Thứ tư 15/01/2025 11:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Tây Sơn (Bình Định): Bước tiến trong xây dựng nông thôn mới

11:55 | 13/09/2024

(Xây dựng) – Tây Sơn là một huyện trung du có xuất phát điểm tương đối thấp khi bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với huy động tốt nội lực và sức mạnh toàn dân, đến nay, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) đã gặt hái được “trái ngọt” khi vừa được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Tây Sơn (Bình Định): Bước tiến trong xây dựng nông thôn mới
Tây Sơn bắt đầu hành trình xây dựng NTM với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn.

Vượt qua những khó khăn

Tây Sơn là huyện trung du nằm về phía Tây Nam của tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn hơn 50km, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội phía Tây tỉnh Bình Định. Tổng dân số trên địa bàn huyện hơn 117 nghìn người với 38.450 hộ dân, huyện có 15 đơn vị hành chính cấp xã.

Ngược thời gian, trở về buổi "ban sơ” của những ngày đầu xây dựng nông thôn mới (năm 2011), lúc bấy giờ Tây Sơn còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Các xã trên địa bàn huyện chỉ đạt được bình quân 7 - 8 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 15,80 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao chiếm hơn 10% dân số, hạ tầng nông thôn còn thiếu và yếu kém. Càng khó khăn hơn khi trên địa bàn huyện có xã Vĩnh An là xã miền núi đặc biệt khó khăn với 355/385 hộ là người Bana...

Xuất phát điểm thấp, nguồn lực trong nhân dân còn hạn hẹp, đội ngũ cán bộ vẫn chưa được chuẩn hóa, hầu hết các cơ sở hạ tầng lúc bấy giờ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu trong xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, không chùn bước trước những khó khăn, cùng với xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới là chương trình phát triển kinh tế, xã hội sâu rộng, liên tục và lâu dài, huyện Tây Sơn đã xác định “xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, chỉ có sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết của toàn dân mới có thể chiến thắng trong cuộc chiến này.

Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết: Xuất phát điểm của huyện không cao, đây cũng là “vật cản” thời điểm đó, nên để đạt được yêu cầu nông thôn mới đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị. Làm sao để bà con nhân dân nhận thức được việc xây dựng nông thôn mới không phải là của Nhà nước, chính quyền địa phương mà xây dựng nông thôn mới chính là phục vụ nhân dân, người thụ hưởng không ai khác là bà con nhân dân. “Phải làm sao để bà con thay đổi và chủ động trong cách nghĩ, cách làm là nỗi trăn trở lớn của các cấp lãnh đạo. Bởi, chỉ có tạo được sự đồng thuận trong nhân dân thì mới làm được nông thôn mới …” - Chủ tịch Phan Chí Hùng chia sẻ.

Bắt tay thực hiện xây dựng nông thôn mới, Tây Sơn đã chọn phương châm “dễ làm trước, khó làm sau” và chọn những tiêu chí cơ bản làm “đòn bẩy” để tạo đà thúc đẩy thực hiện các tiêu chí khác. Cùng với sự hướng dẫn, chỉ dẫn của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị xã hội đối với việc xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy tốt nội lực và sức mạnh toàn dân nhằm giúp địa phương đẩy nhanh quá trình hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Tây Sơn (Bình Định): Bước tiến trong xây dựng nông thôn mới
Diện mạo Tây Sơn đang đổi thay từng ngày.

Với nỗ lực và quyết tâm ấy, sau hơn 10 năm, Tây Sơn như khoác lên mình chiếc áo mới. Từ một huyện trung du, một trong những huyện khó khăn nhất, giờ từng bước trở thành huyện phát triển khá của tỉnh. Những xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, cùng với diện mạo đô thị Phú Phong đổi thay và phát triển theo hướng hiện đại đã tạo nên sức sống mới, diện mạo mới trên quê hương của người anh hùng áo vải Quang Trung.

Ông Lê Hà An, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Sơn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện cho hay: Đến nay, trên địa bàn huyện có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 01 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. “Cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện Tây Sơn đạt 47,1 triệu/người/năm, đây không phải là mức thu nhập cao, tuy nhiên, so với khi bắt xây dựng nông thôn mới (15 triệu đồng/người/năm vào năm 2011) thì đây là sự phát triển vượt bậc trong hành trình nỗ lực xây dựng nông thôn mới của huyện” - Ông Lê Hà An chia sẻ.

