Thứ hai 29/04/2024 06:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bộ Xây dựng sơ kết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023

10:00 | 07/07/2023

(Xây dựng) – Ngày 6/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã chủ trì Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023 và đánh giá giữa nhiệm kỳ giai đoạn 2021 -2023 của Bộ Xây dựng.

Bộ Xây dựng sơ kết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Nhiều kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Xây dựng, Chánh Văn phòng Đậu Minh Thanh cho biết, tốc độ tăng trưởng của ngành Xây dựng trong nửa năm qua đã tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2022 và cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP cả nước. Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 0,82% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 42%. Tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 25,6m2 sàn/người. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 95,1%. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm xuống còn 16,3%. Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom xử lý đạt khoảng 16,3%. Về tình hình sản xuất một số vật liệu xây dựng chủ yếu, sản lượng sản xuất và tiêu thụ xi măng, gạch ốp lát và sứ vệ sinh trong 6 tháng đầu năm 2023 đều giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022.

Trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng cũng đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, Bộ đã trình Chính phủ và Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để đưa vào thảo luận tại Hội trường tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV. Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cũng được Chính phủ đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 tổ chức tháng 5/2024. Hiện nay, Bộ đang tích cực lập hồ sơ đề nghị xây dựng 2 dự án Luật điều chỉnh về quản lý, phát triển đô thị và Luật điều chỉnh về cấp, thoát nước để trình Chính phủ thông qua chính sách trước ngày 1/11/2023.

Bộ Xây dựng sơ kết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023
Lãnh đạo Bộ Xây dựng điều hành Hội nghị.

Đối với công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, Bộ tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời đảm bảo công tác lập, thẩm định các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng theo phân cấp. Mặt khác, Bộ Xây dựng cũng tiếp tục đôn đốc công tác xây dựng nông thôn mới, triển khai Luật Kiến trúc và Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tăng cường ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công khai thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Về quản lý phát triển đô thị, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW và Nghị quyết số 148/NQ-CP về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời tiếp tục thực hiện công tác thẩm định công nhận phân loại đô thị theo theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022.

Về quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, Bộ đang nghiên cứu, đề xuất chính sách Quản lý không gian ngầm đô thị và đưa các nội dung về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật vào dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội

Đối với công tác quản lý, phát triển nhà ở, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng cộng 9 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp được khởi công với khoảng 18.768 căn. Trên cả nước đã thực hiện giải ngân được trên 6.200 tỷ đồng cho khoảng 15.000 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở. Thực hiện giải ngân gói hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đã 3 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay và gửi Ngân hàng Nhà nước 21 dự án đủ điều kiện với quy mô 19.897 căn hộ, tổng mức đầu tư 20.179 tỷ đồng.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các địa phương triển khai nhiệm vụ trong Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030)”. Tính đến ngày 18/6/2023, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với quy mô khoảng 19.516 căn. Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp cụ thể.

Trong công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ tiếp tục rà soát, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh trong hoạt động xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ của đề án “Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng”.

Đối với công tác quản lý vật liệu xây dựng, các đơn vị của Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050; Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030; Đề án phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến 2025...

Về công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, trong đó đẩy mạnh phân cấp, tạo chủ động cho địa phương; làm rõ, minh bạch hóa quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 382/QĐ-BXD ngày 11/4/2023 về Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2022 - 2025. Bên cạnh đó, Bộ đã hoàn tất thủ tục và chuyển bàn giao nguyên trạng Bệnh viện Xây dựng trực thuộc Bộ về trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Xây dựng sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trước hết là triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án của Bộ Xây dựng năm 2023 theo đúng tiến độ yêu cầu.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 8/2023.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật cấp, thoát nước trình Chính phủ trước ngày 1/11/2023; tập trung đôn đốc các địa phương triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”...

Tập trung xây dựng Luật, tháo gỡ khó khăn cho thị trường nhà ở và bất động sản

Tại Hội nghị, các Cục, Vụ của Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng địa phương đã có một số kiến nghị để tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy ngành Xây dựng hoạt động tốt hơn trong thời gian tới.

Trong đó, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong kiến nghị Bộ Xây dựng sớm hoàn thiện thể chế về nhà ở xã hội; ban hành quy định về quản lý, sử dụng, khai thác quỹ nhà, đất; nghiên cứu các tiêu chí kiểm định chung cư cũ nâng cấp phần mềm quản lý hệ thống thông tin thị trường bất động sản...

Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho dự án bất động sản trên địa bàn thành phố; hướng dẫn cụ thể về triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm 6 chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 01/8/2023; hướng dẫn chi tiết thực hiện quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội; hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình công cộng…

Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Xây dựng Tống Thị Hạnh đề nghị các địa phương chú ý thực hiện 3 nhóm chính sách lớn của Nghị định số 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Một là tăng cường phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số của ngành Xây dựng. Hai là bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Ba là tháo gỡ bất cập từ thực tiễn, trong đó lưu ý một số điểm về phân cấp trong các lĩnh vực cho các cơ quan chuyên môn tại địa phương.

Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Trần Thu Hằng đã tập trung chia sẻ những vướng mắc của các Sở, ban, ngành, địa phương trong thời gian qua. Theo đó, Vụ trưởng đề xuất, các Sở chủ động rà soát các cấp độ quy hoạch, đặc biệt các quy hoạch cấp dưới, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết; đảm bảo tính thống nhất, tuân thủ chỉ tiêu đã được quy định ở quy hoạch cấp trên; có sự điều chỉnh đảm bảo thống nhất giữa các cấp độ quy hoạch…

Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Xây dựng Nguyễn Hồng Hải kiến nghị biên soạn quy chuẩn về an toàn công trình, vấn đề kỹ thuật về khoang cháy, cháy lan và an toàn cháy nổ để có công cụ linh hoạt hơn trong thiết kế; đồng thời phải tăng cường công tác phủ quy chuẩn trên khắp cả nước.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định ngành Xây dựng đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trong tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, tình hình có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường. Các chỉ tiêu của ngành Xây dựng trong 6 tháng đầu năm đều cơ bản đạt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại như hệ thống pháp luật chồng chéo, nhiều nội dung chưa rõ ràng, gây lúng túng khi áp dụng trong thực tế; cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tế, chưa tháo gỡ vướng mắc nổi lên trong thực tiễn…

Bộ Xây dựng sơ kết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023
Toàn cảnh Hội nghị.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị, cơ quan thuộc Bộ và các Sở, ngành địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động cập nhật tình hình, thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đảm bảo tiến độ.

Đặc biệt, các Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện như tập trung xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản; hoàn thành hệ thống quy hoạch đô thị nông thôn; tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, triển khai hiệu quả Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hộ, quan tâm cải tạo chung cư cũ, tăng cường tập huấn, tuyên truyền về thực hiện Quy chuẩn 06:2022/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình…

Minh Mai - Ảnh: Dịch Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load