Thứ sáu 08/11/2024 11:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Tập trung xây dựng các dự án Luật, sớm tháo gỡ vướng mắc các lĩnh vực ngành Xây dựng

08:54 | 11/07/2023

(Xây dựng) – Nhằm hoàn thành tốt các kế hoạch, nhiệm vụ mà ngành Xây dựng được giao trong năm 2023, lãnh đạo Bộ đã đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm mà các đơn vị cần thực hiện.

Tập trung xây dựng các dự án Luật, sớm tháo gỡ vướng mắc các lĩnh vực ngành Xây dựng
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội nghị.

Ổn định thị trường bất động sản, phát triển NƠXH

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, Quốc hội đã cho ý kiến lần 1 với 2 dự án Luật là Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). Hiện nay, còn nhiều nội dung phải xem xét, tiếp thu giải trình nhằm hoàn chỉnh dự án luật để đến tháng 10/2023, Quốc hội cho ý kiến và thông qua.

Bộ Xây dựng xác định đây là 2 dự án Luật quan trọng, tác động trực tiếp đến các lĩnh vực của ngành Xây dựng, các Sở, cơ quan chuyên môn và địa phương. Do đó, Thứ trưởng đề nghị trong khoảng tháng 7- 8/2023, các địa phương cần có sự phối hợp với Bộ Xây dựng để rà soát lại, sớm cho ý kiến đóng góp để Bộ xem xét, hoàn chỉnh 2 dự án Luật.

Liên quan đến Luật Nhà ở, các đơn vị cần chú ý quy định, trình tự thủ tục đầu tư các dự án nhà ở; quan tâm đến nhóm chính sách cải tạo chung cư cũ; đầu tư phát triển các dự án NƠXH. Bộ Xây dựng mong muốn, các quy định pháp luật trong dự án Luật này rõ ràng, thông thoáng, đồng bộ, không bị vướng với các quy định pháp luật khác.

Về Luật Kinh doanh bất động sản, trên thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là nhóm chính sách về bán nhà ở hình thành trong tương lai, giao dịch, môi giới, sàn giao dịch, chuyển nhượng dự án… Do vậy, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị các đơn vị nhanh chóng rà soát, đặc biệt là Sở Xây dựng các địa phương. Trong tháng 7/2023 cần có ý kiến phản hồi, có sự phối hợp tốt với Bộ Xây dựng để chất lượng dự án luật được đảm bảo.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở, ngành rà soát các dự án bất động sản trên địa bàn còn gặp khó khăn. Hiện nay Bộ Xây dựng vẫn nhận được nhiều đơn kêu cứu, kiến nghị của các chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp bất động sản. Sở Xây dựng các địa phương cần quan tâm, giải quyết vướng mắc trong thời gian sớm nhất, có giải pháp tháo gỡ theo thẩm quyền. Nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Bộ để Bộ có sự phối hợp với Bộ, ngành khác, cùng địa phương tháo gỡ.

Đồng thời, lãnh đạo các Sở ngành cần tiếp tục quan tâm, tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố triển khai đầu tư các dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân trong thời gian tới. Các địa phương cần có sự vào cuộc, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm sẽ có thêm nhiều dự án NƠXH, nhà ở công nhân được bán ra thị trường.

Về phía các đơn vị thuộc Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh lưu ý, cần tập trung triển khai thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật năm 2023. Các đơn vị quan tâm thực hiện, đảm bảo đúng trình tự, chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật.

Tập trung xây dựng các dự án Luật, sớm tháo gỡ vướng mắc các lĩnh vực ngành Xây dựng
Thứ trưởng Bùi Hồng Minh tại Hội nghị.

Chủ động tháo gỡ về quản lý đầu tư xây dựng

Theo Thứ trưởng Bùi Hồng Minh, hiện nay nước ta đang tập trung đầu tư rất lớn về cơ sở hạ tầng, tuy nhiên đã bộc lộ một số vấn đề cần phải xem xét, tháo gỡ. Về hoạt động xây dựng, kinh tế xây dựng, hiện đang có sự phân cấp mạnh.

Bên cạnh đó, qua theo dõi, việc định mức đơn giá vẫn còn là vấn đề khó khăn. Do đó, các đơn vị cần tiếp tục đổi mới trong các lĩnh vực liên quan.

Thứ trưởng Bùi Hồng Minh cho biết: Hiện các bên đã thực hiện cập nhật, rà soát hệ thống định mức; Có chương trình cập nhật dữ liệu định mức của các công trình lớn, công trình đặc thù, làm cơ sở dữ liệu quốc gia về định mức.

Đồng thời, phải có sự đổi mới, sử dụng BIM cho công trình xây dựng, giúp cơ sở dữ liệu trở nên phong phú hơn; đổi mới trong lĩnh vực đơn giá định mức, suất đầu tư, các công cụ quản lý đầu tư xây dựng.

“Cục Kinh tế xây dựng và Viện Kinh tế xây dựng cần chủ động thực hiện, phải dựa vào BIM để đổi mới nhằm phục vụ tốt hơn trong công tác quản lý, thanh tra kiểm tra thời gian tới; tăng cường quản lý nhà nước, vướng mắc về quản lý giá và kiểm tra giám sát”, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh nhấn mạnh.

Về vấn đề doanh nghiệp, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh nhận định, các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp VLXD. Do đó trong thời gian tới, cần quan tâm tới khối doanh nghiệp. Vụ Kế hoạch tài chính cần khẩn trương rà soát, có báo cáo cụ thể với Lãnh đạo Bộ.

Tập trung xây dựng các dự án Luật, sớm tháo gỡ vướng mắc các lĩnh vực ngành Xây dựng
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn tại Hội nghị.

Rà soát quy hoạch, phát triển hệ thống đô thị

Nhận định về công tác 6 tháng đầu năm của Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức, các đơn vị của Bộ vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Theo đó, các đơn vị đã triển khai thực hiện đánh giá nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Trong vấn đề quy hoạch, các bên đã đóng góp nhiều ý kiến hoàn thiện hệ thống quy hoạch và các quy hoạch ngành liên quan.

Về phòng cháy chữa cháy, liên quan đến Quy chuẩn 06:2022/BXD mới ban hành, hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực tế. Các bên có liên quan đang thực hiện tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện thể chế, văn bản pháp luật, các quy định để áp dụng hiệu quả trong thời gian tới.

Về công tác quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng đã chủ động bám sát chương trình công tác; có sự phối hợp với các Bộ ngành để triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Trong lĩnh vực quy hoạch, đô thị, thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần lưu ý quan tâm, đặc biệt là hoàn thiện thể chế. Theo đó, cần chủ động xây dựng dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật cấp thoát nước, Luật Phát triển đô thị…; sửa và hoàn thiện các Nghị định, Thông tư và văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là về phân cấp quản lý, công trình ngầm. Chú ý xem xét hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong phòng cháy chữa cháy, phải có rà soát để áp dụng tốt trong thực tiễn.

Về giải pháp thực hiện, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, phải chủ động bám sát, phối hợp với các cơ quan liên quan. Từ thực tiễn, phản ánh của dư luận xã hội, sớm có giải pháp để xử lý. Bên cạnh đó, các địa phương cần phải có sự phối hợp với Bộ Xây dựng, đóng góp ý kiến hoàn thiện các văn bản pháp luật, giúp Bộ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.

Yến Mai – Nhật Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load