Về Tây Sơn hôm nay, không khó để nhìn thấy những đổi thay nơi vùng quê này. Dọc theo những tuyến đường liên huyện, liên xã, có thể thấy được cảnh quan môi trường được cải thiện và nâng cao chất lượng theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp; hạ tầng và thiết chế nông thôn được đầu tư khá đồng bộ. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện có đường ô tô kết nối với đường huyện và các trung tâm hành chính các xã trên địa bàn, đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của người dân. Việc xây dựng nông thôn mới giúp cho người dân thuận tiện trong việc phát triển kinh tế cũng như thay đổi bộ mặt của huyện.

Xác định “nhân dân là chủ thể”

Với những nỗ lực và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, vào trung tuần tháng 8/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 16/8/2024 công nhận huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Đây là sự ghi nhận thành quả của sự quyết tâm, nỗ lực và phấn đấu không ngừng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện, là minh chứng khi “Ý Đảng lòng dân” hòa cùng nhịp đập.

Chia sẻ về bí quyết để đem đến thành công này, Chủ tịch UBND huyện Phan Chí Hùng khẳng định: “Xây dựng nông thôn mới cái cốt yếu cuối cùng là đời sống của bà con nhân dân phải có sự cải thiện về vật chất và tinh thần”.

Quả vậy, bằng sự phối hợp nhịp nhàng, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới đã giúp huyện Tây Sơn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Chính phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã giúp người dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới, đưa cuộc vận động trở thành phong trào rộng khắp trong toàn huyện. Cùng với đó, nhân dân đã hiến đất để cải tạo, mở rộng đường giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa…

Đến nay, huyện cũng đã xây dựng được những mô hình nông thôn mới tiêu biểu như mô hình “Ngôi nhà xanh - thu gom rác thải tái chế” của Hội liên hiệp phụ nữ. Mô hình này được Hội liên hiệp phụ nữ các xã, thị trấn thành lập, đặt tại các nhà văn hóa ở địa phương và được chị em hội viên trên địa bàn tham gia rất tích cực, có ý thức thu gom phế liệu, qua đó các Chi hội đã thu gom đem bán và đóng góp vào quỹ Hội.

Số kinh phí sau khi bán được sử dụng để tặng quà cho học sinh và hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Hay các mô hình khác như mô hình “Thắp sáng đường quê” của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện phát động; Mô hình “Tuyến đường hoa thanh niên”; Mô hình “Tuyến đường cờ Tổ quốc theo quy chuẩn”; Mô hình "Tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt…

Tây Sơn (Bình Định): Bước tiến trong xây dựng nông thôn mới
Công nghiệp là trụ cột, nông nghiệp là bệ đỡ, du lịch là mũi nhọn.

Tây Sơn được xác định là một trong những địa bàn nằm trên trục hành lang kinh tế Đông Tây, nối liền giữa cảng Quy Nhơn với vùng Tây Nguyên, đây là điều kiện thuận lợi để Tây Sơn trở thành một trong những địa bàn phát triển sâu về lĩnh vực công nghiệp. Huyện luôn xác định “công nghiệp là trụ cột, nông nghiệp là bệ đỡ, du lịch là mũi nhọn” để phát triển thế mạnh của địa phương.

Đến nay, trên địa bàn huyện có 12 cụm công nghiệp, với tổng diện tích theo quy hoạch được phê duyệt là 472,31ha phục vụ phát triển kinh tế địa phương, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt 81,22%, giải quyết việc làm cho 6.000 lao động tại chỗ. Hiện, trên địa bàn huyện Tây Sơn có một số dự án lớn đã bắt đầu đi vào hoạt động. Đơn cử như Công ty Sản xuất gạch ngói tráng men cao cấp của Công ty Cổ phần Takao Bình Định với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ (hiện đã đầu tư giai đoạn 1 là 1.000 tỷ đã đi vào hoạt động từ quý II và tạo được công ăn việc làm cho gần 700 lao động); Dự án Nhà máy sản xuất gạch ốp lát granite do Công ty Cổ phần Công nghiệp Kamado làm chủ đầu tư, tổng vốn gần 1.000 tỷ đồng… “Đây cũng là một trong những "bệ phóng" tăng thu nhập cho bà con nhân dân”, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho hay.

