(Xây dựng) - Tại Quảng Ninh, nghề khai thác than từng là mũi nhọn kinh tế và hình thành đô thị, nhưng các mỏ than cũng để lại hậu quả xấu về môi trường nhất là đất đá xít thải, địa phương và các mỏ đang xúc tiến nhiều giải pháp xử lý môi trường bãi thải mỏ.
Bãi thải Chính Bắc Núi Béo sau phục hồi môi trường, tái sinh rừng. |
Vùng than Quảng Ninh có nhiều DN được cấp phép khai thác, nhưng Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV) là nòng cốt. Các DN thành viên gọi chung là mỏ than, gồm 2 công nghệ khai thác lộ thiên và hầm lò.
TKV thống nhất với Quảng Ninh báo cáo Chính phủ thu hẹp mỏ lộ thiên, chuyển dần xuống khai thác hầm lò vì môi trường. Nhưng mỏ lộ thiên khai thác được triệt để tài nguyên hơn và khai trường vẫn còn than thì không thể đóng cửa mỏ ngay được, nên mỏ lộ thiên vẫn tồn tại. Khai thác hầm lò thì ngày một xuống lò giếng sâu hơn. Sản lượng than nguyên khai của TKV hiện nay từ 38 - 40 triệu tấn/năm, khối lượng đất bóc từ 150 - 180 triệu m3/năm. Đất đá bóc từ quá trình khai thác than khoảng 60% được đổ thải tại các bãi thải ngoài, phần còn lại đổ thải vào các bãi thải trong (khu vực đã kết thúc khai thác than).
Xe tưới đường mỏ chuyên dụng. |
Để giảm bớt ảnh hưởng của việc đổ thải đất đá tại các bãi thải (chủ yếu là từ các bãi thải ngoài) đến môi trường, TKV đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình đổ thải như: Chuyển từ đổ thải cao sang đổ thải theo tầng với chiều cao tầng 30 - 50 m theo đúng quy chuẩn, quy hoạch, thiết kế được duyệt để nâng cao mức độ ổn định, ngăn ngừa nguy cơ sạt lở bãi thải, giảm phát sinh bụi. Xây dựng đê đập chắn đất đá chân bãi thải theo đúng quy hoạch với tổng số 15 đập và 7.200 m đê, riêng giai đoạn 2016 - 2020 đã xây dựng thêm 5 đập và 1.200 m đê, hiện nay các bãi thải có đủ đê đập ngăn đất đá trôi lấp.
Đổ thải kết thúc gọn từng khu vực, từng tầng để sớm trồng cây cải tạo phục hồi môi trường. Tổng diện tích bãi thải đã trồng cây cải tạo phục hồi môi trường trên địa bàn Quảng Ninh là 1.220 ha, riêng giai đoạn 2016 - 2020 đã trồng cây phủ xanh bãi thải được 720 ha, gấp 1,5 lần các năm trước đây (bãi thải Chính Bắc Núi Béo, Vỉa 7-8 Hà Tu, Ngã Hai - Quang Hanh, Đông Cao Sơn, Nam Khe Tam - Đông Khe Sim).
Máy phun sương dập bụi cao áp trên mỏ Đèo Nai. |
Quy hoạch, bố trí trình tự đổ thải hợp lý, tăng cường đổ thải các bãi thải trong, giảm dần đổ thải tại các bãi thải ngoài để ngăn ngừa nguy cơ ảnh hưởng đến dân cư, đô thị. Xây dựng phương án bảo vệ môi trường tổng thể, đặc thù cho khu vực đổ thải bằng băng tải (bãi thải Bàng Nâu) với các giải pháp: Đẩy nhanh đổ thải các tầng dưới để giảm chiều cao đổ thải bằng băng tải, ưu tiên đổ vành đai bám sát biên giới bãi thải để sớm trồng cây tạo vành đai ngăn bụi và cải thiện cảnh quan; xây dựng đập chắn đất đá và hệ thống thoát nước chân bãi thải ngăn ngừa bồi lấp, ngập lụt; ưu tiên đổ thải các tầng dưới thấp, các khu vực đổ thải trong khi điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt để giảm thiểu bụi ảnh hưởng đến môi trường, dân cư.
TKV đầu tư 62 máy phun sương dập bụi cao áp, bổ sung xe tưới đường mỏ chuyên dùng (Công ty CP Than Cao Sơn), lắp đặt hệ thống cấp nước chống bụi đến các bãi thải (Đông Cao Sơn, Nam Khe Tam - Đông Khe Sim, Bàng Nâu) để nâng cao năng lực, hiệu quả chống bụi trong quá trình đổ thải. Bổ sung máy phun sương dập bụi cao áp tại đỉnh và chân bãi thải, tăng cường tưới nước làm ướt đất đá tại đầu băng tải để giảm thiểu khả năng phát sinh bụi...
Các mỏ đã chủ động thực hiện giải pháp trồng cây phủ xanh nhanh các bãi thải mỏ với chi phí lớn, rút ngắn thời gian phủ xanh từ 5 - 6 năm trước đây xuống còn 2 - 3 năm, góp phần hạn chế rửa trôi đất đá, giảm phát thải bụi, cải thiện nhanh môi trường cảnh quan chung.
Tỉnh Quảng Ninh và TKV lập quy hoạch sử dụng đất tái định cư, di dân ở 9 khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt nguy hiểm do ảnh hưởng từ các khu vực khai thác, đổ thải của các mỏ. Năm 2018, đã hoàn thành việc di dời 398 hộ dân đến nơi ở mới an toàn trong mùa mưa bão và cảnh quan môi trường tốt hơn nơi ở cũ.
Bãi thải Nam Đèo Nai vùng than Cẩm Phả đã được phủ xanh cây rừng. |
Tổng chi phí trực tiếp cho công tác bảo vệ môi trường hàng năm của TKV trung bình gần 1.000 tỷ đ/năm (chưa tính thuế, phí môi trường), trong đó chi cho công tác cải tạo phục hồi môi trường và thực hiện bảo vệ môi trường bãi thải chiếm khoảng 20 - 25%.
Việc chủ động thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình đổ thải nêu trên đã giảm thiểu ảnh hưởng của quá trình đổ thải đất đá tại các bãi thải đến môi trường và dân cư, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường cảnh quan chung.
TKV hoạch định chiến lược môi trường, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường các giải pháp chống bụi, phòng ngừa sạt lở, hạn chế trôi lấp đất đá, trồng cây phủ xanh để khắc phục ảnh hưởng của việc đổ thải đất đá đến môi trường.
Vũ Phong Cầm
Theo