Thứ tư 15/01/2025 12:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Giáo dục

Tập trung đào tạo nhân lực cho một số lĩnh vực mới

16:26 | 24/07/2024

(Xây dựng) - Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vừa yêu cầu tập trung đào tạo nhân lực một số lĩnh vực mới nổi, kỹ sư, chíp bán dẫn, hydrogen và nhân lực tín chỉ carbon.

Tập trung đào tạo nhân lực cho một số lĩnh vực mới
Tập trung đào tạo nhân lực cho lĩnh vực chíp bán dẫn, hydrogen,…(Ảnh minh họa)

Thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đã yêu cầu những tháng cuối năm 2024, các đơn vị thuộc Bộ, Sở Lao động - Thương binh và xã hội các tỉnh, thành phố tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp điều hành đã đề ra, trong đó đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tập trung đào tạo nhân lực một số lĩnh vực mới nổi, kỹ sư, chíp bán dẫn, hydrogen và nhân lực tín chỉ carbon.

Dự báo trong 5 năm tới, Việt Nam cần khoảng 20.000 người trình độ từ đại học trở lên cho ngành công nghiệp bán dẫn. Nhu cầu nhân lực ngành này lên tới từ 5.000 đến 10.000 kỹ sư mỗi năm.

Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung nâng cao năng lực phân tích, chủ động dự báo cung cầu việc làm, việc làm mới, việc làm bền vững, việc làm thỏa đáng; tăng cường đối thoại chính sách, xây dựng quan hệ hài hòa ổn định và phát triển tiến bộ.

Riêng lĩnh vực tín chỉ carbon, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và lợi thế. Lợi thế lớn nhất là có hơn 3.260 km bờ biển và hơn 14 triệu héc-ta rừng, độ bao phủ chiếm 42%. Theo tính toán, với trữ lượng rừng của Việt Nam, nếu 1 người phụ trách 100 hec-ta rừng, thì cần đến 150.000 người làm công việc kê khai.

Tập trung đào tạo nhân lực cho một số lĩnh vực mới
Nhu cầu nhân lực chất lượng cao đang gia tăng tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, trong các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động các định chế trung gian của thị trường. Đồng thời, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; tăng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng sẽ thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương; đồng thời tập trung cho công tác tuyển sinh, đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; thúc đẩy đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao.

Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu tập trung đào tạo nhân lực một số lĩnh vực mới nổi, kỹ sư, chíp bán dẫn, hydrogen và nhân lực tín chỉ cacbon. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao năng lực phân tích, chủ động dự báo cung cầu việc làm, việc làm mới, việc làm bền vững, việc làm thỏa đáng; tăng cường đối thoại chính sách, xây dựng quan hệ hài hòa ổn định và phát triển tiến bộ.

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, Bộ đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Tập trung đào tạo nhân lực cho một số lĩnh vực mới
Thúc đẩy đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao. (Ảnh minh họa)

Nổi bật là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành và trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành rất cao. Đồng thời, đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW.

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhìn chung cơ bản đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đề ra góp phần hoàn thiện thể chế về lao động, người có công và xã hội. Đối với nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động nhằm duy trì lực lượng lao động ổn định, góp phần phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên cả nước là 52,5 triệu người, tăng 196.600 người so với cùng kỳ; lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 195.700 người so với cùng kỳ; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,27%, không đổi so với cùng kỳ năm 2023.

Các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn. Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài là 78.640 lao động, đạt 62.91% kế hoạch; trong đó có 23.845 lao động nữ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyển sinh năm 2024; tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác; rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tính đến tháng 6/2024, tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 1.878 cơ sở.

Ngoài những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý một số lĩnh vực của ngành còn tồn tại như: Tình trạng thiếu việc làm, việc làm chưa bền vững; tai nạn lao động gia tăng và xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng; chuyển đổi số của toàn ngành và cải cách hành chính chưa có chuyển biến rõ nét.

Quỳnh Hoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load