Chủ nhật 24/11/2024 18:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Làm rõ chính sách nhà ở cho sĩ quan Quân đội

22:31 | 06/11/2024

(Xây dựng) - Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, ngày 5/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là chính sách nhà ở cho sĩ quan.

Làm rõ chính sách nhà ở cho sĩ quan Quân đội
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành và kết luận phiên họp.

Cần rà soát, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống luật

Theo dự thảo Luật, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh lập kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện. Chính quyền địa phương các cấp bố trí quỹ đất, bàn giao cho Bộ Quốc phòng để phát triển nhà ở xã hội cho Quân đội phù hợp với nhu cầu của Bộ Quốc phòng và khả năng của từng địa phương.

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn đại biểu Quốc hội (Đoàn ĐBQH) Kon Tum đề nghị Ban soạn thảo rà soát những chính sách về nhà ở nói chung, nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang trong Luật Nhà ở với dự thảo Luật trên nguyên tắc: Việc phát triển nhà ở để đáp ứng nơi ở cho sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam là rất cần thiết để cán bộ sĩ quan yên tâm công tác, phục vụ Quân đội, phục vụ nhân dân. Nhưng quy định phải thống nhất và đồng bộ với các Luật chuyên ngành khác.

“Nên rà soát lại những chính sách trong Luật Nhà ở với chính sách nhà ở trong Luật này để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất”, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị.

Tương tự, đại biểu Phạm Thị Minh Huệ, Đoàn ĐBQH Sóc Trăng thì đề nghị cần đánh giá kỹ tác động, nhất là về nguồn lực thực hiện, để đảm bảo tính khả thi cũng như thống nhất với các quy định có liên quan tại Luật Nhà ở, Luật Đất đai và những văn bản luật có liên quan.

Hai luồng quan điểm

Liên quan đến chính sách nhà ở cho sĩ quan, các đại biểu có 2 luồng quan điểm. Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH Đồng Tháp cho rằng, quy định tại dự thảo Luật nên thống nhất với Điều 83 Luật Đất đai về đất để phát triển nhà ở xã hội. Đất để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang không nên quy định khác.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, việc quy định tách nhà ở xã hội riêng cho lực lượng vũ trang là không cần thiết, không nên vì Luật Nhà ở, Luật Đất đai mới có hiệu lực thi hành, chưa có gì bất cập. Nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang chung nên với nhà ở xã hội cho các đối tượng khác. Nếu trong quá trình tổ chức nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang, nhà ở công vụ cho lực lượng vũ trang có bất cập thì mới xem xét sửa. Hơn nữa, theo đại biểu, việc đề xuất nhà ở trong dự thảo Luật là không phù hợp, không đúng theo văn bản quy phạm pháp luật.

Trái ngược với quan điểm của đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Lữ Văn Hùng, Đoàn ĐBQH Bạc Liêu cho rằng: Vấn đề nhà ở, đất ở đối với sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Quốc hội nên sớm ban hành chính sách để thực hiện. Đặc thù của quân đội là khi cần thiết phải làm nhiệm vụ, cho nên phải tính toán nhà ở công vụ.

Còn theo đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, việc quy định vấn đề nhà ở như dự thảo Luật rất quan trọng. Từ Luật Quốc phòng năm 1999 đến các Luật chuyên ngành, như: Luật Cảnh sát biển, Luật Biên phòng Việt Nam đều có quy định về nhà ở cho sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam…

Trong Luật Quy hoạch đã quy định nếu đất quốc phòng không sử dụng thì được chuyển đổi mục đích, giao cho địa phương để phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch UBND tỉnh phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định việc này. Đại biểu đề nghị khi chuyển mục đích từ đất quốc phòng sang phát triển kinh tế - xã hội địa phương, sẽ là tốt hơn nếu mở rộng sang phát triển nhà ở dành cho quốc phòng và lực lượng vũ trang. Chủ đầu tư có thể là các đơn vị quốc phòng, để bảo đảm cho đội ngũ sĩ quan an tâm công tác và bảo đảm bình đẳng trong chính sách nhà ở xã hội chung của đất nước.