Trên địa bàn huyện hiện cũng đang đầu tư nhiều dự án, công trình lớn do tỉnh cũng như của huyện đầu tư: Dự án cầu Hữu Giang, cầu Bình Thành, Quốc lộ 19B, đường kết nối Tây Sơn - Vĩnh Thạnh, đường 636... Đặc biệt, dự án xây dựng Quảng trường được đầu tư gần 60 tỷ sẽ hoàn thành trước Tết âm lịch.

Tây Sơn (Bình Định): Bước tiến trong xây dựng nông thôn mới
Đập dâng Phú Phong đi vào hoạt động đã góp phần đảm bảo nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cải thiện môi trường sinh thái trên địa bàn huyện.

Song song với phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp, huyện cũng đầu tư có hệ thống, bài bản hệ thống thủy lợi nhằm đảm bảo đời sống sản xuất của bà con nông dân.

Theo ông Lê Hà An, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thủy lợi rất quan trọng trong quá trình sản xuất. Bởi, sản xuất nông nghiệp chủ yếu nhất nước, nhì phân, có nước thì mới phát triển được. Cũng từ hệ thống thủy lợi này, người dân sẽ ứng dụng được công nghệ trong sản xuất như sử dụng các hệ thống công nghệ tưới tiết kiệm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và tăng thu nhập cho người nông dân.

Ông Lê Hà An dẫn chứng, đến nay, huyện Tây Sơn đã có hệ thống đập dâng Phú Phong, đập dâng Nước Gộp, đập dâng Thượng Sơn cùng nhiều hệ thống công trình thủy lợi nhỏ… với tổng mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Việc xây dựng hệ thống đập, hồ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất nông nghiệp với quy mô tập trung, khai thác và sử dụng tối đa diện tích đất nông nghiệp cũng như chủ động chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân mà còn tạo diện mạo mới cho “đô thị” Tây Sơn.

Không những vậy, Tây Sơn còn được biết đến với nhiều điểm tham quan du lịch nổi tiếng như Đền thờ Quang Trung, Khu du lịch sinh thái Hầm Hô… Chính vì vậy, huyện cũng đã xây dựng đề án phát triển du lịch nhằm khai thác tối đa thế mạnh địa phương, đặc biệt trong việc hình thành chuỗi liên kết theo hướng kinh tế du lịch. Mỗi năm, Tây Sơn đón khoảng 350 nghìn lượt khách tham quan các khu di tích lịch sử, du lịch cộng đồng này.

Ông Phan Chí Hùng cho hay: “Chính những yếu tố trên đã giúp Tây Sơn trở thành một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó giúp cho đời sống của bà con nhân dân có sự cải thiện tốt hơn về vật chất và tinh thần, tạo ra nhiều công ăn việc làm. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang tính chất bền vững trong thời gian tới”.

Tây Sơn (Bình Định): Bước tiến trong xây dựng nông thôn mới
Nhiều dự án được đầu tư trên địa bàn huyện Tây Sơn.

Định hướng trong thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn chia sẻ: Huyện Tây Sơn về đích nông thôn mới năm 2023 và định hướng đến năm 2030 sẽ đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, Tây Sơn có đặc thù khác so với một số huyện đã về đích nông thôn mới, định hướng của Tây Sơn theo quy hoạch của tỉnh thì huyện sẽ trở thành đô thị loại IV trong năm 2025 và sẽ trở thành thị xã vào năm 2030. Do vậy, chúng tôi tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí của huyện nông thôn mới, trong đó đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí của đô thị loại IV cũng như tiêu chí để thành lập thị xã”.

“Chắc chắn, tiêu chí để thành lập thị xã sẽ cao hơn tiêu chí của huyện nông thôn mới nâng cao, chính vì vậy, huyện sẽ kết hợp 2 mục tiêu này để tập trung, nhưng hiện nay chúng tôi quan tâm nhất là tạo ra công ăn việc làm cho bà con nhân dân”, ông Phan Chí Hùng khẳng định.

Thu Loan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load