Đổ bê tông đầm lăn đập Thủy điện Sơn La. Ảnh: Khánh Hưng
Nhờ sự phục hồi của thị trường xây dựng, từ cuối quý II đến cuối năm 2009, giá trị SXKD của các DN đã tăng trở lại. Qua đó, ngành sản xuất VLXD đã nhanh chóng tăng tốc. Đáng nói, đối với mặt hàng kính xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc nhằm hạn chế kính nhập khẩu, qua đó quy định công tác quản lý chiến lược sản phẩm kính xây dựng đã giúp sản lượng tiêu thụ của các nhà máy kính tăng trở lại. Thị trường xi măng cũng được bình ổn, nhu cầu về xi măng vẫn ở mức cao nhờ thực thi các gói giải pháp kích cầu của Chính phủ.
Trong lĩnh vực xây lắp, mặc dù gặp nhiều khó khăn về vốn liếng, giá cả... nhưng các DN đã chủ động nâng cao năng lực thiết bị, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án công trình trọng điểm như Thủy điện Sơn La, Thủy điện Tuyên Quang, Thủy điện Pleikrong, Dung Quất, Nhơn Trạch 1.
Về thực hiện đầu tư, quán triệt Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Chính phủ và sự chỉ đạo của Bộ, các DN đã cố gắng tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, nhất là trong lĩnh vực xi măng, điện… Dù vậy, giá trị thực hiện đầu tư của các DN vẫn đạt thấp so với kế hoạch năm (hơn 90%). Tuy nhiên, vẫn có một số DN có giá trị thực hiện đầu tư đạt khá so kế hoạch năm là: HUD, Sông Đà, Xây dựng Hà Nội, Sông Hồng, DIC, VIGLACERA, VICEM. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu vẫn là hạ tầng kỹ thuật đô thị và nhà ở, xi măng, điện.
Trong những tháng cuối năm 2009, khi thị trường BĐS trở nên sôi động, các DN tập trung đầu tư, khai thác dự án khu đô thị và nhà ở đã triển khai từ những năm trước; nhiều dự án mới được hoàn tất các thủ tục và khởi công. Đây vẫn là lĩnh vực đầu tư có khả năng mang lại lợi nhuận nhất so với các lĩnh vực khác mặc dù tiềm ẩn rủi ro vẫn có thể xảy ra đối với những đơn vị chưa có nhiều kinh nghiệm và tiềm lực tài chính bị hạn chế.
Về phía Bộ Xây dựng, với sự chỉ đạo điều hành sát sao nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn đà suy giảm, toàn Ngành đã đạt được những thành tựu đáng kể: Giá trị SXKD của các DN thuộc Bộ dự kiến tăng 102,5% so kế hoạch năm, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2008. Đáng nói là chỉ số này trong 6 tháng đầu năm cao hơn tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Đến cuối năm, giá trị xây lắp xấp xỉ 84 nghìn tỷ đồng, đạt 102,5% kế hoạch năm, giá trị sản xuất công nghiệp và VLXD (kể cả công nghiệp xi măng) vượt kế hoạch năm, dự kiến là 41 nghìn tỷ đồng, bằng 119% so cùng kỳ 2008.
Rõ ràng, trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, các DN ngành Xây dựng đã thể hiện bản lĩnh vững vàng. Tới đây, khó khăn chắc chắn cũng không giảm đi. Tỷ giá ngoại tệ đang tăng, còn giá bán sản phẩm không thể đẩy cao bởi nền kinh tế suy thoái đã đặt ra nhiều vấn đề gay cấn cho DN.
Trước tình hình này, Bộ Xây dựng khích lệ các DN tăng cường chủ động sáng tạo thực thi các kế sách khắc phục khó khăn. Bộ trưởng cho hay, Chính phủ đã đặt niềm kỳ vọng rất lớn đối với khối DN ngành Xây dựng trong việc phát huy sức mạnh tổng lực, góp phần khôi phục nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế. Mặt khác, nền kinh tế quốc tế đã vượt qua đáy của cuộc khủng hoảng. Do đó, ngành Xây dựng Việt Nam cần chớp được thời cơ ấy, ngay từ thời điểm này, trong từng TCty cần nghiêm túc thực thi đánh giá hiệu quả hoạt động SXKD của từng đơn vị, tìm ra được dự án có hiệu quả kinh tế cao.
Dương Minh Ngọc
Theo baoxaydung.com.vn