Tranh luận với 2 đại biểu Phạm Văn Hòa, Phạm Thị Minh Huệ, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đã nghiên cứu rất kỹ Luật Nhà ở và Luật Sĩ quan được sửa đổi, bổ sung lần này. Nếu điều chỉnh, bổ sung theo hướng địa phương thống nhất với Bộ Quốc phòng về quỹ đất quốc phòng chuyển về địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, từ đó xây dựng nhà ở cho quân đội theo quy định của Luật Nhà ở là phù hợp với pháp luật hiện nay.

Theo đại biểu, trên thực tế, 63 tỉnh thành nhưng chưa có tỉnh thành nào làm nhà ở cho sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, mà chỉ cài xen vào trong nhà ở xã hội của địa phương nhưng cũng rất hạn chế. Nếu không có chính sách đặc biệt ưu đãi về nhà ở thì không thu hút được những người có điều kiện phát triển vào trong đội ngũ quân nhân.

Chia sẻ trên tinh thần rất yêu mến, kính trọng và biết ơn sâu sắc tới lực lượng vũ trang, trong đó có sĩ quan về những hy sinh gian khổ để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đoàn ĐBQH Bình Định cho rằng, Luật Nhà ở đã tính toán rất kỹ và đã có chính sách về nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang nhân dân và các đối tượng khác.

Lực lượng vũ trang nhân dân hiện nay, trong đấy có sĩ quan, nếu có khó khăn về nhà ở thì có thể lựa chọn mua nhà ở xã hội thông thường hoặc mua nhà ở lực lượng vũ trang nhân dân. Có nghĩa là quy định hiện hành rất thuận lợi.

Một vấn đề nữa là ở đây chỉ quy định cho sĩ quan, khoảng 70.000 sĩ quan, nhưng chính sách đối với lực lượng vũ trang là hàng trăm nghìn người đã quy định trong Luật Nhà ở. Do vậy, cần phải có đánh giá toàn diện, làm sao chính sách phải thống nhất, đồng bộ và khả thi.

Cùng tranh luận, Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH Đồng Tháp cho rằng, sĩ quan Quân đội cũng nằm trong đối tượng được xét nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở. Nếu đối tượng được ưu đãi về nhà ở xã hội không có đối tượng sĩ quan Quân đội thì mới là bất hợp lý. “Luật Nhà ở mới ban hành chưa áp dụng thực hiện thì chúng ta đã thay đổi rồi, tôi nghĩ đây là một điểm phải xem lại”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Cũng theo đại biểu Phạm Văn Hòa, cần tách bạch nhà ở xã hội cho sĩ quan Quân đội và nhà ở công vụ cho sĩ quan Quân đội. Nhà ở công vụ là của riêng Quân đội riêng, còn nhà ở xã hội thì phải chung. Nếu quy định quỹ đất của địa phương phải bố trí riêng cho lực lượng sĩ quan Quân đội thì ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh lẻ, tỉnh nghèo sẽ không có khả năng để bố trí riêng. Trong khi đó, các đối tượng khác cần nhà ở xã hội còn rất nhiều.

Tranh luận với ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Leo Thị Lịch, Đoàn ĐBQH Bắc Giang cho rằng, hiện nay, lực lượng Quân đội của chúng ta đã được ưu tiên, đặc biệt là nhà công vụ, do vậy không thể nói không có nhà ở công vụ đối với sĩ quan. Còn đối với nhà ở xã hội, thực hiện theo Luật Nhà ở. Không thể địa phương nào cũng có đất giao lại cho Quân đội để làm nhà ở xã hội riêng cho lực lượng sĩ quan ở trên địa phương đó. Mà khi xây dựng nhà ở xã hội chung, địa phương đó sẽ có ưu tiên cho sĩ quan.

Quy định cho phù hợp với Luật Nhà ở

Trước những ý kiến còn khác nhau về việc giải quyết cho nhà ở lực lượng vũ trang, kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát các văn bản pháp luật khác có liên quan; Tiếp thu, sửa chữa theo hướng đúng quy định của Luật Nhà ở, phù hợp với nhu cầu Quân đội và khả năng bố trí quỹ đất của từng địa phương. “Không phải địa phương nào cũng có đầy đủ quỹ đất để bố trí cho cả lực lượng vũ trang của tỉnh và cả lực lượng vũ trang của Bộ trên một địa bàn tỉnh”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, nội dung này phải quy định cho phù hợp với Luật Nhà ở, phù hợp với yêu cầu của quân đội, với chính sách ưu tiên của Nhà nước, bảo đảm theo khả năng đáp ứng của về quỹ đất của địa phương và giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Quý Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load