7.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm theo giá trị sản phẩm đạt 6,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 47 triệu đồng (tăng gấp 3 lần so với năm 2011). Tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện giảm còn 3,57% (giảm gần 13% so với năm 2011).

Tây Sơn (Bình Định): Phát triển nông thôn mới một cách bền vững
Phó Thủ tướng trao bằng công nhận của Thủ tướng Chính phủ cho huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

Tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là 17.200 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước là 3.493 tỷ đồng, chiếm 20%; vốn tín dụng 437 tỷ đồng, vốn huy động đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp 90 tỷ đồng, vốn huy động đóng góp tự nguyện của người dân 380 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp 10.300 tỷ đồng; vốn đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất trong nhân dân 2.500 tỷ đồng.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư nâng cấp theo quy hoạch chung, đảm bảo theo hướng đồng bộ, hiện đại… Hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, các xã đều có đường ô tô kết nối đến trung tâm hành chính đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm… Đến nay, toàn huyện đã có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thị trấn Phú Phong được công nhận đô thị văn minh và được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

Tây Sơn (Bình Định): Phát triển nông thôn mới một cách bền vững
Quang cảnh buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chúc mừng và biểu dương những thành tích, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định nói chung, huyện Tây Sơn nói riêng đã nỗ lực phấn đấu và đạt được trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo huyện Tây Sơn cần phải có tư duy mới, cách làm mới trong xây dựng nông thôn mới. Các đồng chí lãnh đạo huyện, đặc biệt là Trung tâm khuyến nông của huyện cần đi tìm tòi, tìm hiểu những địa phương làm tốt, những điển hình, mô hình nào làm tốt, những mô hình xóa đói giảm nghèo thì học tập và đưa những cánh làm mới về triển khai tại huyện nhà, làm thế nào để đảm bảo nông thôn mới phát triển một cách bền vững. Không những có cách làm mới trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ, trong chế biến, mà trong vấn đề an sinh xã hội, quản lý đô thị, môi trường cũng phải có cách nghĩ mới, cách làm mới.

Tây Sơn (Bình Định): Phát triển nông thôn mới một cách bền vững
Đại biểu tham dự buổi lễ.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, huyện Tây Sơn có đủ tiềm năng và điều kiện để phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao và khu tài chính quốc tế, bởi lẽ Tây Sơn rất gần sân bay Phù Cát, một trong những sân bay quốc tế trong tương lai. Và Tây Sơn quê hương của Hoàng đế Quang Trung, anh hùng của dân tộc sẽ là hình ảnh kiểu mẫu nông thôn mới của Việt Nam.

“Tây Sơn nói riêng và Bình Định nói chung cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và động viên mọi tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương giàu, đẹp, văn minh, hiện đại”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc mong muốn.

Sau gần 15 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; có thể nhận thấy diện mạo nông thôn mới tỉnh Bình Định đang thay đổi mạnh mẽ, kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư khang trang, đồng bộ, hiện đại; môi trường nông thôn ngày càng văn minh, sạch đẹp; cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững.

Đến nay, tỉnh Bình Định có 91/113 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 80,5%; trong đó, có 24/91 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 26,3%; 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 05 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.

Thu Loan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load